11/10/2021 14:37 GMT+7

EU cấm sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Các nước thành viên EU đã nhất trí cấm việc sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm, sau khi EFSA nghi ngờ về tính an toàn của chất vốn được sử rộng rãi này.

EU cấm sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm - Ảnh 1.

E171 vẫn được phát hiện thấy trong một số loại kẹo chewing gum, đồ ngọt và đồ trang trí bánh tại châu Âu. Ảnh: news.psu.edu

Ngày 8/10, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm việc sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm, sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) nghi ngờ về tính an toàn của chất vốn được sử rộng rãi này.

E171 có chứa các hạt nano titanium dioxide và thường được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, bao gồm cả thuốc và mỹ phẩm. Lệnh cấm của EU liên quan đến việc sử dụng E171 làm chất phụ gia trong thực phẩm, trong đó E171 chủ yếu được dùng để làm trắng và tạo độ sáng trong đồ ngọt, kẹo cao su, nước sốt màu trắng và bột đường làm bánh.

Tháng 5 vừa qua, EFSA - có trụ sở tại Italy - đã phát hiện ra rằng các hạt nano có nguy cơ tổn thương ADN của con người và không thể đưa ra tiêu chuẩn an toàn đối với mức tiêu thụ hằng ngày của các hạt nano này.

Chính phủ Pháp đã đình chỉ việc sử dụng E171 trong thực phẩm vào năm 2020, sau khi các kết quả thí nghiệm cho thấy titanium dioxide có thể gây ra tổn thương tiền ung thư ở chuột.

Bà Camille Perrin - đại diện của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) - cho biết: 'Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, E171 gần như đã không còn tồn tại trong thành phần của các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, chất này vẫn được phát hiện thấy trong một số loại kẹo cao su, đồ ngọt và đồ trang trí bánh'.

Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ nếu đến cuối năm nay, không có bất kỳ quốc gia thành viên EU hoặc Nghị viện châu Âu (EP) phản đối, lệnh cấm sử dụng chất phụ gia E171 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022. Mặc dù vậy, lệnh cấm không có hiệu lực với ngành công nghiệp dược phẩm - cũng sử dụng E171 trong sản xuất thuốc - nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt các sản phẩm y tế.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên