29/04/2021 16:20 GMT+7

'Gạo Phù Sa' ở miền Tây bị làm giả nhãn hiệu ở Nghệ An

CHÍ QUỐC - DOÃN HÒA
CHÍ QUỐC - DOÃN HÒA

TTO - Một nhãn hiệu gạo khá nổi tiếng ở miền Tây đã bị làm giả bao bì, công an đã tạm giữ. Công ty sở hữu thương hiệu này đề nghị xử lý đúng quy định tại Bộ luật hình sự.

Gạo Phù Sa ở miền Tây bị làm giả nhãn hiệu ở Nghệ An - Ảnh 1.

Mặt sau bao bì thật của "Gạo Phù Sa" có mã QR và số công bố là 07 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 29-4, ông Đinh Minh Tâm, phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (gọi tắt là Công ty Cỏ May, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), cho biết đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan để Công an TP Vinh (Nghệ An) xử lý vụ một doanh nghiệp ở tỉnh này làm giả nhãn hiệu của Công ty Cỏ May.

Theo ông Tâm, thời gian qua tình trạng làm giả nhãn hiệu "Gạo Phù Sa" của công ty khá nhiều và tinh vi. Từ năm 2017 trở về trước ở thị trường Nghệ An và Hà Tĩnh, họ dùng bao "Gạo Phù Sa" thật rồi tháo đáy bao bì, đưa gạo có giá trị thấp hơn vào và may lại để bán. 

Lúc đó, tại thị trường Hà Tĩnh, lực lượng quản lý thị trường đã có bắt việc làm giả này, phạt hành chính người vi phạm.

Tuy nhiên từ năm 2018 trở đi, việc giả mạo lại trở nên tinh vi hơn khi họ sản xuất bao "Gạo Phù Sa" y như bao thật. Nhìn bên ngoài thì những vỏ bao gạo không khác gì sản phẩm "chính hiệu" của Công ty Cỏ May. Nhưng nếu khách hàng để ý kỹ thì bao giả không có mã QR và số công bố trên bao gạo sẽ khác (số của Công ty Cỏ May công bố là 07).

Ông Tâm cho rằng doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng, uy tín trên thị trường là cả một quá trình gian nan, vất vả của doanh nghiệp nói chung và của Công ty Cỏ May nói riêng. Việc giả nhãn hiệu "Gạo Phù Sa" như trên là hành vi xâm phạm thương hiệu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và chất lượng của Công ty TNHH Cỏ May, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm giả.

Theo ông Tâm, đến nay Công ty Cỏ May đã cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan theo yêu cầu của Công an TP Vinh. 

"Chúng tôi mong muốn được cơ quan chức năng điều tra làm rõ tất cả các tổ chức và cá nhân có liên quan đến kho hàng giả nói trên và xử lý nghiêm minh hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Gạo Phù Sa ở miền Tây bị làm giả nhãn hiệu ở Nghệ An - Ảnh 2.

Kho hàng mà Công an TP Vinh kiểm tra, tạm giữ một số bao gạo có ghi nhãn hiệu "Gạo Phù Sa" của Công ty Cỏ May - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo hồ sơ, xuất phát từ vụ mua bán 20 tấn gạo (tổng trị giá 280 triệu đồng) giữa Công ty TNHH lương thực Hồng Sơn (phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) với bên mua, ngày 25-12-2020, Công an TP Vinh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 134 Ngô Đức Kế (phường Hồng Sơn). 

Tại đây, Công an TP Vinh đã tạm giữ một số bao gạo và vỏ bao bên ngoài có in chữ "Gạo Phù Sa" mang nhãn hiệu do Công ty Cỏ May sản xuất và phân phối.

Ngày 8-1-2021, thượng tá Trần Đình Vinh - phó trưởng Công an TP Vinh - có văn bản gửi Công ty TNHH Cỏ May phối hợp xác minh, cung cấp tài liệu liên quan đến vụ bắt, tạm giữ một số bao gạo nêu trên.

Sau nhiều lần liên hệ, chiều 29-4, Tuổi Trẻ Online mới trao đổi qua điện thoại được với thượng tá Trần Đình Vinh để xác minh thông tin liên quan đến vụ việc.

Thượng tá Vinh cho biết sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm từ Công ty TNHH Cỏ May, Công an TP Vinh đã vào cuộc kiểm tra kho hàng ở phường Hồng Sơn và có tạm giữ một số bao gạo bên ngoài có in chữ "Gạo Phù Sa".

Sau đó, đơn vị đã gửi văn bản tới Công ty Cỏ May yêu cầu cung cấp một số tài liệu có liên quan đến đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu "Gạo  Phù Sa" của Công ty TNHH Cỏ May đăng ký, sản xuất.

Gạo Phù Sa ở miền Tây bị làm giả nhãn hiệu ở Nghệ An - Ảnh 3.

Dấu hiệu nhận biết nhãn hiệu "Gạo Phù Sa" thật và bao bì được làm giả nhãn hiệu này - Ảnh: Công ty Cỏ May cung cấp

Thượng tá Vinh tiếp tục hướng dẫn PV gặp ông Võ Thế Quyết - đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - để nắm thêm thông tin. Qua điện thoại, ông Quyết cho biết do đang bận họp công tác phòng chống dịch COVID-19 nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 29-4, kho hàng ở địa chỉ 134 Ngô Đức Kế do bà Nguyễn Thị Hoa làm chủ rộng gần 100m², bên trong có chứa nhiều bao gạo. Kho hàng khóa trái cửa ở bên ngoài.

Cục Sở hữu trí tuệ: Chỉ bảo hộ giống lúa ST25, không thể bảo hộ gạo ST25 Cục Sở hữu trí tuệ: Chỉ bảo hộ giống lúa ST25, không thể bảo hộ gạo ST25

TTO - Nhãn hiệu gạo ST25 sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở Mỹ hay các quốc gia khác cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, vì thế không có chuyện "mất" thương hiệu này.

CHÍ QUỐC - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên