Phóng to |
Xe bồn bơm nước vào trụ cứu hỏa trên đường số 48, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp ngày 15-11) - Ảnh: Q.Khải |
Nước máy ở các phường trên hầu như không thể tự chảy nên việc cấp nước chủ yếu trông chờ vào những chuyến sà lan, xe bồn. Nguy cơ thiếu nước còn tiếp tục lan rộng khi bắt đầu vào mùa khô...
Bơm 11 xe bồn chưa đủ
"Nước giếng nhà tôi nhiễm phèn nhưng mọi người đành phải xài đỡ" |
Chị Huỳnh Thị Kim Thủy, một người dân có giếng nước trong khu vực, kể: “Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 5g30 sáng là có người gõ cửa nhà tôi xin nước, chiều thì sau 17g. Nước giếng nhà tôi nhiễm phèn nhưng mọi người đành phải xài đỡ, chứ không có nước thì sao chịu được”. Cách nhà chị Thủy khoảng 500m, xe bồn do Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức thuê bơm nước liên tục vào trụ cứu hỏa nhưng nước vẫn không thể chảy đến khu vực đường số 4 do khoảng cách xa và những hộ đầu nguồn đã tranh thủ hứng nước để tích trữ.
Trước đó ngày 15-11, có mặt tại đường số 48, P.Hiệp Bình Chánh, chúng tôi thấy xe bồn đang bơm nước vào trụ cứu hỏa. Tài xế xe bồn cho biết trong vòng buổi sáng anh đã bơm nước cho khu vực này 11 chuyến, mỗi chuyến 25m3, nhưng tại các hẻm sâu bên trong nước máy chỉ chảy nhỏ giọt. Có nhà dân phải mất ba giờ mới hứng được năm xô nước để dành xài cho buổi chiều.
Anh Phan Tấn Tài, ngụ đường số 35, cho biết anh về đây sống gần năm năm nhưng chưa bao giờ thấy nước yếu như hiện nay, đêm nào anh cũng phải canh đến 1g-2g sáng, nhưng có đêm chẳng hứng được giọt nào. Thiếu nước, nhiều hộ dân phải mua nước với giá 30.000-40.000 đồng/m3 từ các xe ba gác chở nước.
Tại phường Linh Trung, nạn thiếu nước đe dọa đến việc học, sinh hoạt của hơn 30.000 sinh viên đang học tập tại đây. Ngày 9-11, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã có công văn cầu cứu Công ty Cấp nước Thủ Đức sớm có các giải pháp tăng cường áp lực nước cho khu vực này.
Sao ở gần nhà máy nước lại thiếu nước?
Theo Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, các khu vực thiếu nước chủ yếu sử dụng nước của Nhà máy nước Tân Hiệp. Kể từ sau khi nhà máy này bảo trì (nhà máy ngưng hoạt động từ 22g ngày 12-11 đến tối 13-11 để bảo trì), áp lực nước về khu vực Thủ Đức tại một số nơi đã giảm một nửa so với trước khiến nhiều khu vực thiếu nước.
Ông Nguyễn Xuân Cầu, giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, cho biết đã huy động bảy xe bồn (mỗi xe chở 5-25m3 nước) chạy liên tục từ sáng sớm đến 23g để bơm nước vào trụ cứu hỏa, vào đường ống cấp nước cho các hộ dân ở P.Hiệp Bình Chánh, P.Tam Bình. Tuy nhiên, do một số tuyến đường hạn chế xe tải lưu thông nên việc cấp nước qua xe bồn cũng hạn chế. Đến ngày 17-11, công ty mới xin được giấy phép “ưu tiên” cho xe bồn chở nước để tăng thêm thời gian cung cấp nước cho người dân tại các khu vực thiếu nước.
Cũng theo ông Cầu, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) đã hỗ trợ tăng cường ba chiếc sà lan từ 600-1.200m3 để bơm nước liên tục 24/24 giờ cho khu vực P.Hiệp Bình Chánh. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã lắp đặt một trụ nước cứu hỏa tại khu vực Trường đại học Khoa học tự nhiên để cấp nước qua xe bồn cho khu vực này.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng việc cấp nước qua xe bồn, sà lan lên đến hàng ngàn mét khối mỗi ngày cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng nước đang tăng lên từng ngày của người dân. Theo ông Cầu, để khu vực Thủ Đức hết thiếu nước, các dự án lắp đặt thêm đường ống nhằm bổ sung nguồn nước từ Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy BOO Thủ Đức do Sawaco làm chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ.
Các dự án lắp đặt thêm đường ống nước vướng đường sắt Một cán bộ quản lý dự án của Sawaco cho biết đã có bốn công trình bổ sung nguồn nước cho khu vực Q.Thủ Đức được triển khai, nhưng quá trình thực hiện có tới ba công trình bị vướng tại các vị trí giao nhau với đường sắt. Do việc thi công đường ống cấp nước băng ngang đường sắt phức tạp và chỉ có các đơn vị đường sắt mới thi công được nên các công trình trên thi công kéo dài trong thời gian qua. Hiện Sawaco chỉ ký được một hợp đồng thi công với đơn vị đường sắt, dự kiến cuối tháng 11 sẽ thi công và cuối tháng 12 hoàn thành. Khi đó sẽ có thêm một tuyến ống 600mm từ quốc lộ 1A băng qua quốc lộ 13 (lấy nước từ Nhà máy nước Thủ Đức) để tăng cường nguồn nước cho khu vực P.Hiệp Bình Phước. Các công trình còn lại nhiều khả năng phải qua năm 2012 mới thực hiện được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận