03/07/2017 10:07 GMT+7

EVN được quyền tăng giá điện 3-5% và tăng nhiều lần?

MINH NGỌC
MINH NGỌC

TTO - Thay vì tăng "sỉ" một lần 7% và phải báo cáo, EVN nay có quyền "tiền tăng hậu tấu" với chiêu "xé lẻ" ra thành  3-5%.

Ảnh: C.V.K.

Ông Trần Viết Ngãi - Ảnh: C.V.K.

“Ngành điện... không có tiền nên bị mắc vào các dự án đầu tư của Trung Quốc, hiệu quả đầu tư hạn chế

Ông Trần Viết Ngãi

Thay vì được điều chỉnh giá điện trong phạm vi 7% như trước đây, nay nếu các chi phí đầu vào tăng, EVN được tự chủ tăng giá từ 3-5%, sau đó báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính giám sát.

Vẫn nên yêu cầu EVN giải trình

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), khi giá nhiên liệu thế giới, đặc biệt là giá dầu, biến động lớn và tỉ giá ngoại tệ giữa đồng USD và VND có xu hướng tăng, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động thông số đầu vào.

“Giá điện không phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh gây lỗ cho các đơn vị điện lực, không thu hút đầu tư, từ đó không đáp ứng được nhu cầu điện tăng từ 12-14%/năm”, ông Tuấn cảnh báo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc EVN được quyền tăng giá từ 3-5% trở lên sẽ khiến cho giá điện ngày càng được "điều chỉnh" linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần lưu ý là biên độ và thời gian điều chỉnh giá điện, bở vì với cơ chế giá này, EVN có thể tăng giá điện thường xuyên trong biên độ cho phép là 3%, sẽ gây bất ổn cho thị trường.

Cho dù thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 6 tháng nhưng ông Long cho rằng sau mỗi quý, sau khi tính toán thông số đầu vào, nếu giá điện có thể phải điều chỉnh thuộc phạm vi của EVN, vẫn cần yêu cầu EVN giải trình bằng văn bản rõ ràng.

Một cán bộ từng tham gia điều hành giá điện cho rằng trên thực tế, EVN khó lòng bất ngờ tăng giá mà không hề tham khảo ý kiến Bộ Công thương.

Tuy nhiên, với cơ chế tự chủ mạnh hơn, vẫn cần cẩn trọng và quy định cụ thể hơn. Lý do là giá điện nếu được “xé lẻ” tăng nhiều lần dù mỗi 6 tháng nhưng sẽ tác động đến tâm lý rất lớn, ảnh hưởng chung đến thị trường.

Thực tế, động lực của việc tăng giá là rất lớn, vì nó gắn liền với khả năng mở rộng đầu tư các dự án lớn. Vì vậy cần nghiên cứu để EVN được chủ động điều chỉnh giá, nhưng không phải theo cách “gây bất ngờ”, mà minh bạch để người tiêu dùng có thể theo dõi, giám sát, thậm chí tính được ở mức độ nào đó, như giá xăng dầu hiện nay.

Chi phí đầu vào tăng, nhu cầu đầu tư lớn đang tạo áp lực lên giá điện. Trong ảnh: nhân viên EVN lắp điện kế để bán điện cho người dân - Ảnh: V.Hà
Chi phí đầu vào tăng, nhu cầu đầu tư lớn đang tạo áp lực lên giá điện. Trong ảnh: nhân viên EVN lắp điện kế để bán điện cho người dân - Ảnh: V.Hà

Chiếc bẫy giá rẻ từ nhà thầu Trung Quốc

Theo Bộ Công thương, kết quả kiểm tra giá thành năm 2015, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đã lên tới 234,73 nghìn tỉ đồng. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, mỗi năm EVN cần khoảng 7 tỉ USD.

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, công nhận đầu tư vào ngành điện hiện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Gánh nặng chủ yếu vẫn đặt lên vai của EVN khi chiếm tới 70% dự án đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Ngãi, do hạn chế nguồn vốn nên trong nhiều dự án, EVN buộc phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Lý do: giá rẻ và được ứng trước vốn khoảng 80%. Hệ quả là có những dự án bị đội vốn, nâng giá và ngành điện rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Số lãi EVN hằng năm có được hiện chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng, trong khi để đáp ứng nhu cầu, cần có ít nhất 50.000-60.000 tỉ đồng. Ông Ngãi cho rằng ngành điện cũng muốn dự án hiệu quả cao, không lãng phí và tăng giá. Song do không có tiền nên bị mắc vào các dự án đầu tư của Trung Quốc, hiệu quả đầu tư hạn chế...

GS Trần Đình Long cũng đánh giá nhiều dự án xây dựng trong ngành điện vẫn lựa chọn đầu tư theo tiêu chí giá rẻ, chất lượng thấp nên phải trả giá khi dự án không đảm bảo chất lượng, kéo dài.

Chuyện này đã xảy ra từ lâu nhưng theo ông Long, chưa được giải quyết triệt để vì trong tiêu chuẩn đấu thầu và ràng buộc với nhà thầu chưa chặt chẽ, chưa nghiêm. “Do đó cần phải rà soát chặt chẽ các khâu này để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh để thu hút đầu tư” - ông Long khuyến nghị.

Sẽ còn phải tăng nữa?

Theo EVN, đến nay, so với các thông số đã tính toán kế hoạch từ đầu năm, chi phí đầu vào (như giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, chênh lệch tỉ giá) khiến tổng chi phí sản xuất kinh doanh EVN thực tế đã tăng thêm tới 7.230 tỉ đồng.

Dù đã tiết giảm 2.990 tỉ đồng, song số tiền trên, theo lãnh đạo EVN, vẫn đặt ra nhiều áp lực lớn cho tình hình tài chính, nhất là khi theo công bố mới đây, EVN đang phải chịu các chi phí tài chính cho khoản vay rất lớn (đã lên tới khoảng 9,7 tỉ USD), cùng đó là khả năng thu xếp vốn để đầu tư ngày càng thách thức.

MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên