24/10/2016 15:33 GMT+7

Gặp lại Dôm, cô bé 9 năm lò cò băng rừng đến lớp

THANH BA
THANH BA

TTO - Ước mơ vững bước trên đôi chân lành lặn của Hồ Thị Dôm sắp sửa trở thành hiện thực bởi sự chung tay từ cộng đồng như phép màu nâng bước cô bé vượt qua những giông gió đời mình.

Có lẽ ngày Dôm vứt bỏ đôi nạng và bước đều bằng 2 chân sẽ không còn xa - Ảnh: Thanh Ba

Hồ Thị Dôm (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là nhân vật trong bài viết 9 năm lò cò băng rừng đến lớp

Dôm “một chân” không lò cò một mình

Sau khi câu chuyện về nghị lực vượt khó, học giỏi của Dôm đăng tải, không ít bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho cô bé. Khâm phục, xúc động, thương xót và đan xen cả những giọt nước mắt là các cung bậc cảm xúc độc giả bộc bạch khi thấu hiểu hoàn cảnh của Dôm “một chân”.

Với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng được kết chuyển từ tấm lòng hảo tâm, hiện nỗi lo một thời cơm áo gạo tiền đã dần vơi và không còn đeo bám trên đôi vai gầy của cô học trò bất hạnh.

Thế nhưng, mong muốn một lần trong đời được di chuyển bằng đôi chân lành lặn như một khát khao cháy bỏng đến nỗi Dôm quả quyết: “Sẽ không bao giờ từ bỏ nếu có cơ hội” mới là điều Dôm cần nhất.

Tưởng chừng điều ước ấy sẽ mãi là giấc mơ xa xôi, mờ mịt với cô học trò 9 năm ròng rã lò cò băng rừng, lội suối tới lớp thì nay bỗng trở nên xán lạn. Chuyến xe đưa đoàn khách 7 người trong nhóm thiện nguyện Mô-tô học bổng chẳng khác nào một bước ngoặt đem đến hy vọng thay đổi số phận Dôm “một chân”.

Viễn cảnh một ngày không xa Dôm sẽ đến trường, ra vườn xới đất trồng khoai hay phụ mẹ cuốc nương, mần rẫy…bằng chính đôi chân của mình đang dần hé mở. 

Nhà văn Nguyễn Đông Thức của nhóm Mô-tô học bổng nói:“Chúng tôi chờ đến ngày bế giảng năm học liền tìm về nơi Dôm sinh sống để ngỏ ý giúp em phẫu thuật phục hồi chân phải bị dị dạng bấy lâu”.

Không một chút đắn đo, Dôm lập tức gật đầu đồng ý. Sáng hôm sau, khi gà chưa kịp cất tiếng gáy, cô bé đã âm thầm khăn gói vượt núi rừng, bắt chuyến xe đò sớm nhất ngày xuống Đà Nẵng. Hạnh phúc như vỡ òa khi bác sĩ thông báo chân phải của Dôm hoàn toàn có khả năng hồi phục.

Dôm đã bật khóc, đó là lần đầu tiên cô bé nấc nghẹn, dù cho trước đây bản thân đã nếm trải không biết bao nhiêu tủi hờn nhưng mọi người chưa bao giờ bắt gặp Dôm ngấn lệ. Thời khắc ấy, những giọt nước mắt tràn trong niềm vui sướng của Dôm khiến không ít người chứng kiến nghẹn ngào.

Sẽ viết tiếp ước mơ dang dở

Dôm vẫn miệt mài trau dồi kiến thức chờ ngày trở lại trường - Ảnh: Thanh Ba

Gặp lại Dôm ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, chúng tôi không còn nhận ra một cô học trò đồng bảo Giẻ Triêng rụt rè, khép nép mỗi khi tiếp xúc với người lạ xưa kia. Dôm bây giờ hoạt bát, cởi mở, cùng lối nói chuyện hóm hỉnh, tự tin càng làm chúng tôi thấy cảm phục em nhiều hơn. 

Có lẽ sau những bão giông cuộc đời, Dôm đã mạnh mẽ và trưởng thành hơn so với nếp nghĩ, nếp sống của bao bạn bè đồng trang lứa. Tập tễnh đi lại dọc hành lang bệnh viện trên đôi nạng sắt, thỉnh thoảng vấp phải chướng ngại vật té nhào ra sàn nhưng Dôm vẫn bặm môi, gồng mình đứng dậy rồi dốc sức bước tiếp.

“Hơn 3 tháng nhập viện điều trị, một mình chống chịu với cơn đau tê buốt, nằm trên giường bệnh lắm lúc nhớ nhà lắm nhưng vẫn cố gắng nuốt nước mắt vào trong chịu đựng. Em cảm nhận rất rõ chân phải của mình đang được tái tạo, hồi sinh. Hiện cẳng chân tưởng chừng tê liệt suốt đời đã có thể cử động và chỉ còn cách độ dài của chân trái 10cm. Em tin ngày mình bước đi vững vàng bằng 2 chân sẽ không còn xa nữa”. Dôm xúc động kể.

Bác sĩ Văn Ngọc Kỳ (phụ trách điều trị cho Dôm) cũng tỏ ra lạc quan và tràn đầy tự tin trước khả năng thành công của cô bé. “Sau 3 lần cắt, ghép da với mỗi lần mổ kéo dài hàng giờ đồng hồ, đến nay chúng tôi đã giúp chân của Dôm phục hồi 80%. Lần phẫu thuật kéo khớp gối sắp tới đây sẽ là công đoạn cuối cùng và khi đó Dôm có thể tập đi lại bằng 2 chân mà không phải nhờ vào đôi nạng nữa”, bác sĩ Kỳ cho biết.

Tạm gác câu chuyện “tìm lại chân đã mất” như một hành trình đầy chông gai, khổ luyện, khi chúng tôi hỏi han về việc học ở trường thì sắc thái khuôn mặt Dôm bỗng thay đổi. Dôm lẳng lặng một hồi rồi nhích từng bước tiến về góc đầu giường khiến chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên.

Cô bé lôi ra một chồng sách lớp 10 cùng những cuốn tập ghi chép như thể đang theo học ở trường, trong khi những tháng qua Dôm đăng kí “thường trú” ở bệnh viện thành phố. “Đầu năm học vừa qua, em nhận giấy báo trúng tuyển vào trường THPT của huyện nhưng em đã làm thủ tục xin bảo lưu để xuống đây chuyên tâm lo cho việc chạy chữa dự kiến kéo dài cả năm trời. 

Em tính năm tới sẽ đi học trở lại và tiếp tục theo đuổi con chữ đến cùng. Thi đỗ đại học, trở thành một cô giáo truyền đạt kiến thức cho thế hệ đàn em ở mảnh đất mình sinh ra và lớn lên vẫn là ước mơ cháy bỏng theo em từ thuở bé cho tới tận bây giờ”.

Dôm lò cò 9 năm đi học...

Chia tay Dôm khi cánh cửa phòng bệnh khẽ khép cùng thời điểm hoàng hôn dần buông. Ấy nhưng gương mặt đôn hậu, nụ cười như tỏa nắng cùng niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng của cô bé “9 năm lò cò băng rừng đến lớp” vẫn theo gót chúng tôi như thể xóa tan khung cảnh u ám chốn bệnh tật.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên