15/02/2010 16:22 GMT+7

Gặp người bắt cọp cuối cùng ở Thủy Ba

NGỌC UYÊN
NGỌC UYÊN

TTO - Làng Thủy Ba (Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị) nổi tiếng khắp nước và thế giới bởi nghề bắt hổ. Sử sách chép rằng nghề bắt hổ ra đời từ rất xưa; vào thời phong kiến, không ít lần miền đất xứ Trị Thiên bị hổ dữ hoành hành, vua ở Kinh thành Huế đã phải ban chiếu lệnh triệu người Thủy Ba vào bắt hổ. Ngày nay, làng còn lại duy nhất một cụ ông trong đội quân bắt hổ ngày đó. Cụ là Nguyễn Đăng Hạp, năm nay 95 tuổi.

ueI8K5mr.jpgPhóng to

Cụ Nguyễn Đăng Hạp, người duy nhất còn lại trong đội quân bắt hổ ở làng Thủy Ba - Ảnh: Ngọc Uyên

Căn nhà cũ kỹ của gia đình cụ Hạp ở phía cuối làng. Trong căn nhà rộn rã tiếng cười nói của con cháu và đầy những huân huy chương, bằng khen của các thế hệ. Riêng cụ Hạp có chừng 10 cái, trong đó 2 huân chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ hạng nhất và nhì…

Tôi hỏi hồi trước cụ bắt hổ thế nào? Tinh thần cụ Hạp bỗng trở nên minh mẫn lạ thường; cụ cầm viên than bước thoăn thoắt ra hiên nhà, vẽ lên đó một trận đồ đánh hổ vốn đã ăn sâu trong trí nhớ của cụ.

Trận đồ là những vàng lưới, đội quân trai tráng hùng mạnh cùng với những cây đinh ba, giáo mác… Lưới kết bằng một loại cây thân leo ở rừng già, to bằng bắp tay người lớn. Cây này được đập dập cho đến lúc nhũn, bóc bỏ lớp vỏ ngoài và nấu bằng lửa than. Việc kết lưới rất công phu, sau vài tháng trời mới xong một tay lưới, với chiều dài 15-20m, cao 4-5m, ô lưới rộng 10cm…

Những năm 1930, miền đất Thủy Ba vẫn ngút ngàn rừng già với lắm thú dữ, nhiều nhất là hổ. Hổ rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Nhiều con khôn ranh đến nỗi đêm đến sục vào khu dân cư, dùng đuôi gõ cửa nhà, chủ nhà tưởng có người kêu, dậy mở cửa là bị hổ vồ liền. Để đối phó với thú dữ, làng Thủy Ba ngày đó đã sinh ra nghề bắt hổ. Bên cạnh dụng cụ trên, đội quân bắt hổ phải có sức mạnh và tinh thông võ nghệ.

Sau khi đã hoàn thành việc bủa lưới bao vây, đội quân bắt hổ được bố trí vào những vị trí chiến đấu, trong đó hai người đóng vai trò đặc biệt quan trọng là anh Cai và Thập. Hai anh này có khả năng nhìn bao quát được địa hình và phán đoán chính xác sự di chuyển của con hổ. Sau khi phát lệnh tấn công, họ còn đảm nhận nhiệm vụ khép các gốc lưới và tiên phong vào đè cổ, đè bụng, trói mồm con hổ…

Năm 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Đăng Hạp được đứng vào các vị trí chủ chốt của đội quân bắt hổ Thủy Ba. Qua nhiều lần tham gia bắt được hổ dữ và cho đến bây giờ, trong cảm giác của cụ vẫn còn thấy kinh sợ với con hổ 3 chân chuyên ăn người ở làng. Giữa mùa thu năm 1945, chừng 1 năm sau khi con hổ trên bị bắn mất một chân, nó đã trở lại vùng rừng già Thủy Ba để tìm người trả thù.

Ba lần đội quân bắt hổ Thủy Ba lần tìm dấu vết, tổ chức vây bắt nó nhưng không thành. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chàng trai Hạp hiến kế: yhay vì bủa một vòng lưới như thường lệ, phải bủa tới 3 vòng lưới nhỏ dần ở khu rừng có con hổ 3 chân. Toàn bộ số người tham gia bắt hổ với đinh ba, giáo mác sẵn sàng trong tay, áng binh bất động ở vòng ngoài cùng. Bên cạnh, 3 người đứng trên 3 chòi canh cao, theo dõi con hổ cho tới khi nó đụng lưới chạy vào vòng trung tâm.

Lúc này, người chỉ huy phát lệnh: Thủy Ba đứng dậy cho đều. Nào khép lưới, tấn công! Thế nhưng con hổ hết sức ranh mãnh đó đã lùi lại ở vòng lưới trung tâm và đang trong tư thế nằm im, bỗng lao vút lên cao. Hàng chục đinh ba, giáo mác đã đâm trượt nó. Con hổ lao mạnh về phía đám đông; mọi người dáo dác, dạt ra. Nó thêm một cú lao, lần này nhằm thẳng vào chàng trai Hạp. Trong chớp mắt, anh đã đủ bình tĩnh đối phó với nó bằng một chiêu thức võ nghệ tinh luyện… Năm đó, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tặng cho dân làng Thủy Ba 5 con trâu cày vì có công bắt được hổ dữ.

Năm 1945, chàng trai Nguyễn Đăng Hạp đi theo cách mạng, tham gia chiến đấu chống Pháp rồi chống Mỹ trên khắp chiến trường Bình Trị Thừa Thiên. Ông bộc bạch, nhờ cách mạng mà ông và dân làng Thủy Ba thoát ra khỏi được kiếp lầm than.

“Thời phong kiến cực khổ lắm; ba tui khỏe mạnh, giỏi võ nghệ nên cũng phải tham gia vào đội quân bắt hổ của làng. Ngày đó, hổ dữ ở gần Kinh thành Huế cũng nhiều nên ông và người làng thường bị vua triệu vào đó để bắt”- cụ Hạp kể.

An hưởng tuổi già với con cháu đề huề sung túc và mặc dù ở tuổi 95, cụ chẳng thể lên rừng như thuở còn trai tráng, song cụ Hạp lại ước ao một điều: được đi khắp các vùng rừng già của quê hương để góp chút hiểu biết của mình vào việc bảo tồn các loài thú quý.

NGỌC UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên