24/02/2007 01:38 GMT+7

Frank Jao - biểu tượng thành công của người Việt xa xứ

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Website tin tức nổi tiếng dành cho người châu Á tại Mỹ Goldsea Asian American Daily từng bầu chọn ông vào vị trí 67 trong số 70 người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Tại quận Cam, bang California, người dân địa phương vẫn gọi ông là “cha đỡ đầu của khu Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon)”.

481ZyPfb.jpgPhóng to
Ông Frank Jao - Ảnh: Minh Đức
TT - Website tin tức nổi tiếng dành cho người châu Á tại Mỹ Goldsea Asian American Daily từng bầu chọn ông vào vị trí 67 trong số 70 người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Tại quận Cam, bang California, người dân địa phương vẫn gọi ông là “cha đỡ đầu của khu Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon)”.

Ông Frank Jao (tên Việt là Triệu Phát) hiện là chủ tịch Tập đoàn địa ốc Bridgecreek Group (trụ sở tại California) và là giám đốc điều hành Quĩ đầu tư V-Home Group tại VN. Tập đoàn của ông đã phát triển hàng loạt dự án trị giá lên đến hơn 400 triệu USD tại Mỹ.

Bán áo mua thức ăn

Nhưng không nhiều người biết người con quê Hải Phòng này (cha ông là người Việt, mẹ người gốc Hoa) chẳng có tài sản gì ngoài hai bàn tay trắng khi đến Mỹ năm 1975. Ông nghèo đến nỗi phải bán cả áo để lấy tiền mua thức ăn. Ông khởi đầu sự nghiệp trên đất Mỹ từ những công việc chân tay nặng nhọc như bán máy hút bụi và làm công nhân dây chuyền lắp ráp.

“Thật ra chuyện tay trắng làm nên cũng không phải là chuyện hiếm, bởi hầu hết những người nhập cư đến Mỹ lần đầu tiên cũng đều có hoàn cảnh như tôi” - ông khiêm tốn chia sẻ. Vượt qua mọi khó khăn, ông theo học ngành bất động sản và làm việc trong một công ty địa ốc. Chỉ ba năm sau, ông đã lập ra Công ty Bridgecreek chuyên kinh doanh địa ốc, khởi đầu cho một sự nghiệp đồ sộ và hùng mạnh.

Có thể nói thành công của Bridgecreek gắn liền với sự phát triển của khu Little Saigon nổi tiếng tại quận Cam, California. “Những nhóm dân di cư từ Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc... đến Mỹ đều lập ra những khu vực sinh hoạt cộng đồng với nét văn hóa và tính cách riêng biệt. Và người dân di cư từ VN cũng có nhu cầu như vậy”. Với tầm nhìn xa đó, ông trở thành một trong vài doanh nhân tiên phong đầu tư các cơ sở kinh doanh trên khu vực ngày nay là Little Saigon để đáp ứng nhu cầu của người Việt sinh sống tại đây. Ngày nay, Little Saigon đã trở thành cộng đồng tiêu biểu của người VN tại Mỹ, phát triển mạnh mẽ đến mức bản thân ông Frank Jao cũng không thể tưởng tượng được.

Dấu ấn của Bridgecreek chính là việc công ty biến một cánh đồng dâu nhỏ tại khu Little Saigon thành Trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ, được biết đến với cái tên tiếng Anh là Asian Garden Mall, rộng hơn 4.600m2 trên đại lộ Bolsa , vào năm 1987. Trung tâm Phước Lộc Thọ trở thành một khu mua sắm đông đúc với hơn 300 gian hàng, biến đại lộ Bolsa trở thành trung tâm tài chính của khu Little Saigon.

v2UbJeF4.jpgPhóng to
Ông Frank Jao (trái), giám đốc Tập đoàn VHG (V-Home Group), cùng nhân viên của mình tại văn phòng công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Bí quyết thành công

Nhìn lại sự nghiệp của mình với Bridgecreek, ông Frank Jao luôn nhấn mạnh hai chữ “tầm nhìn” và “sáng tạo”. “Cần phải nhìn về tương lai 5-10 năm, hoặc xa hơn nếu có thể”. Nói cách khác, ông tự nhận mình là người không thích cạnh tranh, không thích làm những cái người khác đã làm rồi. “Nói là tôi lười cạnh tranh hay sợ cạnh tranh cũng được, nhưng bảo rằng tôi muốn tìm những con đường mới chưa ai khai phá cũng không sai”. Đó chính là bí quyết đằng sau những dự án thành công có tính cột mốc như Trung tâm Phước Lộc Thọ. Cũng chính vì vậy, ông luôn ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo thế giới có tầm nhìn xa như ông Lý Quang Diệu của Singapore.

Dù luôn tự hào về nguồn gốc của mình, nhưng ông vẫn luôn khẳng định không thể bó hẹp mình trong cộng đồng người dân nhập cư mà phải hòa mình vào dòng xã hội Mỹ. “Cũng là bơi, nhưng bơi trong hồ hay trong biển là vô cùng khác biệt, tùy thuộc sự lựa chọn của chính mình”. Ngoài ra, để thành công tại Mỹ, theo ông, một người gốc châu Á rất cần sự chăm chỉ, đầu óc sáng tạo và hiểu sâu sắc về guồng máy chính trị, xã hội Mỹ. Một trong những tính cách đáng quí mà ông học hỏi từ những người Mỹ chính là sự chuyên nghiệp, thái độ thẳng thắn trong công việc và đạo đức nghề nghiệp. Đây là những điều ông luôn luôn tâm niệm và áp dụng cho bản thân.

Luôn khiêm tốn, ông Frank Jao nhận định ông không thể thành công nếu không có một đội ngũ nhân viên cực kỳ chuyên nghiệp và tận tâm. Gia đình cũng là một chỗ dựa vô cùng đáng quí. “Người vợ của tôi luôn ủng hộ tôi trong các quyết định” - ông tâm sự. Ông cũng luôn chia sẻ mọi điều với hai người con gái. Họ đều không theo nghiệp cha mà theo đuổi ngành tài chính. “Tôi luôn tôn trọng các con và để chúng theo đuổi sự nghiệp một cách độc lập, chứ không có ý định ép chúng theo nghiệp của tôi” - ông cho biết.

Ở tuổi 61 với mái tóc đã bạc nhiều, ông làm việc không ngừng. Có chút thời gian rảnh rỗi, ông thường đọc sách và chơi bóng rổ. Ngay cả trong trò chơi đó, ông cũng luôn rút ra bài học cho mình: “Tôi sức đã yếu, chiều cao lại hạn chế, nhưng rất thích bóng rổ. Nếu ở thế yếu như tôi mà lại thắng thì quả là một sự khích lệ vô cùng lớn. Mà nếu thua nhiều thì vẫn có cái thú là được học hỏi”.

Về Việt Nam

Ông Frank Jao bắt đầu trở lại VN thường xuyên từ năm 1988 để thăm họ hàng. Mãi bảy năm sau, ông mới đầu tư kinh doanh tại VN. “Điều khiến tôi quyết định về VN làm ăn là cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 6-2006. Quan hệ giữa hai nước có một bước phát triển mới chưa từng có, và tôi cảm thấy đây là thời điểm chín muồi”.

Quĩ đầu tư V-Home Fund do ông và một số thương gia Mỹ hoạt động tại VN được hơn một năm nay với mục tiêu đầu tư vào các công ty cổ phần tại VN. Ngoài ra, quĩ cũng sẽ thực hiện những dự án phát triển hạ tầng. Đánh giá về nền kinh tế VN, ông nhận định: là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, VN đang đứng trước thời cơ chưa từng có để chuyển tiếp, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. “Có thể nói VN là quốc gia đem lại nhiều cơ hội đầu tư nhất trên thế giới hiện nay” - ông khẳng định.

Điều quan trọng nhất, theo ông, là các công ty VN cần tìm hiểu phương thức làm ăn quốc tế, kiến thức, kỹ thuật quản trị, công nghệ. “Không có gì hiệu quả hơn là việc các công ty vừa và nhỏ VN kết hợp với doanh nghiệp Việt kiều, những đối tác có kinh nghiệm làm ăn quốc tế và cũng rất cần đối tác VN để phát triển thị trường trong nước” - ông khuyên.

Trước khi về nước, ông cũng đã có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt - Mỹ với tư cách chủ tịch hội đồng quản trị Quĩ Giáo dục VN (Vietnam Education Foundation - VEF), tổ chức mà ông được Tổng thống Mỹ George Bush bổ nhiệm vào từ năm 2000. Cho đến nay, VEF đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm trí thức VN sang Mỹ tu nghiệp, học thạc sĩ và tiến sĩ.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên