28/05/2008 00:00 GMT+7

Giá thuốc tăng cao, vì sao nên nỗi? (Bài 2): Thủ thuật nâng giá thuốc

NG.QUANG
NG.QUANG

TT - Không ít công ty kinh doanh dược phẩm đã "qua mặt" nhiều cơ quan chức năng bằng nhiều thủ thuật để nâng giá thuốc. Thậm chí vi phạm cả pháp luật, miễn là bán được thuốc!

rHfOjeiA.jpgPhóng to

Những mặt hàng thuốc “điển hình” được nâng giá vô tội vạ - Ảnh: L.TH.H.

TT - Không ít công ty kinh doanh dược phẩm đã "qua mặt" nhiều cơ quan chức năng bằng nhiều thủ thuật để nâng giá thuốc. Thậm chí vi phạm cả pháp luật, miễn là bán được thuốc!

Sau nhiều ngày thâm nhập "thế giới thuốc", chúng tôi đã tiếp cận được với không ít trình dược viên (TDV) của một số công ty dược. Qua TDV Th.T., cuối cùng chúng tôi cũng được giới thiệu đến một TDV khác và từ TDV này chúng tôi đã gặp được ông T.. Ông T. có dáng người thấp đậm, khoảng 40 tuổi, được các TDV cho biết rất rành các kiểu nâng giá thuốc.

"Rửa" hóa đơn

Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi hẹn gặp ông T. ở quán cà phê gần Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ông T. hỏi chúng tôi muốn "làm" hàng nào, biết giá thị trường chưa. Chúng tôi nói muốn "làm" hàng Ấn Độ, Hàn Quốc và chưa biết giá thị trường.

Theo hướng dẫn của ông T., có hai cách để nhập thuốc vào VN: một là liên hệ thẳng với công ty sản xuất ở nước ngoài thông qua văn phòng đại diện của họ tại VN, hai là nhờ một công ty khác đứng ra nhập giùm. Nếu nhập trực tiếp từ nước ngoài sẽ mất công hơn vì phải tự bỏ vốn, chờ lâu và phải tự liên lạc với công ty ở nước ngoài để nhờ họ "làm giá”. Ông T. còn đọc hàng loạt tên văn phòng đại diện của một số công ty dược phẩm nước ngoài và hướng dẫn chúng tôi đến đó liên hệ mua trực tiếp. Tuy nhiên, ông T. khuyên nên nhờ một công ty khác nhập về giùm và khi hàng về tới VN sẽ "làm giá” tùy ý muốn.

Thanh tra phòng khám đa khoa Minh Đức

Sau khi Tuổi Trẻ có bài viết "Nhức nhối hoa hồng!", ngày 27-5 thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh tra phòng khám đa khoa Minh Đức và Công ty TNHH dược phẩm Phú Xuân để làm rõ các vấn đề báo nêu. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP - cho biết sau khi có kết quả thanh tra, sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chúng tôi hỏi cách nâng giá gốc, ông T. hướng dẫn: "Ví dụ chị mua thuốc A với giá 1.000 đồng/ viên. Chị định giá thuốc A trên thị trường là 7.000 đồng/viên. Từ 1.000 đồng để nó lên giá được 7.000 đồng/viên thì phải xuất (hóa đơn) ba vòng. Từ giá CIF 1.000 đồng, công ty 1 xuất hóa đơn bán ra là 1.300 đồng. Từ công ty 1 đến công ty 2 giá tăng lên 100% là 2.600 đồng. Từ công ty 2 xuất qua công ty 3 của chị phải thêm 100% nữa là 5.200 đồng. Rồi từ 5.200 đồng chị bán vô bệnh viện là 7.000 đồng". "Nhưng làm sao nâng giá được như vậy?" - chúng tôi hỏi. "Được chứ. Nếu chị nhập thẳng từ công ty 1 về công ty 3 của chị mà bán với giá 7.000 đồng thì chị phải đóng thuế rất cao. Nếu vậy thì chị chết. Phải xuất hóa đơn lòng vòng qua công ty khác để "rửa" hóa đơn. Hiện nay giá "rửa" hóa đơn là 12%".

Chúng tôi tỏ ý không hiểu "rửa" hóa đơn cách nào, ông T. giải thích tiếp: "Thí dụ chị nhập hàng về 10.000 hộp. Chị xuất hóa đơn qua công ty B 5.000 hộp. Chị bán hết 5.000 hộp, vô bệnh viện hay bán đâu thì bán. Xong chị mới cho thằng này (ý nói 5.000 hộp còn lại) xuất nữa, nhưng xuất không có hóa đơn. Đúng nguyên tắc chị nhập về 10.000 hộp thì cũng phải bán ra 10.000 hộp và đóng thuế 10.000 hộp. Nhưng chị né được hóa đơn 5.000 hộp, nó (ý chỉ cơ quan thuế) đâu có biết chị bán bao nhiêu mà đánh thuế. Nếu thuế có hỏi còn 5.000 hộp nữa đâu thì mình nói hàng tồn kho, hàng cận "đát". Thực tế tôi đâu có xuất ra, hàng tôi bán không được, tôi làm giấy hủy".

Sửa tờ khai hải quan

Tiếp cận một TDV của Công ty Phú Xuân, chúng tôi lấy được một số tờ khai hàng hóa nhập khẩu thuốc của công ty này đã được cạo sửa để nâng giá nhập khẩu (giá CIF). Đơn cử, trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 21733 (tháng 8-2006), thuốc Mycef 200mg có giá CIF là 1,9 USD/hộp 10 viên. Thế nhưng trên một tờ khai hàng hóa nhập khẩu cùng số (bản photo) mà chúng tôi có được thì giá nhập khẩu của thuốc này đã được cạo sửa lại là 4,5 USD/hộp 10 viên. Tương tự, với thuốc Sionara 200mg, trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 23969 (tháng 9-2006) giá CIF của mặt hàng này là 4,5 USD/hộp 100 viên, nhưng trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu cùng số đã cạo sửa giá CIF là 28 USD/hộp...

Khi chúng tôi hỏi cách cạo sửa thế nào để giá CIF trên tờ khai hàng hóa (bản photo) gửi các bệnh viện có giá cao hơn nhiều lần giá bản gốc, ông T. nói ngay: "Bây giờ biết hỏi rồi đó”. Theo ông T., muốn nâng giá được thì phải cạo sửa. Không thể sửa số lượng, ngày tháng trên tờ khai mà chỉ sửa được giá. Cách sửa là lấy tờ khai gốc đem photo. Dùng bản photo này xóa giá nhập thật, rồi sửa lại giá mới, cân đối làm sao cho ra giá "phù hợp". Sau đó đem bản cạo sửa giá photo lại lần nữa và dùng bản photo "hoàn chỉnh" này "đưa cho bệnh viện nó biết thôi. Các bệnh viện đâu có đòi bản chính".

Khi chúng tôi hỏi các bệnh viện có biết điều này không, ông T. nói chắc: "Biết chứ. Nó biết quá đi chứ. Đương nhiên nó biết mình sửa như vậy để chi cho nó. Nó quá biết nhưng nó phớt lờ...".

Chúng tôi nhờ ông T. chỉ công ty nào nhận "rửa" hóa đơn thì ông T. khẳng định: "Các công ty đều "rửa" được hết", và ông nhận luôn việc "rửa" hóa đơn nếu chúng tôi có yêu cầu.

Sao không công khai giá CIF?

Quá trình điều tra chúng tôi còn phát hiện có những thuốc bị nâng giá cao gấp nhiều lần nhưng lại được trúng thầu vào bệnh viện. Cụ thể, hai mặt hàng đang chi "hoa hồng" mạnh của Công ty Phú Xuân từ mấy năm qua không hiểu vì sao lại được Công ty cổ phần Dược - vật tư y tế Quảng Nam đưa vào danh mục chào thầu và đã trúng thầu (cung ứng thuốc chữa bệnh sáu tháng cuối năm 2006) 6.000 viên Neoflox 400mg với giá đã có VAT là 13.486 đồng/viên, thuốc Yucarmin 400mg cũng trúng thầu 3.000 viên với giá có VAT là 2.905 đồng/viên.

Điều đáng nói, kể từ ngày 31-8-2007, liên bộ Y tế - Tài chính - Công thương đã có thông tư liên tịch 11 hướng dẫn việc thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc. Thông tư này qui định rõ Bộ Y tế ủy quyền cho Cục Quản lý dược VN chủ trì, phối hợp với thương vụ VN tại các nước định kỳ khảo sát giá thuốc tại các nước trong khu vực để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá thuốc. Bộ Tài chính cũng ủy quyền cho Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin giá CIF thực tế của thuốc nhập khẩu, lưu hành tại thị trường VN (chậm nhất là ngày 25 hằng tháng) gửi về Cục Quản lý dược VN thông tin giá nhập khẩu của tháng trước...

Thế nhưng hiện nay trên trang web của Cục Quản lý dược VN mới chỉ công khai giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện của các công ty dược phẩm. Còn giá các mặt hàng bán ngoài thị trường cũng như giá nhập khẩu (giá CIF) của các loại thuốc ngoại vào VN thì chưa thấy. Vì vậy, các sở y tế địa phương, bệnh viện, người bệnh muốn kiểm tra giữa giá nhập khẩu và giá bán ra của thuốc nào đó có hợp lý hay không thì không thể nào làm được. Điều này tạo thuận lợi cho những công ty kinh doanh dược phẩm làm ăn không chân chính tha hồ nâng giá bằng mọi thủ đoạn.

Việc không công khai giá CIF để doanh nghiệp được quyền tự định giá và kê khai giá thuốc - một mặt hàng đặc biệt không thể kinh doanh như hàng hóa thông thường - không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Và người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo ở tỉnh xa lên TP.HCM khám chữa bệnh đã tốn kém biết bao chi phí, lại phải thêm gánh nặng giá thuốc cao vô lý.

(còn tiếp)

NG.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên