05/04/2017 09:40 GMT+7

Family Life của họa sĩ Lê Phổ bán 1,2 triệu đô ở Hong Kong

HIỀN HÒA
HIỀN HÒA

TTO - Tác phẩm có tên Family Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ đã được nhà Sotheby’s ở Hong Kong bán với giá gần 1,2 triệu USD hôm 2-4.

Tác phẩm Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ được bán đấu giá gần 1,2 triệu USD - Ảnh: Sothebys.com
Tác phẩm Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ được bán đấu giá gần 1,2 triệu USD - Ảnh: Sothebys.com

Theo kinh nghiệm quốc tế, mức giá này sẽ kích thích thị trường và có tính bảo chứng với những nhà sưu tập cỡ lớn - những người thường xem việc mua tranh như là một kênh đầu tư.

Trước sự kiện này, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris) bình luận: “Đây là một dấu mốc quan trọng, có tính giải tỏa tâm lý, vì ở “một góc châu Á” (lời của Paul Mus), một họa sĩ Việt Nam đã vươn ra thế giới. Đây cũng là dấu mốc hi vọng của tranh Việt, vì tranh càng có giá cao, lần bán sau giá sẽ vượt cao hơn nữa, đó là quy luật chung trên thị trường".

Dù vậy, sự kiện tranh Lê Phổ bán được triệu đô không quá bất ngờ với chuyên gia đấu giá và họa sĩ đang có tác phẩm thu hút trên thị trường.

Ông Vũ Tuấn Anh và ông Trần Quốc Hùng (nhà đấu giá Chọn, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi đã dự đoán điều này từ khoảng ba tháng trước.

Điều này bắt nguồn từ quá khứ, vì Lê Phổ đã có nhiều bức giá cao, ví dụ Nhìn từ đỉnh đồi cán mốc trên 844.000 USD tại phiên đấu giá ngày 22-11-2014 của nhà Christie’s; hoặc bức Giáng sinh của ông có giá khởi điểm từ trên 259.000 đến trên 360.000 USD tại nhà Christie’s ở Hong Kong hồi tháng 11-2015.

Tranh Lê Phổ được hai nhà đấu giá danh tiếng bậc nhất thế giới giao dịch cả nửa thế kỷ qua thì việc lũy tiến để cán mốc 1 triệu USD ở thời điểm này, theo chúng tôi, là còn hơi chậm".

Ông Vũ Tuấn Anh cũng cho biết một nhà đấu giá địa phương còn rất mới mẻ như Chọn cũng đã cán mốc tác phẩm của một họa sĩ trẻ Việt Nam với giá cao gấp hơn 25 lần khởi điểm, thì Sotheby’s hoặc Christie’s đã phải bán tranh Lê Phổ từ nhiều triệu USD trở lên.

Từ TP.HCM, họa sĩ Lê Kinh Tài cũng cho rằng việc bức tranh được bán hơn 1 triệu USD không phải là ngẫu nhiên bởi nhiều năm qua tranh của Lê Phổ đã có tiếng tăm trên các sàn đấu lớn nhất.

Họa sĩ Lê Kinh Tài nói: “Trong “quỹ đạo bán hàng” đó, những tác phẩm vượt trội hơn về tư duy hoặc tạo hình thì sớm muộn gì cũng phải đạt mức cao.

Tranh Việt đối với thị trường quốc tế từ lâu như một vùng trũng, đa số khách quốc tế sưu tập là vì tò mò, vì cảm tính cá nhân, với chi phí ở mức vừa phải. Tranh Việt vẫn chưa chạm đến “kênh đầu tư giá trị văn hóa” của các nhà đầu tư nghệ thuật tầm cỡ thế giới".

Trong bối cảnh đó, họa sĩ Lê Kinh Tài nhìn nhận việc tranh Lê Phổ cán mốc giá trên 1 triệu USD là một tín hiệu đáng mừng, nó giúp tranh Việt thêm một cơ hội bước ra ánh sáng.

Bán hơn 1 triệu USD cũng là điều kiện cần và đủ để tranh Việt được sưu tập như một tài sản qua định giá, như một kênh đầu tư văn hóa chính thức.

Giữa những nhận định đầy hi vọng, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris) không quên “cảnh tỉnh": “Hiện nay tranh Việt không sánh vai được với các nước châu Á chỉ vì vấn nạn tranh giả tranh nhái tràn lan ngoài thị trường.

Thời gian gần đây, ngay cả tranh thật của Bùi Xuân Phái - một thời làm mưa làm gió trên các sàn đấu giá quốc tế - cũng phải bán lùi giá, hoặc chịu sự đặt điều, đó là sự vô lý không đáng có.

Một số con buôn vì đồng tiền đã giết chết nhiều họa sĩ tài danh của nước nhà! Cuộc triển lãm tranh giả tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa qua là một ví dụ.

Nó trở thành vết nhơ, mà cho đến nay, dù biết là bẩn thỉu nhưng không còn mấy người nhắc đến nữa.

Thật đáng buồn.

Giá trị đích thực của tranh Việt chỉ có thể đi lên nếu nạn tranh giả tranh nhái được giới thưởng ngoạn, nhà sưu tầm, cũng như những người có liên quan cùng nhau tiêu diệt”.

Tranh của danh họa Lê Phổ (1907-2001) được xem là một trong những đại diện tiêu biểu của mỹ thuật Đông Dương nói chung.

Tác phẩm Đời sống gia đình được vẽ trong khoảng 1937-1939, với chất liệu gồm mực và bột màu trộn keo trên bố, có kích thước 82cm x 66cm.

Tại phiên đấu giá này, tác phẩm Le Hamac (Mắc võng, sơn dầu trên bố, 1938) của Joseph Inguimberty - giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - đã bán ở mức trên 971.000 USD. Đây là hai tác phẩm đến từ Việt Nam có giá bán công khai cao nhất.

HIỀN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên