Triển lãm có một cái tên gợi cho người xem một cảm giác mơ hồ: Non Dénommée (tạm dịch: Không đặt tên).
Sự mơ hồ này đến từ mối quan tâm của giới trẻ Pháp về việc tìm hiểu nguồn gốc từ Đông Dương của mình. Tuy nhiên, sợi dây liên kết của họ với tổ tiên đã mai một sau nhiều năm tháng, khiến họ phải từng bước tìm lại lịch sử từ những món kỷ vật cha ông để lại.
Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Tanguy Sévat-Denuet đã dành thời gian trò chuyện với khoảng 4 gia đình như vậy. Họ là con cháu của những cặp vợ chồng Pháp - Đông Dương, ngày nay sinh sống nhiều ở đảo Réunion thuộc Pháp.
Đến với triển lãm, người xem sẽ thấy lạ khi trước mặt là rất nhiều ảnh chân dung khác nhau. Mỗi người sẽ được phát một cuộn len, sau đó kết nối những gương mặt đại diện cho bốn, năm thế hệ trong một gia đình.
Tiếp tục theo chân những gia đình này, người xem đến với màn sắp đặt chuyển động của những kỷ vật.
Đây là những món đồ mà những con người xứ Đông Dương mang theo khi đến Pháp, bây giờ trở thành những minh chứng hữu hình cho một nền văn hóa hay một bản sắc đã dần mai một ở Pháp ngày nay.
Tiếp đó, men theo những bậc cầu thang, người xem lần theo những tiếng nói xôn xao phát ra từ những căn phòng. Tầng trên của triển lãm là 4 căn phòng, nơi người xem được hòa cùng niềm vui, tiếng cười và suy tư của các thế hệ người Pháp gốc Việt khi cùng hội ngộ.
Nghệ sĩ Tanguy Sévat-Denuet đến từ đảo Réunion. Hòn đảo này là nơi lưu đày của hai vị vua thời Nguyễn là Thành Thái và Duy Tân.
Bên cạnh đó, Réunion cũng là nơi tập kết của hàng trăm người Việt, trong đó có các nghĩa sĩ yêu nước bị thực dân Pháp kết án. Họ bị đưa đến đảo nhằm phục vụ cho các đồn điền trồng mía.
Nhiều năm qua đi, thế hệ gốc Việt thứ 4, thứ 5 ở Réunion đã mất phần lớn liên kết với ông bà tổ tiên từ Đông Dương thời Pháp thuộc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Tanguy Sévat-Denuet cho biết gần 2 năm nay, việc tìm lại cội nguồn đang là chủ đề thời sự tại Pháp. Khi xưa, để hòa nhập, những con người Đông Dương đều bị gọi chung là Chinois/Chinoise (tiếng Pháp - nghĩa là người Trung Quốc).
Bây giờ rất nhiều người trong số đó khẳng định mình không phải người Trung Quốc, mà mạnh dạn đi tìm về nguồn gốc Việt Nam của mình.
Triển lãm của Tanguy là mở đầu cho hành trình đi tìm lại danh tính của những thế hệ này, mở cửa từ ngày 25 đến 30-6 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM).
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt này là kết quả của quá trình nghiên cứu đã được thực hiện trong hơn một năm ở đảo Réunion và sau đó là ở TP.HCM. Dự án thuộc chương trình nghệ sĩ lưu trú của Villa Saigon - Viện Pháp tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận