26/03/2019 16:39 GMT+7

Gãy khớp hông

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Khớp hông chính là nơi gặp nhau giữa phần trên cùng của xương đùi và một phần của xương chậu. Vỡ/gãy khớp hông thường là một vết nứt ở đầu trên xương đùi.

Gãy khớp hông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: xuehua.us

   Khớp là nơi có hai hoặc nhiều xương hợp lại với nhau, và khớp hông là một khớp kiểu chỏm-ổ cối. Chỏm là đầu của xương đùi và ổ cối là phần cong lõm của xương chậu. Cấu trúc của khớp hông cho phép hông có nhiều chuyển động hơn bất kỳ loại khớp nào khác. Ví dụ: Bạn có thể xoay và di chuyển hông theo nhiều hướng. Các khớp khác, chẳng hạn như gối và khuỷu tay, chỉ cho phép di chuyển hạn chế theo một hướng.

   Gãy khớp hông là một tình trạng nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi và hầu như luôn cần phẫu thuật. Các biến chứng liên quan đến gãy khớp hông có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các loại gãy khớp hông

   Gãy khớp hông thường xảy ra ở phần chỏm xương đùi và có thể xảy ra ở những nơi khác. Đôi khi, ổ cối cũng có thể bị rạn nứt.

- Gãy cổ xương đùi: Loại gãy này xảy ra ở đầu trên xương đùi khoảng 2-3 cm từ nơi chỏm gặp ổ cối. Gãy cổ xương đùi có thể làm giảm lưu thông máu đến chỏm xương đùi của bạn.

- Gãy liên mấu chuyển: Gãy liên mấu chuyển ở vị trí xa hơn. Nó cách khớp hông khoảng 7-10cm và không làm giảm cấp máu đến xương đùi.

- Gãy trong bao khớp: Loại gãy xương này ảnh hưởng đến chỏm và ổ cối. Nó cũng có thể gây rách các mạch máu đi vào chỏm.

Nguyên nhân gây ra gãy khớp hông

Nguyên nhân tiềm ẩn của gãy khớp hông bao gồm:

- Ngã trên bề mặt cứng hoặc từ một độ cao lớn.

- Chấn thương đập vào hông, chẳng hạn như tai nạn xe hơi.

- Các bệnh như loãng xương.

- Béo phì, dẫn đến tăng áp lực tì đè vào khớp hông.

Ai có nguy cơ cao?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị gãy khớp hông, bao gồm:

- Tiền sử gãy khớp hông: Nếu bạn đã từng gãy khớp hông, bạn có nguy cơ lớn hơn.

- Chủng tộc: Nếu bạn là người gốc châu Á hoặc người da trắng, bạn có nguy cơ cao bị loãng xương.

- Giới: Nếu bạn là phụ nữ, nguy cơ gãy khớp hông sẽ tăng lên. Điều này là do phụ nữ dễ bị chứng loãng xương hơn nam giới.

- Tuổi: Nếu bạn 60 tuổi hoặc lớn hơn, bạn có thể có nguy cơ bị gãy khớp hông. Khi bạn lớn tuổi, sức mạnh và mật độ xương của bạn sẽ giảm đi. Xương yếu có thể dễ vỡ. Tuổi cao cũng thường có những vấn đề thị lực và giữ thăng bằng và các vấn đề khác có thể làm cho bạn có nhiều khả năng bị ngã.

- Suy dinh dưỡng: Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khoẻ xương, như protein, vitamin D và canxi. Nếu bạn không nhận được đủ calo hoặc chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống của mình, bạn có thể bị suy dinh dưỡng. Điều này có thể làm bạn có nguy cơ gãy xương. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người lớn tuổi bị suy dinh dưỡng có nguy cơ gãy khớp hông nhiều hơn.

Triệu chứng

Các triệu chứng gãy khớp hông có thể bao gồm:

- Đau ở vùng hông và vùng bẹn.

- Chân bị ảnh hưởng ngắn hơn chân còn lại.

- Không thể đi bộ hoặc mang nặng tại bên hông bị ảnh hưởng.

- Viêm khớp hông.

- Bầm tím.

   Gãy khớp hông có thể đe dọa tính mạng. Nếu bạn nghi ngờ mình bị gãy khớp hông, hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Chẩn đoán

   Bác sĩ có thể nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng của gãy khớp hông, chẳng hạn như sưng tấy, bầm tím hoặc biến dạng. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm đặc biệt để xác nhận đánh giá ban đầu.

  Chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí vết nứt/gãy. Thông thường, chụp X-quang để thu được hình ảnh khớp hông của bạn. Nếu chụp X- quang không cho thấy tình trạng gãy xương, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp khác, chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT.

  Chụp cộng hưởng từ MRI có thể cho thấy tình trạng gãy khớp hông tốt hơn so với chụp X-quang. Chụp MRI có thể cho thấy nhiều hình ảnh chi tiết của khu vực hông. Bác sĩ có thể xem những hình ảnh này trên phim hoặc trên màn hình máy tính. Chụp CT là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp nhìn thấy hình ảnh của xương hông và các cơ, mô, và chất béo xung quanh.

Điều trị gãy xương hông

   Bác sĩ sẽ cân nhắc tuổi và tình trạng thể chất của bạn trước khi lập kế hoạch điều trị. Nếu bạn lớn tuổi và có các vấn đề y tế ngoài gãy hông, cách điều trị của bạn có thể sẽ hơi khác. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

- Dùng thuốc.

- Phẫu thuật.

- Vật lý trị liệu.

   Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau để giảm bớt sự khó chịu của bạn. Ngoài ra, phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất để sửa chữa hoặc thay thế khớp hông của bạn. Phẫu thuật thay thế khớp hông bao gồm việc tháo phần bị hỏng của khớp hông và đặt phần khớp nhân tạo vào vị trí của nó. Nếu bạn tiến hành phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để giúp bạn phục hồi nhanh hơn.

Phục hồi và triển vọng dài hạn

   Bạn sẽ được xuất viện vài ngày sau khi phẫu thuật, và bạn có thể cần phải dành thời gian để phục hồi chức năng. Sự phục hồi của bạn phụ thuộc vào trạng thái thể chất của bạn trước khi bị thương.

   Mặc dù phẫu thuật thành công trong hầu hết các trường hợp, nhưng bạn vẫn có thể gặp phải các biến chứng sau đó. Gãy khớp hông có thể làm giảm khả năng đi bộ trong một khoảng thời gian. Sự bất động này có thể dẫn đến:

- Loét do tì đè.

- Cục máu đông ở chân hoặc phổi.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Viêm phổi.

Đối với người lớn tuổi

   Gãy khớp hông có thể nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn là người lớn tuổi. Điều này là do nguy cơ phẫu thuật cho người cao tuổi và nhu cầu phục hồi cơ thể.

   Nếu sự hồi phục của bạn không tiến triển, bạn có thể cần phải đi đến các cơ sở chăm sóc dài hạn. Việc mất khả năng di chuyển và sống độc lập có thể dẫn đến trầm cảm ở một số người, và điều này có thể làm chậm khả năng phục hồi.

   Người lớn tuổi có thể thực hiện các bước để chữa bệnh từ phẫu thuật hông và ngăn ngừa gãy xương mới. Bổ sung canxi có thể giúp tăng mật độ xương. Các bác sĩ khuyến nghị nên tập thể dục để ngăn ngừa gãy xương và củng cố sức mạnh của xương. Tuy nhiên trước khi bạn tiến hành bất cứ bài tập nào sau khi phẫu thuật hông, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên