05/03/2014 13:05 GMT+7

Gia đình khiếu nại bác sĩ tắc trách làm chết thai nhi

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Sáng 5-3, gia đình sản phụ Đoàn Thị Ca Cao (22 tuổi, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã tìm đến ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phản ảnh về những tắc trách của bác sĩ dẫn đến việc con anh chết oan và vợ đang trong tình trạng nguy kịch.

Anh Võ Thanh Hoàng (chồng sản phụ) bức xúc nói: "Sáng 4-3, vợ tôi đau bụng nghi sắp sinh nên tôi đưa đến Trạm y tế xã Thuận Hưng khám, bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu sinh nhưng vì trước đó đã sinh mổ nên phải chuyển lên tuyến trên để sinh cho an toàn.

Tôi chở vợ lên Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, lúc đó hơn 11 giờ trưa nên đăng ký khám dịch vụ. Bác sĩ Hồng Quốc Thích chẩn đoán: “Thai bình thường và bị rối loạn tiêu hóa”, nói chưa đến ngày sinh nên kê toa kêu mua thuốc gồm 4 loại thuốc (FEPITO - 100mg 30 viên; GOLDTOMAX - 500mg 20 viên; SPASMAVRIN - 40mg 20 viên; SMECTA - 3g 10 gói) để uống trị rối loạn tiêu hóa.

Lúc đó thấy vợ đau bụng nhiều, tôi xin bác sĩ cho nhập viện nhưng bác sĩ quát “chưa đến ngày sinh nhập viện làm gì”. Tôi chở vợ về và đi công chuyện ở gần đó, đến khoảng 4 giờ chiều trên đường về nhà thì vợ tôi kêu đau bụng nhiều và ngất xỉu. Tôi phải kêu taxi chở đến một phòng khám tư, bác sĩ nói vợ tôi sắp sinh, kêu đến bệnh viện gấp. Đến bệnh viện khoảng 6 giờ chiều ở khoa cấp cứu thì bác sĩ khám chẩn đoán thai nhi đã chết, phải mổ gấp để cứu mẹ".

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Cao Văn Nhựt - trưởng khoa phụ sản, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết: Sản phụ Ca Cao vào cấp cứu lúc 19g30 ngày 4-3 trong tình trạng đau bụng nhiều, thăm khám thấy tử cung co cứng (tăng trương lực rất dữ), không nghe được tim thai. Kết quả siêu âm ngay sau đó cho thấy có túi thai 36 tuần, chết lưu, máu tụ sau nhau nhiều… Chẩn đoán thai phụ bị nhau bong non, diễn biến nặng và nhanh. Sau đó, bác sĩ đã tư vấn cho gia đình và mổ cấp cứu cho sản phụ.

Êkíp mổ đã mổ lấy ra thai nhi chết lưu 2,5 kg, bé trai, tử cung của sản phụ lúc đó thấy nhiều nốt xuất huyết, bầm tím, máu tụ sau nhau khoảng 3g. Cuộc mổ đã bảo tồn tử cung cho thai phụ, do có tình trạng rối loạn đông máu nên phải truyền 4 đơn vị huyết tương và 2 đơn vị hồng cầu lắng. Tình trạng hiện nay của sản phụ tạm ổn, đang được theo dõi tại phòng hậu phẫu.

Nói về nguyên nhân tại sao buổi sáng cùng ngày sản phụ Ca Cao đã đến khám ngay tại bệnh viện, nhưng bác sĩ cho về vì không có gì bất thường, hẹn tháng sau đến sinh, bác sĩ Nhựt giải thích: đúng là ghi nhận tại phòng khám dịch vụ trưa hôm đó (khoảng 11g ngày 4-3), sản phụ Ca Cao có đến khám, nhưng lúc đó bác sĩ siêu âm ghi nhận tình trạng thai bình thường, có tim thai. Vì thai mới khoảng 36 tuần, chưa đến ngày dự sinh và không có bất thường nên bác sĩ cho về là đúng.

Thông thường các trường hợp bị nhau bong non nặng là bệnh lý cấp cứu của sản khoa, rất khó tiên lượng, có thể vì lúc đó chưa rõ triệu chứng, bệnh diễn biến nhanh nên bác sĩ khó xác định trước.

“Các sản phụ có nguy cơ bị bệnh lý này là người có tiền sử cao huyết áp, tiền sản giật. Trong thai kỳ có tình trạng ra huyết âm đạo, đau bụng, cảm giác căng cứng tử cung… các trường hợp này cần được thăm khám thường xuyên để xử lý”, bác sĩ Nhựt nói.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên