Mỗi sự kiện của liên hoan có sự tham dự của hàng trăm bạn đọc đến từ nhiều quốc gia - Ảnh: Wirasathya Darmaja
Chúng ta không thiếu những tài năng văn chương và những tác phẩm văn chương độc đáo, không thiếu sự hấp dẫn để kéo các tác giả và bạn đọc quốc tế đến với mình...
Năm 2002, những quả bom khủng bố xé toang sự thanh bình của Bali - hòn đảo xinh đẹp của đất nước Indonesia, cướp đi mạng sống của hơn 200 người, nhiều người trong số đó là khách du lịch quốc tế.
Nỗi sợ hãi nguy cơ khủng bố vẫn còn tiềm ẩn khiến nhiều người nước ngoài bỏ chạy, nhưng một người phụ nữ Úc kiên quyết ở lại: Janet DeNeefe - tác giả một số quyển sách viết về ẩm thực Bali.
Không những ở lại, chị bắt tay thực hiện một dự án không tưởng: khởi xướng Liên hoan văn học Ubud Writers & Readers Festival (UWRF) để tiếng nói của văn chương át đi tiếng bom và sự sợ hãi.
Văn chương mang đến điều kỳ diệu
Đúng là như vậy, nếu nhìn vào hàng trăm ngàn lượt người đã và đang trở lại Ubud, trung tâm văn hóa của Bali, để tham gia sự kiện văn học đặc biệt này. Sau 15 năm phát triển, Liên hoan văn học Ubud đã trở thành một trong những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật nhất châu Á hiện nay.
Mỗi năm liên hoan quy tụ hàng trăm tác giả đến từ Indonesia và khắp nơi trên thế giới, với số độc giả tham dự lên đến 26.000 người (năm 2014) và hơn 30.000 người (năm 2015). Năm 2018, giữa những lo ngại về nguy cơ động đất và núi lửa phun trào, số bạn đọc tham dự liên hoan vẫn đạt tới con số 25.000 người, theo ước tính của ban tổ chức.
Tôi biết đến Liên hoan văn học Ubud một cách rất tình cờ. Năm 2013, khi đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhà văn người Mỹ Suzi Garner (người đã viết và vẽ tranh để cứu voọc Cát Bà qua quyển sách Con voọc cô đơn) nói với tôi rằng chị đã tự bỏ tiền vé máy bay từ Hà Nội sang Bali, mua vé để tham dự các buổi nói chuyện, các buổi trình bày tác phẩm của các nhà văn Indonesia và quốc tế.
Trở về từ liên hoan, chị hồ hởi nói với tôi rằng chị đã học được rất nhiều điều và được tiếp thêm năng lượng sáng tác.
Phải mất đến 5 năm, vào cuối tháng 10-2018, khi trở thành khách mời và đặt chân đến Bali để trình bày các tác phẩm tại Liên hoan văn học Ubud, tôi mới hiểu Suzi Garner không phải là người duy nhất làm thế.
Tôi đã gặp rất nhiều bạn đọc từ khắp nơi trên thế giới đến Indonesia chỉ để tham dự Liên hoan văn học Ubud, trải qua những chuyến bay rất dài, từ Úc, Anh, Mỹ, hoặc Ấn Độ… Một số người từng tham dự liên hoan nhiều lần.
Cặp vợ chồng người Nam Phi, anh Laurie và chị Freda Barwell đã 8 lần sang Bali tham dự liên hoan. "Đến đây, tôi được lắng nghe các tác giả mà mình yêu thích, hiểu thêm về các vấn đề chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn học của châu Á và cả thế giới" - Freda nói.
Đối với những người yêu văn chương, 72 buổi thảo luận nhóm được tổ chức xuyên suốt trong bốn ngày (từ ngày 25 đến 28-10-2018) thực sự là một bữa tiệc thịnh soạn. Mỗi buổi thảo luận kéo dài 1 tiếng 15 phút, xoay quanh những tác phẩm được xuất bản của các tác giả được lựa chọn.
Các đề tài thảo luận vì thế rất đa dạng, bao gồm những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay: di dân, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, thực phẩm biến đổi gen, mạng xã hội và tác động của nó lên đời sống con người, nạn quấy rối và bạo hành tình dục, tự do trong sáng tác văn chương…
Nhiều sự kiện trực tiếp liên quan đến Indonesia như sự biến chuyển của đạo Hồi ở Indonesia, những phương án giúp Indonesia đối phó với thảm họa, những vấn đề cấm kỵ trong sáng tác văn học tại Indonesia, cuộc chiến giải cứu rừng ở xứ sở vạn đảo… cũng được thảo luận sâu sắc và sôi nổi.
Trong cuộc thảo luận "Vượt qua sự cấm kỵ" có sự tham gia của các tác giả trẻ người Indonesia như Norman Pasaribu, Feby Indirani, Djenar Ayu, Nuril Basri, và Febriana Firdaus, khi người điều hành thảo luận muốn biết các nhà văn gặp áp lực như thế nào khi viết về các vấn đề nhạy cảm, nhà thơ Norman Pasaribu nói rằng khi bản thảo tập thơ Sergius Mencari Bacchus (Sergius đi tìm Bacchus) viết về những người đồng tính của anh giành giải nhất cuộc thi thơ năm 2015 của Hội đồng nghệ thuật Jakarta, mạng xã hội ngập tràn những lời phỉ báng.
Ở công sở, Norman gặp nhiều áp lực đến nỗi anh phải nghỉ việc. Và khi một khán giả hỏi về phản ứng của gia đình các tác giả về tác phẩm của họ, nhà văn Feby Indirani bật khóc, chia sẻ rằng cô không dám cho mẹ xem những tác phẩm của cô viết về đạo Hồi vì mẹ cô là một người vô cùng sùng đạo.
Những thảo luận như vậy chỉ ra sự khắt khe trong môi trường kiểm duyệt tại Indonesia: một số tác phẩm của các tác giả nói trên vẫn chưa được in trong nước mặc dù đã được dịch, in và đoạt giải thưởng ở nước ngoài.
Nhưng nó cũng đồng thời cho thấy sự dũng cảm, quyết tâm và kiên định của những nhà văn trẻ Indonesia đang dần tạo ra những biến đổi cho một môi trường sáng tác cởi mở hơn ở Indonesia.
Sự quan tâm của bạn đọc đối với văn học Việt Nam khiến tôi vừa vui vừa buồn. Tại buổi thảo luận của tôi cùng nhà báo Úc Jewel Topsfield và các tác giả Cat Wheeler, Tariq Khalil, và Ferenc Barnás đến từ Canada, Scotland và Hungary, và tại các buổi đọc thơ sau đó, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về văn học và các tác giả, tác phẩm của Việt Nam.
Nhưng đối với bạn đọc quốc tế, dấu ấn của văn học Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, những câu hỏi đã cho thấy họ vẫn đang chờ cơ hội khám phá.
Nhà văn Nuril Basri và quyển sách Not A Virgin (tạm dịch: Không còn trinh trắng) viết về cộng đồng những người chuyển giới tại Indonesia - Ảnh: Wayan Martino
Cây cầu văn chương
Hằng năm, liên hoan chọn ra những gương mặt văn chương trẻ tiêu biểu trong nước để giới thiệu tới bạn đọc. Sáng tác bằng tiếng Bahasa, nhưng tại liên hoan, những tác giả này tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm sáng tác của mình bằng tiếng Anh - điều vẫn đang là điểm yếu của hầu hết các tác giả Việt Nam.
Những nhà văn trẻ Indonesia rất năng động giao lưu với bạn đọc nước ngoài nhờ ngoại ngữ và kinh nghiệm giao lưu văn học quốc tế như thế.
Năm 2019, với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, liên hoan này sẽ đưa văn học Indonesia đến Hội chợ sách London, nơi mà Indonesia sẽ được chọn là quốc gia tâm điểm của hội chợ (Market Focus).
Một kế hoạch giới thiệu văn học Indonesia theo chủ đề "17.000 hòn đảo của sự tưởng tượng" đã được vạch ra, với danh sách 12 tác giả dựa trên chất lượng tác phẩm đã được công bố. Liên hoan văn học Ubud từng góp phần giúp Indonesia trở thành khách mời danh dự (Guest of Honor) của Hội chợ sách Frankfurt năm 2015.
Một cách làm khác cho văn chương
Ở Việt Nam, các sự kiện văn học quốc tế được tổ chức phần lớn dựa vào tiền tài trợ của Nhà nước. Nhưng Liên hoan văn học Ubud phát triển dựa trên một nền tảng vững chắc: sự ủng hộ của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế, gia đình hoàng gia Ubud, và một số tổ chức nhà nước, bao gồm Bộ Du lịch Indonesia.
Tất cả các tác giả khách mời được ăn ở miễn phí trong các khách sạn sang trọng khác của Ubud. Gia đình hoàng gia Bali cũng như nhiều nhà hàng hàng đầu của Ubud như Casa Luna, Indus… đã tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật độc đáo và những bữa ăn tối ấm cúng để những cây bút quốc tế có thể tiếp cận với nền văn hóa đầy bản sắc tại nơi đây.
Đó cũng là những ngày mà nhiều tác giả được đưa đến giao lưu ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Indonesia.
Năm nay, một số nhà văn quốc tế đã tới tham gia một loạt sự kiện văn học miễn phí được tổ chức ở các địa điểm rất xa Ubud như Jakarta, Bandung, Surabaya, Palangka Raya, Ambon và Ternate. Đó là cách đưa bạn đọc tại các vùng xa xôi tới gặp gỡ các tác giả quốc tế, và ngược lại, để các nhà văn quốc tế thâm nhập đời sống và văn hóa giàu bản sắc của Indonesia.
Không chỉ ở Indonesia, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của các liên hoan văn học quy mô quốc tế, coi đó như một công cụ thúc đẩy sự phát triển và giao lưu của văn học nước nhà.
Không xa chúng ta là những liên hoan văn học quốc tế uy tín và chất lượng của châu Á: Liên hoan văn học George Town (Malaysia), Liên hoan văn học quốc tế Hong Kong, Liên hoan văn học Singapore, Liên hoan văn học Zee Jaipur (Ấn Độ)...
Trở về từ Ubud, tôi ước ao về một liên hoan văn học quốc tế đúng nghĩa được tổ chức đều đặn trên dải đất Việt Nam.
Chúng ta không thiếu những tài năng văn chương và những tác phẩm văn chương độc đáo, không thiếu sự hấp dẫn để kéo các tác giả và bạn đọc quốc tế đến với mình. Cái chúng ta thiếu là một tầm nhìn cởi mở để dẹp bỏ những rào cản hiện đang tồn tại giữa văn học Việt Nam và thế giới, cũng như sự đồng tâm hiệp lực trong việc thực sự mở ra một cánh cửa thênh thang hơn cho việc giao lưu và xuất bản văn học.
Chỉ trong năm 2018, ủy ban tài trợ cho 15 nhà xuất bản nước ngoài để họ dịch và in 29 đầu sách Indonesia bằng 6 thứ tiếng tại 9 quốc gia, tài trợ cho nhiều nhà xuất bản Indonesia để họ dịch và in bản tóm tắt của 41 tác phẩm, tạo cơ hội cho việc giới thiệu các tác phẩm đó ra nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận