Để giảm sức ép lạm phát, kiểm soát đà tăng giá hàng hóa dịch vụ, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng cần kiểm soát được nguồn cung, bảo đảm được chuỗi cung ứng, kết hợp với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt.
Xăng dầu tăng giá đã đẩy chi phí vận tải tăng trung bình khoảng 40%, một số loại hình vận tải tăng tới 50%. Mới đây, hãng taxi công nghệ Grab vừa công bố tăng giá cước vận tải từ 500 đồng/km đến 2.000 đồng/km tùy theo quãng đường di chuyển và loại hình vận tải.
Không chỉ có vậy, chi phí khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân cũng tăng 40% do xăng dầu tăng giá, từ 1 triệu tiền dầu cho một chuyến đi biển trước đây, nay ngư dân phải chi tới 1,4 triệu đồng tiền dầu cho một chuyến đi biển.
Áp lực tăng giá, tăng lạm phát 2022 rất lớn, ba yếu tố đẩy lạm phát năm 2022 tăng mạnh, theo ông Lâm, là do tổng cầu của nền kinh tế tăng đột biến, một nguồn lực lớn được Chính phủ bơm vào đầu tư công để lấy lại đà phục hồi kinh tế; giá xăng dầu, năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; và sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.
Trong đó, giá dầu thô nhập khẩu đã tăng từ 98 USD/thùng lên mức gần 140 USD/thùng, tăng trên 60% so với hồi đầu năm. Giá bán lẻ xăng trong nước đã áp sát 30.000 đồng/lít, xu hướng tăng giá vẫn chưa dừng lại.
Tương tự, chỉ trong khoảng 2 tuần qua, giá than trên thị trường thế giới tăng từ 200 USD/tấn lên hơn 400 USD/tấn đang ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện, chi phí sản xuất điện tăng theo giá than.
Xăng dầu được coi là "máu" của nền kinh tế, sử dụng trong hầu hết các ngành, nhiều ngành sử dụng chi phí xăng dầu đầu vào rất lớn, trong khi giá dầu thế giới được dự báo còn tăng ở mức cao trong thời gian tới vì nhu cầu thế giới tăng mạnh cùng với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian tới rất lớn, vì thế chính sách kiểm soát giá cả, lạm phát cần nhìn nhận trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới ở ngưỡng cao, đặc biệt trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine là tác nhân làm giá xăng dầu tăng nhanh hơn, ở mức cao hơn.
Đã đến lúc chúng ta cần tính toán để có một chiến lược kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp cho cả năm. Việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% trong năm nay là rất khó. Cần nới lạm phát ở mức phù hợp để có được đà hồi phục kinh tế tích cực trong năm nay.
Để kiểm soát lạm phát được năm nay, yếu tố đầu tiên phải kiểm soát là nguồn cung của nền kinh tế. Trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 350.000 tỉ đồng, hàng loạt công trình hạ tầng lớn được triển khai trong năm nay và năm sau. Áp lực nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đang rất lớn. Nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào của nền kinh tế lớn, trong khi lại phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài sẽ làm giá cả tăng cao.
Đặc biệt là nguồn cung về xăng dầu đầu vào, nếu không có giải pháp kiểm soát giá phù hợp sẽ đẩy giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ tăng lên, khiến lạm phát tăng cao. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy lạm phát nền kinh tế tăng thêm 0,36%.
Yếu tố thứ hai cần khắc phục là không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Chính phủ cần có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vật tư, nguyên vật liệu giữa các vùng, các địa phương.
Cuối cùng, phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát.
Để chặn đà tăng giá hàng hóa, dịch vụ, kiểm soát lạm phát, trước mắt cần ưu tiên giảm thuế phí để giảm giá xăng dầu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ xăng dầu nhập khẩu để điều tiết khi cần.
Phản ứng chính sách với xăng dầu cần nhanh hơn, khi đã có chính sách tốt, giải pháp tốt thì cần triển khai kịp thời. Chẳng hạn, với giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, bối cảnh xăng dầu thế giới và trong nước đang tăng giá mạnh nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn phải chờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm được thuế vào ngày 1-4 tới thì quá trễ, nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi tới thời điểm đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận