Ảnh minh họa - Ảnh: Gia Hưng |
Nhiều bạn đọc bày tỏ điều này hết sức cần thiết nhưng không khỏi lo ngại về hiệu quả của kế hoạch này.
TP.HCM hiện có 107 chuyến xe buýt, trong đó 32 tuyến không trợ giá. Theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, đối với những xe buýt đầu tư mới cũng phải lắp đặt camera đúng quy định.
Bức xúc “hung thần” xe buýt
Chia sẻ với TTO, nhiều bạn đọc cho biết họ quá sợ những chuyến xe buýt bởi tính an toàn lẫn sự thân thiện.
Chị Bích Thủy (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nói: Điều bức xúc nhất là thái độ của tài xế và tiếp viên xe buýt. Rất nhiều người tưởng mình là “vua trên xe” nên cứ gắt gỏng với bất kỳ ai, đặc biệt là những sinh viên, dễ thấy nhất là ở các chuyến xe 30.
Tuyến 99 thì tài xế chạy nhanh và rất ẩu, nhất là đoạn từ trạm KTX khu B, ĐHQG TP.HCM đến ĐH Quốc tế.
“Nhiều bạn sinh viên vừa lên xe, chưa kịp tháo khẩu trang để đưa thẻ thì tiếp viên đã xé vé dành cho người bình thường. Có hôm tài xế vừa chạy vừa lạng lách, khiến nhiều người đang đứng như ngã nhào trong khi cửa đang mở”, chị Thủy nói.
Chị Như Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho rằng phong cách phục vụ của tiếp viên trên rất nhiều chuyến xe không thân thiện, thậm chí là bất lịch sự.
Bản thân đi xe buýt thường xuyên nên anh Mạnh Đình (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.HCM) dường như quen mặt với những đối tượng hay giở trò móc túi hành khách ở tuyến xe 20.
Một trường hợp khác anh Đình hay gặp là tài xế, tiếp viên to tiếng, cãi nhau với hành khách khi họ chưa rõ đường đi nên hỏi trạm dừng. Lại có khi tài xế “chiến tranh lạnh” với soát vé làm hành khách đứng ngồi không yên vì tâm lý bực dọc của cả hai làm ảnh hưởng công việc.
Nhật Lệ (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) hằng ngày phải đi xe buýt từ Thủ Đức đến Q.1 và ngược lại, chia sẻ: “Em vẫn thường gặp tình trạng trộm cắp và móc túi trên xe; tài xế, tiếp viên cáu gắt hoặc xỉ vả hành khách, nhiều bác tài do trễ giờ quy định nên bỏ trạm hoặc trả khách không đúng trạm, một số người còn hút thuốc trên xe”.
Lệ cho biết các tuyến xe số 8 hay 33 thường xuyên nhồi nhét hành khách đến độ mọi người phải chen nhau để thở. Nhiều chuyến xe khách như 19, 53 khi đi qua trạm Bến Thành, người bán hàng rong tràn lên mời chào, làm phiền hành khách mà không thấy ai giải quyết.
Rất cần thiết
Theo anh Mạnh Đình, tác dụng đầu tiên của việc gắn camera là tác động đến tâm lý người trên xe buýt làm hành vi được điều chỉnh theo hướng tích cực.
Chị Như Mai đồng tình, gắn camera sẽ giảm hành vi thiếu lịch sự, văn minh, giảm tình trạng nhân viên bực bội, đối xử gắt gỏng với hành khách, hạn chế móc túi, quấy rối.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) đánh giá cao kế hoạch lắp đặt camera cho xe buýt.
Theo ông Hiệp, đây là việc làm cần thiết để giám sát mọi hoạt động trên xe. Camera sẽ là công cụ giúp lực lượng chức năng tìm ra những chứng cứ vi phạm khi có sự tố cáo của người dân, tránh những trường hợp trước đây dù thấy vi phạm nhưng không thể xử lý vì thiếu bằng chứng.
Trường hợp tài xế bỏ tay lái để mang giày gần đây cũng xuất phát từ một đoạn clip được camera ghi lại.
Ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng về chủ trương, việc lắp đặt camera quan sát, giám sát hoạt động trên xe buýt là rất tốt. Tương tự như ở gia đình, công sở, đường phố, đây là hình thức người này giám sát người kia, hành khách giám sát cán bộ, cơ quan và ngược lại cơ quan giám sát hành khách.
Một lãnh đạo HTX vận tải 19-5 (TP.HCM) cho biết đơn vị đã chủ động gắn camera thử nghiệm cho một tuyến với 52 đầu xe. Kết quả ban đầu đã giảm thiểu được tình trạng hành khách bị móc túi, kiểm soát được hành vi phục vụ của lái xe.
Căn cứ vào hình ảnh, đơn vị đã xử lý vài vụ việc liên quan đến trộm cắp vặt trên xe hoặc tiếp viên phủ nhận hành vi phục vụ chưa tốt.
“Bản thân là doanh nghiệp, dù tốn chi phí đầu tư nhưng chúng tôi thấy đây là việc nên làm”, vị này cho biết.
Trên một chuyến xe buýt - Ảnh tư liệu |
Đừng để camera là cục sắt!
Ông Bùi Danh Liên cho rằng về chủ trương là rất tốt nhưng khi vào thực tế cần lưu ý hai vấn đề:
Về thiết bị, phải có quy chuẩn chọn lựa, yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt thế nào để phát huy tác dụng, tránh tình trạng lắp đặt tràn lan, không rõ nguồn gốc dẫn đến không đạt hiệu quả như trường hợp lắp thiết bị giám sát hành trình gần đây.
Vấn đề thứ hai là xử lý. Phải giải quyết câu hỏi, camera có tác dụng gì, ai là người xử lý khi có phản ánh, xử lý ra sao?Nếu không, việc lắp camera cũng chỉ mang tính hình thức.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp đồng tình: Camera là công cụ, thông tin từ camera sẽ chỉ là dữ liệu, nếu ta không sử dụng đúng mục đích thì nó cũng giống như đống sắt vụn.
Người đi xe khi thấy bức xúc gì phải phản ánh để có cách giải quyết. Phải chủ động lên tiếng thì cơ quan chức năng mới dùng thông tin từ camera để giải quyết thỏa đáng sự việc.
Chị Bích Thủy cho rằng số lượng và vị trí camera được lắp đặt phải đảm bảo ghi lại được toàn bộ diễn biến, tránh việc chỉ có hiệu quả khi xe vắng khách.
Phải có kênh để người dân phản ánh và cơ quan giải quyết phải tìm hiểu rồi phản hồi ngược lại. Cái người dân cần là được phản hồi để biết sự phản ánh của mình đã đến nơi cần đến hay chưa.
Anh Mạnh Đình cho rằng ngoài việc kiểm tra camera định kỳ sau mỗi chuyến xe về bến, cần có giải pháp kiểm tra trực tiếp, trực tuyến mọi lúc để xử lý các trường hợp nhanh nhất có thể.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng 6 tháng đầu năm 2015 đạt 45,1% so với kế hoạch. Trong đó, vận chuyển xe buýt có trợ giá giảm 13% so với cùng kỳ 2014. Kết quả nghiên cứu trên 7.000 phản ánh từ người dân của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy các lỗi chủ yếu của xe buýt là phân biệt đối xử với hành khách (8,5%), bỏ trạm (23,9%), ứng xử kém (19,4%)… |
Mời các bạn nghe các phát biểu:
>> Chị Bích Thủy
>> Chị Như Mai
>> Anh Mạnh Đình
>> Bạn Nhật Lệ
>> Ông Bùi Danh Liên
>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận