Nguyễn Nam Sơn và tác phẩm từ giấy dó - Ảnh: H.THANH
"Không phải là người gấp giấy Origami đầu tiên ở Việt Nam, nhưng điều tôi mong muốn là thông qua những mẫu gấp của mình có thể tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
NGUYỄN NAM SƠN
Điều đặc biệt nhất là chúng được sáng tạo từ giấy dó, chỉ gấp trên một tờ mà không cắt dán.
"Có nhiều cách sáng tác Origami khác nhau nhưng tôi tuân thủ trên một nguyên tắc sáng tác là chỉ gấp trên một tờ giấy vuông, không cắt dán, tạo ra sự độc đáo cho mẫu gấp của mình" - Nguyễn Nam Sơn, 27 tuổi, hiện làm việc tại Hà Nội, chia sẻ về niềm đam mê bộ môn nghệ thuật xếp giấy hay gấp giấy Origami có xuất xứ từ Nhật Bản.
Gấp giấy bộc lộ tính cách
8 năm trước, Sơn biết đến bộ môn nghệ thuật Origami qua bộ truyện tranh Hiệp sĩ giấy, đọc truyện có hướng dẫn mẫu gấp nên anh gấp theo. Thời điểm đó trùng với giai đoạn nước rút ôn thi đại học, mỗi ngày anh dành ra khoảng 30 phút miệt mài gấp giấy, xem đó là hình thức giải trí sau giờ ôn thi căng thẳng.
Chưa kể, việc gấp giấy Origami còn bổ trợ khá tốt cho Sơn trong việc học, đặc biệt là phần hình học của môn toán, làm giàu trí tưởng tượng, suy đoán logic, luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Ngoài ra, Sơn còn áp dụng nhiều kiến thức khác nhau như toán học, văn học, lịch sử... mới theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này.
Từ gấp theo mẫu có sẵn, mẫu đơn giản, dần dần tìm hiểu qua mạng, qua tài liệu và bằng trí tưởng tượng, anh tự mày mò sáng tác mẫu cho riêng mình. "Gấp một mẫu Origami giống như vẽ tranh sẽ bộc lộ tính cách, cá tính của người vẽ. Khi mình gấp là thể hiện tính cách trên mẫu đó. Với mình, sở trường là gấp mẫu động vật và động vật trong thần thoại", Sơn bộc bạch.
Hướng đi của Sơn là gấp những con vật trong thần thoại như ngựa, rồng, phượng, kỳ lân, thần rừng. Với những mẫu phức tạp, Sơn cho biết "càng gấp càng ham, càng muốn hoàn thiện". Để gấp được một mẫu Origami phải trải qua nhiều công đoạn: vẽ hình, phác thảo mẫu bằng phần mềm thiết kế, gấp nháp, tiến hành làm giấy, sau đó gấp và hoàn thiện mẫu.
Sơn chia sẻ điều quan trọng nhất là phân bố tỉ lệ cụ thể trên từng tờ giấy, nếu tỉ lệ không chính xác gần như sẽ làm hỏng mẫu gấp. Do đó sau khi dựng mẫu xong thì gấp nháp xem tỉ lệ phân chia đã đúng chưa, có gặp lỗi gì không, nếu gặp lỗi sẽ phải quay lại phân chia tỉ lệ từ đầu. Anh cho biết có những mẫu phức tạp đòi hỏi phải gấp đi gấp lại rất nhiều lần, thậm chí thử đến 6 - 8 mẫu gấp nháp mới gấp được chính xác.
Suốt 8 năm theo đuổi bộ môn này, sản phẩm tâm đắc nhất của Sơn là mẫu rồng châu Âu được lấy cảm hứng từ các bộ phim Chúa nhẫn (Lord of the ring), các câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp, thần thoại Bắc Âu. Để gấp được mẫu này, anh sử dụng tờ giấy 1mx1m và chia thành 128 phần bằng nhau, mất 2 tháng để lên ý tưởng thiết kế, dựng mẫu và một tháng mới hoàn thành được sản phẩm. Hiện sản phẩm này đang được trưng bày ở Bảo tàng Zaragoza (Tây Ban Nha).
"Tự hào lắm chứ vì mẫu gấp của Việt Nam được quan tâm, đón nhận. Tính tôi hơi cầu toàn nên bắt buộc họ (ban tổ chức - PV) phải viết đúng tên mình là "Nguyen Nam Son, Vietnam" theo đúng cách viết của người Việt Nam. Sau cuộc thi, nhiều người ngỏ ý muốn mua lại tác phẩm hay đặt mẫu sáng tác theo chủ đề. Nhờ những cuộc thi này, tôi có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi nhiều bạn bè quốc tế", Sơn bộc bạch.
Bí quyết từ giấy dó
Để sáng tạo nghệ thuật Origami trên một tờ giấy mà không cắt dán, anh cho biết điều quan trọng nhất là tìm ra được loại giấy phù hợp. Anh từng thử qua rất nhiều loại giấy có ở Việt Nam nhưng có loại dày quá khó gấp, mỏng quá dễ rách, dễ bục, khó ăn nếp, khi uốn, gấp thì bị bung ra. "Dai, ăn nếp, lên màu đẹp, dễ tạo hình", Sơn cho biết đó là 4 tiêu chí tiên quyết để lựa chọn loại giấy phù hợp cho bộ môn này.
Tình cờ đọc, tìm hiểu về loại giấy dó truyền thống được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt ở tranh Đông Hồ hay lưu giữ tài liệu nhờ độ bền theo thời gian, Sơn quyết định thử nghiệm, lân la đến học ở các làng nghề sản xuất giấy dó tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh. Ban đầu giấy dó rất mỏng, dễ rách, chỉ có màu trắng, anh thử nghiệm các loại keo, hồ điệp khác nhau để tạo màu sắc tự nhiên, hoa văn trên giấy dó theo mong muốn.
Sau khi hoàn thiện mẫu gấp Origami, chàng trai 9X chia sẻ trên Facebook, Instagram thu hút sự quan tâm của cộng đồng đam mê bộ môn nghệ thuật Origami. Tò mò về loại giấy Sơn sử dụng, rất nhiều người từ khắp nơi nhắn tin, gọi điện đến đặt hàng.
Công việc là sự nghiệp, Origami là đam mê, anh nói phải cân bằng cả hai mới nuôi dưỡng được đam mê của mình. Mỗi ngày anh dành ra chừng 45 phút đến 1 giờ để thỏa sức sáng tạo trên giấy dó. Dự định của anh Sơn là sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi về Origami trên thế giới, đồng thời làm việc với những người bạn cùng chí hướng với mục tiêu xuất bản một cuốn sách hướng dẫn cách gấp giấy Origami.
Năm 2016, Nguyễn Nam Sơn đoạt giải nhì cuộc thi gấp giấy Global Creative Jongie Jupgi Contest của Bảo tàng Jong le Nara (Hàn Quốc).
Năm 2017, anh tham gia đóng góp và trưng bày mẫu tại triển lãm của Bảo tàng Zaragoza (Tây Ban Nha).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận