EVN đã đề xuất tăng giá điện và chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền - Ảnh: V.HÀ
Tại hội nghị mới đây, ông Trần Đình Nhân đã kiến nghị cần áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.
Việc điều chỉnh cần thực hiện một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. Ông Nhân nói thêm:
- Việc điều chỉnh theo "cơ chế tự động" thực ra là thực hiện theo đúng quy định tại quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cơ chế tại quyết định số 24 được xây dựng đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đã được quy định tại Luật điện lực.
Người dân đóng tiền điện tại Điện lực Sài Gòn TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đã đề nghị tăng giá
* EVN đã đề xuất điều chỉnh giá điện và Bộ Công Thương đang xem xét, vậy ông có thể cho biết cụ thể việc đề xuất này?
- Giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh gần nhất từ ngày 20-3-2019 và giữ nguyên đến thời điểm hiện nay, gần bốn năm.
Trong năm 2020, 2021 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, EVN đã nỗ lực để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho đời sống nhân dân và đồng thời đã năm đợt hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số tiền 15.232 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, đặc biệt giá than nhập khẩu tăng hơn ba lần. EVN đã rà soát kỹ lưỡng các khoản chi phí, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí.
Tuy nhiên, kết quả tính toán giá điện theo quy định tại quyết định 24 cho thấy chi phí đầu vào đã tăng cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Do vậy, việc điều chỉnh giá điện (theo hướng tăng do chi phí tăng - PV) đã được EVN báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định theo đúng quy định tại quyết định 24 của Thủ tướng.
* Nhiều ý kiến rất khác nhau về đề xuất điều chỉnh giá điện giống xăng dầu của ông. Theo ý của ông, cơ chế đó cụ thể sẽ thế nào?
- Trên thực tế, chi phí mua điện chiếm tỉ trọng lớn trong giá điện của EVN. Ngay khi có sự biến động của giá than cho các nhà máy nhiệt điện than, giá dầu dùng để tính giá khí (đối với các nhà máy điện tuốc bin khí), tỉ giá ngoại tệ sử dụng để mua than nhập khẩu, mua khí... thì chi phí của các nhà máy đều bị tác động.
Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện cần thực hiện kịp thời theo sự biến động của các thông số đầu vào theo đúng quy định của quyết định 24 (hiện Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo quyết định thay thế quyết định số 24 và đang lấy ý kiến rộng rãi).
Thị trường điện tại Việt Nam hiện đang trải qua hai giai đoạn phát triển: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (một số ý kiến nói chưa có cạnh tranh - PV) và sẽ tiến tới giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Luật điện lực, nên cần có cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp hơn với từng giai đoạn.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lo không đủ tiền trả các đơn vị bán điện
* Hiện nay áp lực chi phí đầu vào hiện đang tạo gánh nặng lên EVN thế nào, sẽ tác động tới kinh doanh và tài chính ra sao?
- Từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu gồm: than, dầu, khí thế giới và trong nước, tỉ giá ngoại tệ làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, điều này dẫn tới rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Những khó khăn tập trung trước hết là sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị bán điện cho EVN, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện.
Từ đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng điện theo kế hoạch cũng sẽ rất khó và do vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.
Chưa kể, trong vài năm gần đây, chi phí sửa chữa lớn nguồn lưới điện đã phải cắt giảm từ 10 - 30% và nếu việc sửa chữa này tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành các năm tới.
Chi phí mua điện than, khí tăng gần 40.000 tỉ đồng
Theo EVN, giá than thế giới trong năm 2022 tăng gấp sáu lần so với năm 2020 và 2,6 lần so với năm 2021. Giá dầu làm cơ sở tính giá khí trong năm 2022 cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020. Ngoài ra, tỉ giá ngoại tệ đồng USD cũng tăng cao.
Vì vậy, giá mua điện của các nhà máy sử dụng nhiên liệu than, nhiên liệu khí trong năm 2022 tăng rất cao. Cụ thể, chi phí tăng do giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than tăng 34.272 tỉ đồng; nhà máy tuốc bin khí tăng 5.261 tỉ đồng.
Theo quy định tại quyết định số 24, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý 2, quý 3 và quý 4, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, EVN tính toán lại giá bán điện bình quân theo công thức.
Nếu giá bán điện thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN điều chỉnh giảm giá. ưNếu giá bán điện bình quân cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5%, EVN sẽ tăng giá bán; trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương chấp thuận và ở mức tăng trên 10% hoặc ngoài khung giá quy định, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận