10/09/2005 17:27 GMT+7

Gameshow của nước mắt

HOÀ BÌNH
HOÀ BÌNH

TTCN - Không giống những phát biểu thường thấy của người chơi hầu hết các game show truyền hình đang bùng nổ hiện nay: “Tôi đến với cuộc thi... để học hỏi là chính; thắng hay thua không quan trọng. Đây sẽ là một kỷ niệm đẹp, thú vị trong cuộc đời tôi”...

F68USlhD.jpgPhóng to
Hàng ngàn người dân kéo đến xem đoàn quay game ở Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Tây

Sự bày tỏ cảm xúc của những người tham gia game show Vượt lên chính mình (VLCM) của HTV cho thấy nỗi hân hoan, xúc động và nhiều người đã nói trong nghẹn ngào: “Đó là một giấc mơ thành sự thật, như có một bà tiên xuất hiện ban phép lạ làm thay đổi cuộc đời tôi...”.

Chúng tôi đã có dịp theo chân một đoàn làm game show Vượt lên chính mình và đã xúc động chẳng kém những người tham dự chương trình này.

Gian lao làm game

xYfEQcMh.jpgPhóng to
MC Quyền Linh hết mình với VLCM
Đoàn làm game chẳng khác gì một đoàn làm phim với hàng tấn thiết bị, máy móc, đạo cụ; hơn 30 người gồm hai đạo diễn, sáu quay phim và phụ quay, tổ kịch vụ, âm thanh - ánh sáng, công nhân hậu đài... với bốn xe “hành quân” ra Bắc, đến tỉnh Hà Tây, nơi được mệnh danh là đất trăm làng nghề, phù hợp với tiêu chí chọn thí sinh nghèo và có tay nghề của VLCM...

Sau hành trình ba ngày hai đêm khá vất vả, chiều tối mới đến nơi, sáng hôm sau cả đoàn đã phải nhanh chóng vào việc.

Khác với hầu hết những game show thường chỉ quay và dàn dựng trong phim trường, VLCM quay cảnh người thật việc thật nên hoàn toàn phụ thuộc ánh sáng trời. Đang vào những ngày bão rớt, có hôm đoàn dậy thật sớm nhưng cũng đành ngồi chờ nắng lên.

Theo Công ty quảng cáo Lasta, nhà sản xuất VLCM, game show này mua bản quyền từ game show Xóa nợ của Thái Lan. Để dự thi VLCM phải là người vay nợ ngân hàng không quá 15 triệu đồng để làm ăn, nếu làm nghề truyền thống sẽ được ưu tiên. Đó là những người không có khả năng trả nợ dù đã nỗ lực làm việc hết sức. Chương trình tuyển người chơi bằng cách phát thông báo rộng rãi trên truyền hình và gửi công văn đến chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cấp xã.

Năm đầu tiên Lasta đã ký hợp đồng sản xuất 52 game VLCM, mỗi tuần phát một game trên cả nước. Với TP.HCM, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tây, những nơi có thí sinh được chọn, Lasta hợp tác sản xuất với đài truyền hình ở mỗi tỉnh thành này. Các trò chơi được một nhóm gồm đạo diễn, biên tập của đài truyền hình, chuyên viên của Lasta thuê chuyên gia người Thái cùng nghĩ ra.

Người chơi phải trải qua ba vòng thi, thắng vòng đầu xóa phân nửa số nợ, thắng vòng 2 xóa hết số nợ còn lại, vòng 3 sẽ được rút thăm may mắn số vốn được cấp hai lần, mỗi lần cao nhất không quá 10 triệu. Cuộc thi có tính chất được thua thật sự vì diễn ra trước mặt người dân địa phương, clip video giới thiệu gia cảnh thí sinh cũng phải tuân thủ nguyên tắc người thật việc thật.

Ngày đầu tiên quay cảnh sinh hoạt đời thật tại một gia đình cách nơi đoàn ở vài chục cây số đường làng. Hàng xóm kéo đến xem chật cả nhà, cả ngõ, lại tốn không ít công sức, thời gian để mời bà con giải tán.

Người dân quê chất phác có dịp “lên truyền hình” nên phải diện áo quần đẹp nhất, thậm chí còn đi mượn về mặc khiến đạo diễn bứt tóc kêu trời; lại phải uốn nắn, chỉ vẽ từng chút, quay đi quay lại một cách kiên nhẫn để có được những cảnh quay với người chơi game làm công việc bình thường hằng ngày của mình thật tự nhiên.

Dù người chơi mỗi người mỗi cảnh nhưng cái nghèo thì ai cũng giống nhau, thể hiện sao cho xúc động mà không trùng lắp, sáo mòn cũng là một thử thách, buộc đạo diễn tìm tòi từng ngóc ngách của đời sống chung quanh.

Chưa kể phần đông người nghèo tham gia VLCM thường khó khăn khi diễn đạt lời ăn tiếng nói, phải thật công phu và kiên nhẫn khi phỏng vấn họ về gia cảnh, ước muốn, kế hoạch sử dụng số tiền có được từ chương trình...

Những cảnh quay cuối cùng kết thúc bao giờ cũng đã quá trưa, lúc đó cả đoàn mới được ăn cơm. May thì đặt được nhà dân gần đó nấu, còn không lại phải lên xe đi cả đoạn đường dài mới có cái ăn.

Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất thi làm chè lam. Người mẹ và cô con gái lớn thạo việc, làm xăng xái, quay rất nhanh. Huyền, cô gái út, không ý thức rõ được công việc nên chậm chạp, phải làm lại nhiều lần... Ánh nắng tắt dần, dù đã hết sức mỏi mệt, đạo diễn Xuân Cường vẫn nhỏ nhẹ giải thích với cô bé cuộc thi này quan trọng với gia đình cô ra sao khi mà bố Huyền đã qua đời, mẹ phải làm thuê làm mướn, vay nợ nuôi ba con ăn học... Dần dà biểu hiện tâm lý của Huyền mới tạm ổn. Trên đường về, xe còn phải ghé vào một ngôi chùa làng để đạo diễn kiểm tra lần cuối điểm tổ chức game.

Ngày tổ chức thi, từ mờ sáng bộ phận kỹ thuật của đoàn đã ra hiện trường để dựng sân khấu. 8-9g cuộc thi bắt đầu nhưng sân khấu đã tràn ngập hàng ngàn dân kéo đến như trẩy hội! Công an, dân quân, đoàn viên thanh niên xã và cả lái xe của đoàn được huy động giữ trật tự, thêm đạo diễn, quay phim cũng nóng ruột vào cuộc mà mất hơn cả giờ đồng hồ hò hét khản cổ, lấy thân người làm rào chắn đám đông mới ổn định, sân khấu mới trống.

Những cảnh quay đám đông quần chúng luôn khó xơi với bất kỳ đoàn làm phim nào và cũng chỉ giới hạn 1-2 cảnh; vậy mà ngày nào đoàn VLCM cũng phải đối mặt với khó khăn đó. “Nắng tháng tám rám trái bưởi”, dưới mặt trời như thiêu đốt, đạo diễn Huỳnh Thiên Lộc vốn thân hình quá khổ bình thường đi lại nặng nề tự nhiên cực kỳ năng động; leo lên bàn lên ghế, hét vang, chỉ đạo đám đông nhìn về hướng này, chỉ về hướng kia, khi nào được vỗ tay, khi nào không...

Chỉ một người dân thiếu ý thức lọt vào khuôn hình hay một vị quan chức trao quà sai tư thế, thậm chí MC quên lời thôi là mọi công sức đổ sông đổ biển, cả đoàn đành trân mình dưới cái nắng quay lại. Sau màn hình, tổng đạo diễn Xuân Cường gào thét chỉ huy ba máy quay, kiểm soát hiện trường, nhiều lúc đứng bật dậy hô hào, cảm ơn người dân, chính quyền xã làm đúng yêu cầu kỹ thuật. Đã gần 12g trưa vẫn chưa xong, MC Quyền Linh sau vài giờ đứng nắng mắt đã đổ hào quang, phải tạm ngưng ít phút. Cuộc thi kết thúc, cơm nước xong, đạo diễn còn hộ tống người chơi game ra ngân hàng xóa nợ; trong khi bộ phận hậu đài lui cui dọn dẹp, đi sớm nhất nhưng về trễ nhất.

Nước mắt và niềm vui

uqRn2nPr.jpgPhóng to
Quay video clip tại nhà anh Triển, chị Thoi
Chưa kể công sức những người đi tiền trạm xác minh hoàn cảnh thí sinh, nghĩ ra trò chơi phù hợp với nghề nghiệp người chơi game, tìm địa điểm tổ chức thi, làm việc với địa phương..., mới chỉ quay một game thôi đoàn đã mất đứt hai ngày làm việc mệt nhọc, đạo diễn đã khan tiếng, MC đã bị cảm và trong gần cả tháng sau vẫn là những ngày lao động y như thế. Nguyên, Phước, Thọ, Tiền, Kịp, Lễ, Lũy..., những nhân viên trong đoàn, đều bảo rằng: “Chúng tôi có cảm giác như đang đi làm từ thiện vậy vì thấy mình đã góp được phần nào công sức giúp đỡ người nghèo”.

MC Quyền Linh tâm sự: “Tôi đã không hình dung trước rằng làm VLCM lại cực khổ, mất thời gian, mất cả những show diễn của mình nhiều đến thế. Nhưng được đến với người nghèo một cách trực tiếp như thế này tôi rất thỏa lòng. Nếu làm vì tiền chắc chắn tôi không nhận tham gia chương trình này”.

Đạo diễn Xuân Cường nói chắc nịch: “Để làm được chương trình này ai cũng phải có cái tâm!”.

Có một trường hợp mà tất cả đoàn làm game VLCM đều nhắc đến với chi tiết “tội nghiệp đến nỗi anh Nguyễn Hoàng đã khóc ướt cả camera”. Hai vợ chồng ông Nguyễn Em và bà Đỗ Thị Nhánh làm muối ở xã Ninh Diêm, Ninh Hòa, Khánh Hòa, sống cùng đứa con bị bại liệt mà suốt 38 năm qua họ phải chăm lo cho con ăn uống, vệ sinh, tắm rửa... Bốn người con khác của ông bà thì một người đã mất, còn lại đều nghèo, đã cùng gia đình họ trôi dạt đi làm ăn xa. Cả đời làm muối khổ cực, vất vả, nhưng để có đủ miếng ăn và nuôi người con tật nguyền, hai vợ chồng già phải làm thêm: dọn vệ sinh, rửa chén bát, giặt giũ thuê...

Có lần ông bị bệnh, cần mua cây kim tiêm 4.000 đồng mà bà không biết xoay đâu ra, phải quay về giặt mướn một đống đồ để có tiền quay lại viện. Tuổi già, sức yếu đi mỗi ngày, vay 2 triệu đồng của ngân hàng năm này sang năm khác họ không có cách gì trả nổi. Ước mơ của họ thật đơn giản mà quá xa tầm với: có tiền mua xe lăn cho con và mua một con bò để nuôi! Được chọn tham gia VLCM, ngày nào hai ông bà cũng ra sức tập gánh những giỏ muối nặng chạy giữa trời nắng gắt để có thể chiến thắng trong cuộc thi.

Khi được xóa nợ và cấp vốn tổng cộng 21,7 triệu đồng, cầm món tiền trong tay, bà Nhánh té xỉu. Một người đàn ông gai góc như quay phim Nguyễn Hoàng đã bỏ camera bật khóc vì “cảm xúc thật quá, gần quá, lớn lao quá!”.

Hai vợ chồng Hoàng Văn Triển - Đặng Thị Thoi ở thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Tây, tuy đều còn trẻ nhưng hoàn cảnh cũng thật ngặt nghèo. Nhà nheo nhóc ba con nhỏ và một mẹ già. Đứa con lớn chỉ mới vào lớp 1; đứa thứ hai suy dinh dưỡng, 5 tuổi mà bé như cái tăm; đứa thứ ba còn ẵm ngửa đã phát bệnh tim. Cả nhà trông vào 1,3 sào ruộng, trúng mùa cũng chẳng đủ thóc ăn được nửa năm.

Hai vợ chồng làm thêm lược sừng, ngày được 20.000-30.000 đồng nhưng khi có khi không, tiền ăn đã khó nói chi tiền thuốc cho con. Năm 1997, họ vay ngân hàng 4 triệu đồng nuôi 500 con vịt. Ngay năm đầu bầy vịt gặp dịch chết gần hết, gia đình đã trắng tay lại còn mang nợ. Từ 1997 - 2002 họ chỉ trả được tiền lãi hằng tháng và 900.000 đồng tiền vốn. Từ 2002 đến nay họ mất khả năng trả lãi lẫn vốn, từ 3,1 triệu nợ gốc hiện tổng nợ gốc và lãi của họ lên tới hơn 7,6 triệu đồng.

Anh Triển nói mà như bật khóc: “Những khi vợ con ngủ hết, tôi đã bao lần thao thức vì sao mình vất vả, cố gắng đến thế mà vẫn không đủ ăn đủ mặc, không trả được nợ, tưởng quẫn trí...”. Khi chúng tôi viết bài báo này vợ chồng anh Triển vẫn chưa thi, nhưng qua lần kiểm tra game anh đã thi thử rất tốt, thêm quyết tâm và sự cố công tập luyện của vợ chồng anh, tin rằng họ sẽ có một chiến thắng tốt đẹp.

Căn nhà tình thương của ông Lý và chị Lan Hương sau nhiều tháng tham gia VLCM vẫn xơ xác, cửa ra vào đụng đầu, mùa mưa nước tràn vào vì các nhà xung quanh và mặt đường đều cao hơn nhà chị gần cả mét; nhà bếp, nhà vệ sinh là những mảnh vải, mảnh tôn lắp ghép tạm bợ. 21-22g đêm ghé nhà mà chị và con trai vẫn cặm cụi ngồi may.

Chị cười tươi cho biết: “13 triệu có từ VLCM vẫn còn nguyên đó, chờ nhà kế bên xây xong chị sẽ nâng nền, nâng mái, thay những chỗ tôn dột để có nơi khô ráo bày hàng, may được nhiều hơn, rồi làm lại nhà tắm, nhà vệ sinh...”. Có tiền sửa được nhà, trả được nợ, chị nghĩ đến chuyện cho con đi học lại. Cậu bé Vinh phải nghỉ học từ năm lớp 3 nôn nao đòi mẹ mua cho một cái cặp; quyết tâm đi học lại để cuộc sống sau này tốt hơn, để lo cho mẹ.

Khi mà khán giả màn ảnh nhỏ sắp “bội thực” về số lượng game show như hiện nay, rất mong những nhà sản xuất cân nhắc lựa chọn, thực hiện những game show có ý nghĩa và hiệu quả xã hội rõ rệt, được lòng khán giả như VLCM. Sao cho có nhiều hơn những trò chơi cho người dân lao động nghèo ít học được vui chơi, được trúng thưởng những số tiền có ý nghĩa đổi đời với họ.

Một anh nông dân hiếm hoi đến được với game show Rồng vàng, khi trả lời sai câu hỏi, bị chia đôi số điểm, đã bộc bạch với nỗi ngậm ngùi: “Tôi suy nghĩ dữ lắm, cuối cùng quyết định cố lên một chút nữa để có tiền sắm cho con một cái máy vi tính khá một chút nhưng không ngờ! Chưa bao giờ tôi thấy tiếng nói của một người nông dân như tôi giá trị như thế, đáng giá đến mấy triệu bạc...”!

Tìm cơ hội thoát nghèo qua... show truyền hìnhQuyền Linh: “Tôi đã sống cùng với họ”

HOÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên