09/04/2013 06:03 GMT+7

Gần đèn mà... không sáng

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Giải cầu lông Úc mở rộng 2013 kết thúc hôm 7-4 tại Sydney. Ở đó, người ta đã thấy sự lên ngôi của thế hệ thứ ba làng cầu lông Trung Quốc khi chứng kiến trận chung kết toàn Trung Quốc giữa hai tay vợt Houwei Tian với Song Xue. Kết quả Tian thắng 2-1.

TT - Giải cầu lông Úc mở rộng 2013 kết thúc hôm 7-4 tại Sydney. Ở đó, người ta đã thấy sự lên ngôi của thế hệ thứ ba làng cầu lông Trung Quốc khi chứng kiến trận chung kết toàn Trung Quốc giữa hai tay vợt Houwei Tian với Song Xue. Kết quả Tian thắng 2-1.

Houwei Tian năm nay 21 tuổi, xếp hạng 196 thế giới. Trước khi bước vào chung kết Giải Úc mở rộng, tay vợt này đã làm mọi người “mắt tròn mắt dẹt” khi hạ tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei 2-1. Còn Song Xue năm nay mới 19 tuổi, người đã khiến nhà vô địch Olympic 2004 Taufik Hydayat (Indonesia) và Nguyễn Tiến Minh trở thành bại tướng tại Sydney.

Các chuyên gia cầu lông của VN cho biết nếu gọi lứa của Lin Dan (người đã hạ Lee Chong Wei tại chung kết Olympic London) là thế hệ thứ nhất của cầu lông Trung Quốc, thì Chen Long là thế hệ thứ hai và lứa Houwei Tian, Song Xue là thế hệ thứ ba. Có nghĩa, hệ thống đào tạo của cầu lông Trung Quốc đã thật sự tạo nên được những làn sóng “lớp sau đè lớp trước”, không bị hụt hẫng về nhân tài.

Mà thể thao Trung Quốc nào chỉ có cầu lông. Trừ bóng đá, còn lại họ gần như muốn gì được nấy. Ngày xưa, ai ngờ được quần vợt Trung Quốc có danh hiệu vô địch một giải Grand Slam, vậy mà giờ họ đã có. Giữa thế kỷ 20, có ai ngờ nửa thế kỷ sau bóng bàn Trung Quốc không có đối thủ. Tương tự, có ai ngờ Trung Quốc có VĐV thắng những đôi chân da đen trên đường chạy 110m rào nam hay những kỷ lục thế giới trên đường đua xanh...

Khen thành tích thể thao Trung Quốc bây giờ chẳng khác nào khen “phò mã tốt áo”!

Chỉ buồn một nỗi, hệ thống thể thao VN cũng học y như cách tổ chức của Trung Quốc. Đó là không dựa vào thể thao học đường, mà tập trung “nuôi gà chọi” tại các trường năng khiếu thể thao. Bộ máy quản lý thể thao cũng na ná như Trung Quốc, với trung ương thì có tổng cục, rồi tỏa ra sâu rộng xuống tận các trung tâm quận huyện. Cái cách đào tạo nhân tài của thể thao Trung Quốc có thể chưa hẳn là tuyệt hảo khi thế giới phê bình chạy theo thành tích thái quá, xem nhẹ giá trị con người. Nhưng bù lại không ai không kính nể về kết quả họ đạt được trên các đấu trường thế giới.

Vâng, có thể họ không hay, nhưng chí ít cũng đạt được mục đích. Còn ta, theo mô hình ấy nhưng kết quả vẫn chẳng đâu vào đâu. Cái ấy gọi là gần đèn mà... không sáng!

TRƯỜNG HUY

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên