27/05/2013 04:25 GMT+7

Giá thực phẩm thuộc về ai?

DŨNG TUẤN
DŨNG TUẤN

TT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM tháng 5 đã giảm 0,16% so với tháng trước, đây là tháng thứ ba liên tục chỉ số giá cả giảm. Nhìn vào những con số này, nhiều người cứ ngỡ giá cả các mặt hàng đang giảm nhưng thực chất nhiều bà nội trợ hằng ngày vẫn than trời với sự “nhảy múa” của giá cả, đặc biệt là hàng ăn, thực phẩm.

VtgxRv62.jpgPhóng to
Chọn thực phẩm tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh - Ảnh: Thuận Thắng

Dịp cuối tuần, chị Trần Liên Chi (đường Trần Văn Đang, Q.3) cùng gia đình đi ăn tại một nhà hàng quen thuộc trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1). Cũng vẫn những món ăn quen thuộc như sườn nướng, heo chiên giòn, cơm chiên... nhưng cả gia đình khá bất ngờ khi hóa đơn tính tiền đã đội lên thêm cả trăm ngàn đồng so với hồi đầu năm. “Quán quen ăn xưa giờ rồi, nhưng để ý mới thấy cứ vài tháng lại có một đợt tăng giá đồng loạt tất cả các món từ 10.000-20.000 đồng. Hỏi thì lần nào cũng được nghe: giá cả nguyên liệu tăng, nghe riết mà phát chán” - chị Chi lắc đầu nói.

Cũng như bao gia đình khác, bà Nguyễn Thị Hà (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) sáng nào cũng tất tả đi chợ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình ba người. “Bây giờ một ngày cơm cũng phải chuẩn bị 100.000 đồng tiền chợ mới gọi là ăn được” - bà Hà khẳng định. Theo cách tính của bà Hà, một bữa ăn ngày thường trái bầu - bí gần 10.000 đồng, thịt, cá cũng 20.000-30.000 đồng, trái cây lặt vặt “xén” thêm 10.000-15.000 đồng. Tổng cộng bà Hà chi gần 50.000 đồng cho một bữa ăn gia đình. Bà Hà kể trước đây 20.000-30.000 đồng là thoải mái cho một bữa ăn nhưng giờ thì chi li, chắt bóp lắm mới đủ. Người ta cứ nói giảm giá này nọ, giảm đâu không thấy, tui thấy giá vẫn tăng từng ngày. Nói đâu xa, chỉ cách đây vài ngày thôi, cà chua đã tăng thêm 2.000 đồng, bí, bầu tăng hơn 1.000 đồng/kg. Một tiểu thương tại chợ Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) nói giá cả thực phẩm bây giờ rất “trời ơi”, rau củ, thịt, cá nhiều lúc cứ muốn tăng là tăng, không cần phải có lý do gì hết.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng vừa qua thịt chế biến đã tăng thêm 0,31%, trứng tăng thêm 6,02%, cả nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng thêm 0,34%. Những con số trên nằm trong cơ cấu tính giá đã phần nào cho thấy được câu chuyện tại sao giá cả thực phẩm vẫn liên tục tăng suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong khi giá cả đầu nguồn từ các trang trại rau, thịt rất rẻ, hàng hóa nhiều ê chề, nhưng khi qua nhiều khâu trung gian, giá đã bị đẩy lên thêm 20-40%, thậm chí hơn 50%. Rất nhiều lần trong các cuộc trao đổi với ban quản lý các chợ đầu mối, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: chợ chỉ quản lý lượng hàng xuất nhập, còn giá cả thì gần như bó tay. Đại diện Sở Tài chính và Sở Công thương TP.HCM cũng có lần nói rằng giá cả thị trường tự do là không thể can thiệp.

Thực tế cho thấy tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng, cửa hàng tiện lợi..., nhà phân phối và đơn vị sản xuất luôn thực hiện việc ký kết phân phối các loại thực phẩm ổn định trong một thời gian dài. Nếu có phương án điều chỉnh tăng giá phải được thông báo, đàm phán để đảm bảo có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, người tiêu dùng tại chợ, kênh phân phối nhỏ lẻ vẫn từng ngày, từng giờ phải mua thực phẩm với sản phẩm không đúng với giá trị thực. Vậy trách nhiệm kềm giữ giá cả ở các kênh phân phối này hiện nay đang thuộc về ai?

DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên