Phóng to |
Cô Tôn Thị Thu Nguyệt và Sơn Lâm trong chương trình giao lưu gây quỹ cho những nạn nhân dioxin ở Quảng Ngãi - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Năm 2004, ông Bùi Thiện Toại - hội viên Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình, tình cờ biết được câu chuyện về mẹ con Sơn Lâm qua chương trình “Người xây tổ ấm”. Từng viết về bao mảnh đời hẩm hiu, nhưng ông vẫn không cầm được nước mắt trước cuộc đời Sơn Lâm. Năm năm sau, một ngày cuối năm 2008, tác giả 70 tuổi, thị lực chỉ còn 3/10, vẫn một mình đón xe khách từ Ninh Bình lên Quảng Ninh, tìm tới tận nhà Sơn Lâm, trao tận tay hai mẹ con tập bản thảo truyện thơ Thiên thần hộ mệnh.
Tập truyện thơ kể lại cuộc đời Sơn Lâm, một cuộc đời với cha và anh trai đều là nạn nhân dioxin. Người cha sau 11 năm chiến đấu khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, bị nhiễm chất độc da cam, mất đi 81% sức khỏe, tâm tính đổi khác. Hải - anh thứ của Lâm, cơ thể phát triển khỏe mạnh, bình thường nhưng viêm màng não, suy nhược thần kinh. Còn Lâm thông minh, nhanh nhạy lại bị loãng xương, dừng lại mãi mãi ở vóc dáng trẻ nhỏ. Những cơn đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con của người bố thương binh đã có lúc đẩy mẹ Lâm đến chỗ từng buộc Lâm vào người mình rồi nhảy sông tự vẫn...
Cuộc tự vẫn không thành của người mẹ và những sự kiện đau đớn của tuổi thơ hằn trong trí nhớ Sơn Lâm. Không chịu thua số phận, Sơn Lâm quyết dồn tâm sức vào công việc học tập. Thiên thần hộ mệnh ghi lại một bước ngoặt nữa trong cuộc đời anh, khi anh gặp cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội - người đã đấu tranh đến cùng để Lâm được vào học tại trường trước nỗi e ngại của không ít người.
Trong bảy năm liền, để giúp Lâm hòa đồng, hai cô trò đã cùng nhau rong ruổi trên những chuyến đi đấu tranh cho tiếng nói và quyền lợi của nạn nhân dioxin. Và Sơn Lâm - đại diện của nhiều nạn nhân dioxin, với lòng quyết tâm đã hòa đồng với xã hội như một người bình thường. Giờ anh đã có một công việc ổn định, một tình yêu giản dị với cô gái đang theo học ngành du lịch ở Hải Phòng.
Mong câu chuyện về anh tiếp sức cho nhiều người khác nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận