03/12/2014 00:10 GMT+7

​Giá cả ở các nước: Quản kiểu gì?

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Ở nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển hiện nay, kinh tế đều được vận hành theo cơ chế thị trường, thực hiện rộng rãi cơ chế giá do thị trường quyết định.

Tuy nhiên, nhiều nước cũng phải sử dụng “bàn tay hữu hình” để can thiệp, uốn nắn các méo mó, bất cập trong sự vận động của thị trường.

Một trong những biện pháp được kể tới là kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có biến động.

Ở Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ có quyền yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp bằng chứng và các tài liệu liên quan đến hoạt động định giá; cung cấp và sao chụp các sổ sách về kế toán, các hóa đơn chứng từ, các tài liệu và các thông tin liên quan đến hoạt động định giá.

Đối với Thái Lan, Chính phủ quy định nguyên tắc, thủ tục để xem hành động nào gây ra việc tăng hoặc giảm giá không hợp lý dẫn đến biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Các nước cũng tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý giá.

Tại Pháp, người nào thực hiện hoặc có âm mưu thực hiện việc làm nâng giá hoặc giảm giá một cách giả tạo giá cả hàng hóa, dịch vụ, tài sản của nhà nước, tư nhân bằng cách tán phát tài liệu, thông tin lừa dối hoặc vu khống, tung ra trên thị trường những chào hàng có mục đích làm rối loạn giá cả thị trường hoặc chào hàng theo giá của người bán hoặc bằng việc sử dụng mọi phương tiện gian dối khác thì sẽ bị phạt tù 2 năm và phạt tiền 200.000 franc.

Tại Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không tuân thủ các biện pháp bình ổn giá, có hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa sẽ bị phạt tù (không quá 2 năm) và/hoặc chịu mức phạt tiền không quá 50 triệu won.

Nếu vi phạm kê khai giá, không thực hiện báo cáo giải trình giá khi có yêu cầu hoặc báo cáo không trung thực thì bị phạt tiền không quá 10 triệu won.

QuoThzVV.jpg

Một trong những giải pháp được một số nước áp dụng trong quản lý giá là tăng cường công tác cung cấp thông tin về giá, so sánh về giá đến người tiêu dùng, tạo điều kiện cho họ có những phương án tiêu dùng hợp lý.

Tại Philippines, Bộ Công Thương định kỳ hàng tuần, tháng và quý cung cấp cho người dân danh sách giá bán lẻ khuyến nghị của các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để người dân có nhiều lựa chọn về hàng hóa dịch vụ với giá cả hợp lý.

Hàng năm, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Chính phủ Hàn Quốc) thực hiện cung cấp thông tin về giá của 80 mặt hàng tiêu dùng cơ bản trên Internet.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể tham khảo, so sánh các mức giá và có quyết định phù hợp, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tại nhiều nước, Chính phủ có chính sách khuyến khích và tăng cường hoạt động của hội người tiêu dùng nhằm bình ổn giá cả hàng hóa. Tại Singapore, trước tình trạng các nhà buôn lợi dụng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng để tăng giá trục lợi vào năm 2007, Bộ Công Thương nước này phối hợp chặt chẽ với hội người tiêu dùng để giải quyết các khiếu nại.

Ngoài ra, hội người tiêu dùng còn đứng ra tổ chức thương thuyết với hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng để tìm hiểu nguyên nhân tăng giá đồng loạt và thỏa thuận mức giá phù hợp cho cả người bán và người mua.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên