![]() |
Luật sư Thái Văn Chung (tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Thời gian qua, Nhà nước đã thu phí cầu đường qua xăng dầu là cách làm thực tế và công bằng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khoản thu phí này chưa được các cơ quan thẩm quyền công khai minh bạch, nay việc đặt thêm một loại phí quỹ bảo trì đường bộ thì doanh nghiệp rất băn khoăn. Nếu Nhà nước thực hiện đề án Quỹ bảo trì đường bộ, cần xóa bỏ việc thu phí qua xăng dầu và xóa bỏ ngay các trạm thu phí do Nhà nước lập nên.
Đề án Quỹ bảo trì đường bộ không đề cập việc xóa thu phí qua xăng dầu đang áp dụng, điều này làm doanh nghiệp phải gánh chịu phí chồng phí. Chi phí cầu đường bộ đang chiếm khoảng 5% trong giá cước vận chuyển, nếu mức phí này tăng thêm, giá cước vận tải sẽ tăng thêm. Giá cước vận tải tăng làm tăng giá cả hàng hóa đến với người dân trong bối cảnh cuộc sống hiện đang khó khăn.
Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng có phản ứng vì có quá nhiều khoản thu phí cầu đường. Chúng tôi đồng tình với đề án này, nhưng các cơ quan nhà nước cần có lộ trình thực hiện phù hợp để các doanh nghiệp vận tải không cảm thấy phí cầu đường là một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Ngữ (phó chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, Kiên Giang):
Theo đề án quỹ bảo trì đường bộ, có phương án thu 1.000 đồng/lít xăng thông thường, 330 đồng/lít dầu diesel. Nghe qua điều này, các chủ tàu cá và ngư dân lo lắm. Vì các tàu cá quanh năm chỉ hoạt động ở biển khơi, không sử dụng đường bộ mà phải nộp phí để bảo trì đường bộ là điều chưa hợp lý.
Việc thu phí để tạo nguồn thu nhằm duy tu bảo dưỡng đường bộ là hợp lý, nhưng thu như thế nào và thu đúng đối tượng là điều rất quan trọng. Nếu như phương án Tổng cục Đường bộ đề xuất trở thành hiện thực, ngư dân đã khó lại càng thêm khó. Hiện một cặp tàu cào đôi một chuyến đi biển một tháng cần khoảng 30.000 lít dầu, nếu phải nộp cho phí bảo trì đường bộ 330 đồng/lít thì chi phí tăng thêm gần 10 triệu đồng. Con số này nếu nhân lên cả đội tàu Kiên Giang hàng ngàn chiếc, chi phí tăng thêm không hề nhỏ.
Một chuyến ra khơi tiền dầu chiếm đến 80% chi phí, nếu phải thu bảo trì đường bộ qua xăng dầu, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, ngành đánh bắt thủy sản mới thỏa đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận