Phóng to |
“Quĩ bác Cài”
Không gian riêng của ông Đinh Huy Cài trong căn nhà là gian bếp với vật dụng có vẻ mới là chiếc máy giặt Sanyo đã “lên màu thời gian”. Sát vách tường là tủ chén gỗ với vách bằng lưới đặc trưng từ thời tem phiếu, một tủ sắt gỉ sét.
Ở góc phòng là xô nhôm cũ kỹ, được đậy bằng một nắp nồi: hũ gạo. Một tivi cũ treo trên kệ, sát cạnh bộ bàn ăn bằng gỗ thô mộc từ thời bao cấp. Một thế giới gọi là nghèo khó của người đại tá hồi hưu, nhưng đó là nơi trú ngụ của một người hào phóng với cả trăm triệu đồng cho mượn không lấy lời đã hơn mười năm qua.
Điều bất ngờ lớn là khi leo cầu thang lên gác gỗ để vào phòng ngủ của ông: một căn gác nhỏ với vật dụng lớn nhất là chiếc tủ sắt cùng vài bộ quần áo được treo bên ngoài tủ. Bộ đivăng ngổn ngang những bọc, gói... toàn là giấy và giấy. Những tờ giấy, những bọc giấy úa vàng, những hình ảnh, tư liệu... từ ba, bốn chục năm về trước, từ hai cuộc chiến tranh, từ chiến trường Campuchia mang về. Nhưng ông nói tài sản quan trọng nhất, thân thiết nhất, đáng giá nhất đối với ông lại là cái võng dù. Nó mắc chéo ngang căn phòng, là vật chứng của cuộc đời ông, là một phần những quá khứ, những suy tư, những khát khao, hi vọng của ông về cuộc đời.
Phóng to |
Ít ai nghĩ một người giản dị và thương khó như ông lại có thể chi cả trăm triệu đồng cho người nghèo mượn vượt khó - Ảnh: T.Hùng |
Những ngày đầu làm thường dân, ông hay đạp xe đi dạo phố phường. Một ngày đi rảo qua những ngôi nhà trong hẻm khu ông trú ngụ, ông sững người trước những cảnh đời, những con người mà ông bắt gặp. Đó là những đồng đội của ông, những người từng vào sinh ra tử thời chiến tranh với ông nay lại trú ngụ trong những căn nhà dột nát.
Đó là vợ chồng cựu chiến binh Trần Thanh Trí: chồng đi bỏ mối khăn lạnh, vợ đi giặt đồ mướn đắp đổi qua ngày, có hai con thì một con đã bị di chứng chất độc da cam... Là vợ chồng anh Trương Thanh Phong: chồng là cựu chiến binh về từ Campuchia, có vợ và ba con mà không một chốn nương thân. Chồng chạy xe ôm, vợ bị cơn bạo bệnh, phải mổ gấp mà không còn đồng bạc để dành. Hóa ra cuộc đời người lính khi rời quân ngũ có quá nhiều cảnh gian nan.
Nhiều đêm trằn trọc nghĩ về cuộc sống đồng đội, ông quyết định gom hết tiền lương hưu, tiền dành dụm - cả gia tài của một người lính - mang ra cho anh em cựu binh mượn. Ông nói rằng số tiền đó ông để dành mai này lo chuyện hậu sự cho mình, bây giờ cho người khó mượn thì cần thiết hơn.
Người 3 triệu, người 5 triệu... và cứ như thế, ông tìm mọi cách để bổ sung từ lương đại tá về hưu, thu vén nơi ở hẹp lại để có khoản tiền cho thuê nhà. Từ từ ông có một quĩ, mọi người quen ông thường gọi là “Quĩ bác Cài”. Tích lũy dần từ ban đầu chỉ có mươi triệu, 50 triệu, rồi thành 170 triệu đồng sau hơn mười năm trời tích cóp.
Ông trích 70 triệu đồng gửi cho quĩ xóa đói giảm nghèo để những đêm khuya người nghèo cần tiền đi bệnh viện đột xuất đã có “Quĩ bác Cài” ứng giúp họ, để người nghèo cần ít vốn ban đầu mua bán trái cây là có “Quĩ bác Cài” hỗ trợ ngay... Cứ như vậy, “Quĩ bác Cài” xoay vòng cho không biết bao nhiêu người nghèo trong năm sáu năm qua. Số còn lại, khoảng 100 triệu đồng, ông dành hẳn giúp đồng đội. Người 5 triệu, 7 triệu...
Phóng to |
“Người ta chỉ cần một chiếc võng là thu xếp cuộc đời của mình được rồi. Giường êm nệm ấm sao được khi bao đồng đội còn quá vất vả giữa đời thường” - Ảnh: T.Hùng |
Chỉ một cái võng cho mình
Ngày xưa cậu bé Đinh Huy Cài lớn lên ở thôn Chòm, Gia Viễn (Ninh Bình). Ấy là một lõm đất nổi lên giữa thung lũng bốn bề rừng núi. Trong ký ức ông, thôn toàn những mái nhà tranh, một năm chỉ có bốn tháng đi bộ được, tám tháng còn lại nước phủ bao quanh, phải đi thuyền. Đó là một gia đình với tám người con nhưng đói khát, bệnh tật đã lấy mất đi bốn người. Mẹ mất khi ông vừa 12 tuổi, ông phải đi ở đợ cho chủ đồn điền.
Đó là ba năm cắt cỏ, chăn bò trên núi. Ăn không có ăn, ngủ trong vách đá, sốt rét vàng da rồi dần vàng đến mắt. Người chị ruột nghe ai mách một phương thuốc gia truyền nên xách mai đi đào giun đất về bắt ông nuốt sống. Những con giun đất chui tọt vào cổ nghe nhồn nhột hình như cũng có tác dụng tốt, bớt bệnh ông ngồi dậy đi cắt cỏ về đổi thóc. Đi từ sáng tới chiều trong núi, về được một bó cỏ, đem đổi lấy được một ký lúa rơm. Hết lúa rơm thì đi đào củ mài, củ chụp... Tuổi thơ của ông là những ngày tháng lớn lên trong khổ nghèo đói rét, cả đời ông như chưa một lần được thư thái, no cơm, ấm áo cho nên giờ đây ông hiểu khó khăn của người nghèo.
Ông nói: “Tôi từng được quân đội phân cho nhiều căn nhà lớn. Đó là một căn nhà ở cư xá Lam Sơn, rồi căn nhà năm tầng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, một căn khác ở cư xá Hoàng Hoa Thám, cư xá Bắc Hải (TP.HCM)... Tôi đều trả lại. Cho tới cái nhà này, Thành ủy cho ở từ khi đứa con gái học hành xong, vào Sài Gòn lập nghiệp thì vợ tôi mới chịu theo con vào. Cuộc sống người lính thì có cần gì đâu chứ”. Chiếc võng bao đi suốt dặm dài chiến trường cùng ông, rồi bao nhiêu năm qua theo ông từ Bắc vào Nam.
Ông nói đó là tài sản vô giá của người lính như ông. “Người ta chỉ cần một chiếc võng là thu xếp cuộc đời của mình được rồi. Người ta chỉ cần một chỗ để ngả lưng cho một tâm hồn thảnh thơi. Giường êm nệm ấm sao được khi bao đồng đội còn quá vất vả giữa đời thường” - ông Cài ngồi đung đưa trên cánh võng lính mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Giữa đất Sài Gòn, ông giăng võng lên trong căn phòng nhỏ và thả giấc ngủ của mình vào trong đó, trong đầu luôn nghĩ rằng mình còn gì hơn để giúp đồng đội. Chỉ cần một cái võng cho mình, còn lại là dành cho mọi người.
______________________
Trong sáu năm qua, có một người dân tộc Cơtu cứ ngày ngày vác cuốc đi lấp từng ổ gà, khuân từng hòn đá cho xe cộ qua bãi lầy, hố trâu, hố bò... Dân làng ở đây nợ ông nhiều lắm.
Kỳ tới: “Công ty cầu đường một mình”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận