22/09/2013 02:00 GMT+7

GDP TP.HCM tăng 8,7%

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 21-9, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết GDP của TP chín tháng năm 2013 ước đạt 532.414 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

2013: TP.HCM phấn đấu mức tăng GDP đạt 9,5-10%

Về tình hình đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp (DN), theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính đến ngày 19-9 TP.HCM có 19.254 DN thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số vốn đăng ký 86.669,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đã có tới 26.692 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, với số vốn bổ sung lên đến 88.786,1 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong gần chín tháng có 15.343 DN gửi thông báo ngưng, nghỉ hoạt động nhưng lại có 4.704 DN hoạt động trở lại. Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM nhận định những tín hiệu trên cho thấy một số DN đã vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, theo ông Đỗ Trọng Vinh - giám đốc Công ty cổ phần Thủy đặc sản, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các yếu tố bên ngoài. Đó là việc tranh mua nguyên liệu của các thương lái nước ngoài. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn quá cao, nhiều công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Vinh cho biết công ty của ông đang phải vay VND lãi suất 11%/năm, USD lãi suất 4,5-6,5%/năm, trong khi lãi suất ưu đãi với USD là 4%/năm.

Ông Vinh kiến nghị hỗ trợ tiếp cận vay vốn lãi suất ưu đãi cho những DN thủy sản hoạt động ổn định, có hiệu quả. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trả lời luôn: Công ty cổ phần Thủy đặc sản thuộc diện vay ưu đãi vì vừa là DN xuất khẩu, vừa là DN trong ngành nông lâm thủy sản.

Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần phải rạch ròi tín hiệu vượt qua khủng hoảng có được là nhờ chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hay từ nỗ lực của DN.

Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Thùy Trang, chi cục trưởng Chi cục tài chính DN (Sở Tài chính TP.HCM), nhận định đã có sự cộng hưởng từ yếu tố chủ quan của DN và các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian qua, các chính sách kiềm chế lạm phát; miễn, giãn, giảm thuế; lãi suất ngân hàng từ mức 18-20% đã giảm còn 9%...

Đây là động lực lớn cho DN. Tuy nhiên để vượt qua khủng hoảng, bản thân DN phải có nỗ lực lớn. DN phải tái cấu trúc, tập trung vào hoạt động kinh doanh cơ bản, nâng cao nghiệp vụ quản trị DN, tích cực tìm kiếm thị trường mới...

Liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng, TS Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn: “Về công văn 7527, tôi nói luôn là đã khiến DN có cảm giác Nhà nước đẩy khó khăn cho DN”.

Bà Lê Thị Lệ Nga, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết công văn 7527 của Bộ Tài chính ra đời xuất phát từ kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk khi phát hiện gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo tinh thần tại công văn 7527, nếu mua nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra trước, hoàn sau.

Thời gian phải mất 60 ngày. Khi kiểm tra, phải xác minh, đối chiếu hóa đơn đến khâu cuối cùng. Theo các DN, quy định này khiến thủ tục hoàn thuế kéo dài, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Các DN kiến nghị nên có chính sách phù hợp để có thể kiểm soát chặt các hành vi gian lận, đồng thời sớm hoàn thuế, thay vì cách làm đẩy khó cho DN như hiện nay.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên