28/10/2013 11:46 GMT+7

Gặp lại "anh Cầu ra trận"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Tên của ông từng được đưa vào bài tập đọc của sách giáo khoa tiểu học, được đặt thành tên trường học, tên đường, nhưng khi gặp ông giữa dòng người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với một bên tay áo đút gọn vào túi áo, không mấy người nhận ra.

lpjmyV7A.jpgPhóng to
Ông La Văn Cầu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông là La Văn Cầu, một trong bảy người đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Vậy nhưng bài thơ giản dị trong sách giáo khoa tiểu học từng hòa cùng nhịp chân sáo của bao nhiêu cô bé cậu bé từ mấy mươi năm trước thì rất nhiều người còn nhớ: “Anh Cầu ra trận/Giặc bắn què tay/Anh chặt phăng ngay/Mìn anh nổ trúng/Bịt lỗ châu mai/Giặc ngã sõng soài/Anh Cầu giỏi quá/Được Bác Hồ khen/Anh được nêu tên/Anh hùng quân đội”... “Tôi cũng nhớ bài thơ ấy, mà đến bây giờ vẫn không biết tác giả là ai để cảm ơn” - ông La Văn Cầu nói. Ông xoa xoa mỏm tay phải cụt gần đến bả vai nói: “Mỗi lần nhớ bài ấy là nhớ... cái tay này. Lúc mất nó, tôi mới 19 tuổi”.

Quyết tâm thư tuổi 19

“Nhà chỉ có một mẹ một con, thế nhưng tôi đã đứng vào hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ từ năm 16 tuổi, cũng phải xin phép mẹ mãi mới được đồng ý” - giọng vẫn còn mang âm hưởng núi rừng Việt Bắc, ông Cầu bắt đầu câu chuyện của mình. Đó là câu chuyện của cậu bé Sầm Phúc Hướng người dân tộc Tày, sinh ra ở bản Nà Thoang, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Năm Hướng 3 tuổi, cha bị Tây bắt đi phu xây dựng pháo đài Cao Bằng, rồi bệnh và chết. Năm sau, mẹ đi bước nữa. Sống với bố dượng ở xã Phong Nậm, ông được đổi tên thành Lã Văn Cầu, “sau này vào quân đội, người ta lại ghi thành La Văn Cầu”.

Năm 1944, Cầu 12 tuổi, cha dượng mất, mẹ góa bụa lần hai. Tuổi thơ coi như chấm dứt ở đó. Nhưng rồi đến tháng 8-1945, những lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới xóm thôn, Cầu được mẹ dạy: Nước ta đã độc lập. Từ nay ta được tự do. “Tôi mang ơn cách mạng đã cho tôi được làm người, cho tôi một Tổ quốc” - ông Cầu lặp lại lần thứ bao nhiêu trong đời. Cậu bé Cầu vui chân sáo tới lớp bình dân học vụ, theo các sinh hoạt Đoàn Đội, và năm 1948, mới 16 tuổi, cậu đi theo các chú, các anh vào bộ đội, trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng.

“Tôi bị thương sớm quá, mới tham gia được hơn 20 trận, lần cuối này là trận Đông Khê (tháng 9-1950 - PV)...” - ông Cầu xoa xoa mỏm tay cụt. Trận ấy La Văn Cầu làm tổ trưởng tổ bộc phá, lãnh nhiệm vụ phá hàng rào, lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trước khi ôm vũ khí vào chiến trường, cả đội đã viết quyết tâm thư: “Thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ kể cả khi phải hi sinh”.

gIUy1k3U.jpgPhóng to
La Văn Cầu khi được phong Anh hùng ở tuổi 20 - Ảnh tư liệu

Đường đã được mở

Ôm quả bộc phá 12kg bò tới ụ đại liên đang nổ xối xả về phía mình, La Văn Cầu vừa nhổm lên thì trúng đạn. Một viên xuyên vào má phải, viên khác trúng cổ tay phải. Cầu ngất đi. Vài phút sau anh tỉnh dậy, thấy vẫn đang nằm giữa chiến trường, một bên mặt sưng vù. Nhìn lên, ở lô cốt súng vẫn đang khạc lửa dữ dội. Cầu nén đau, tiếp tục ôm bộc phá lao lên. Chợt nghe đau lặng người, sững lại: cổ tay phải đã gãy lủng lẳng va vào chướng ngại vật. Chỉ suy nghĩ một giây, anh gọi đồng đội: “Chặt giúp mình cái tay này đi cho khỏi vướng”. Anh Nông Văn Phiêu lắc đầu không dám: “Cậu bị thương rồi, về tuyến sau đi. Đưa bộc phá đây cho tôi”. Cầu quả quyết: “Đằng nào cũng hi sinh, để tôi lên”. Phiêu nhắm mắt rút thanh kiếm Nhật chiến lợi phẩm... Băng bó qua loa, Cầu ôm bộc phá bằng tay trái, chạy. Đến lô cốt, anh giật một lúc hai nụ xòe rồi lăn xuống. Đường đã được mở. Chiến thắng Đông Khê đã mở màn cho chiến dịch Biên giới, phá thế bao vây, mở cánh cửa thông thương với các nước anh em để quân đội Việt Nam có một diện mạo và thế đứng khác hẳn trước đó.

“Trận ấy đội tôi có hai người hi sinh: anh Lý Văn Mưu hi sinh khi giật bộc phá, tiểu đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai che đạn cho đồng đội. Tôi là người may mắn nhất...” - ông kể, lại xoa xoa mỏm tay cụt. Kết thúc trận đánh, nhường cáng cứu thương cho các đồng đội bằng câu khẳng định: “Tôi còn đủ hai chân”, La Văn Cầu đã một mình băng rừng, vượt núi đá tai mèo về trạm xá. Đến nơi, anh lăn ra bất tỉnh. Cánh tay bị nhiễm trùng tím đen, hoại tử. Bị trúng đạn và chặt ở cổ tay nhưng các bác sĩ đã phải cắt đến gần vai mới giữ được mạng sống cho Cầu.

Thời gian dưỡng thương, Cầu tập trung học văn hóa, học chính trị để có thể tiếp tục được ở trong quân đội. Anh trở thành một cán bộ tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên. “Năm 1952, tôi được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, được Bác Hồ khen tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Hành động tất yếu mình phải làm bỗng được vinh danh, được nhiều người biết đến, được gặp và trò chuyện với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng tôi gọi là anh Cả. Vinh dự quá lớn” - ông Cầu tâm sự.

Mệnh lệnh sống

Ngay những ngày ấy, câu thơ “Anh Cầu ra trận/Giặc bắn què tay/Anh chặt phăng ngay...” không rõ từ đâu đã xuất hiện và được lan truyền. Nhìn thấy vai áo đặc biệt của anh, ai cũng nhận ra La Văn Cầu. La Văn Cầu được mời đi nói chuyện ở các đại hội toàn quân, được tham gia nhiều liên hoan thanh niên thế giới. Không chỉ là những câu chuyện đẹp tuổi thanh niên, những trải nghiệm không dễ có ấy trở thành mệnh lệnh: phải sống tốt, “quân lệnh như sơn” với ông La Văn Cầu.

Về hưu với quân hàm đại tá, là một trong bảy Anh hùng đầu tiên, tên ông được đưa vào sách giáo khoa, được đặt thành tên trường học, tên đường phố. Mấy lần chúng tôi đến nhà nhưng các con, cháu và cả vợ ông đều cố ý tránh mặt khách. Ông Cầu cười: “Bà ấy không muốn nhắc đến “những chuyện xa xưa”. Bà ấy bảo không muốn bị biết đến như là vợ của một người nổi tiếng, và cũng luôn nhắc tôi rằng: ông không phải người nổi tiếng”.

Gặp ông trong những ngày đang “để tang anh Cả”, có thể đọc rõ trong câu chuyện những dòng tâm sự buồn: “Tôi có may mắn được đi theo anh Cả, theo Bác Hồ từ những ngày đầu. Đến giờ, người cuối cùng của thế hệ Bác Hồ đã ra đi mà tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho chính quê hương tôi”. Ông nhắc về những thôn bản Cao Bằng, nơi người dân vẫn đẫm mồ hôi trên những thẻo ruộng bậc thang, những mỏ đá cheo leo sườn núi; vẫn trâu bò heo gà chạy lít chít cùng trẻ con dưới gầm nhà sàn; vẫn những phòng học tre nứa trống huơ thưa vắng học sinh... “Nhìn bà con, thấy mình mang nợ...” - ông Cầu ngừng lời, mắt nhìn xa vắng.

Người cùng thời và bài báo của Bác

Cùng với ông La Văn Cầu, bà Nguyễn Thị Chiên là một trong bảy người đã được Hồ Chủ tịch phong tặng danh hiệu Anh hùng tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I (ngày 3-2-1952), đang sống tại Hà Nội. Những ngày tháng 10-2013, bà Chiên bị tăng huyết áp. Không đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được, bà nằm bên cạnh chiếc radio, theo dõi từng buổi tường thuật lễ viếng, lễ truy điệu, an táng Đại tướng, người mà bà và chồng cùng gọi “anh Cả” rất thân thương.

Kỷ vật quý nhất đời bà, ngoài những tấm ảnh chụp cùng “anh Cả” treo trên tường, là một bài báo nhỏ viết về thành tích hoạt động du kích của bà được đăng trên báo Nhân Dân ngày 5-6-1952, ký tên CB (một bút danh của Bác Hồ - PV). Bà nâng niu: “Báo cáo trước đại hội do Bác làm chủ tịch, tôi hồi hộp, run rẩy nói chuyện nọ xọ chuyện kia. Không ngờ ban thư ký đã ghi lại kỹ lưỡng, Bác Hồ lại đích thân tóm lại thành bài báo. Thế hệ của tôi với anh La Văn Cầu đã được Bác Hồ, được anh Cả khích lệ, động viên như thế...”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên