23/04/2004 07:15 GMT+7

Erwin Borchers - người chiến sĩ Điện Biên của Hồ Chí Minh

(Theo tạp chí Xưa Và Nay)
(Theo tạp chí Xưa Và Nay)

TT - “Chiến Sĩ” là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho ông. Cùng với Hồ Chí Long (Walter Ullrich), Hồ Chí Thọ (Georges Wachter), Lê Đức Nhân (Rudolf Schroeder), Nguyễn Dân (Ernst Frey), họ đã góp công lao trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

6PXmyHC8.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Chiến Sĩ ở phòng địch vận (ảnh của tạp chí Xưa và Nay)

Hiếm có ai biết được rằng trong trận chiến ở Điện Biên Phủ ở cả hai phía đã có rất nhiều người Đức cầm súng chiến đấu. Trong số đó nổi bật lên "trung tá Chiến Sĩ". Cái tên Chiến Sĩ của ông là do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, còn tên thật của ông là Erwin Borchers. Tuần báo Thời đại của Đức số 11-2004 đã có bài viết về ông và những binh lính Đức tại Điện Biên Phủ. Tuổi Trẻ trích giới thiệu.

Chiến Sĩ - Erwin Borchers

Tháng 1-1954, vào một buổi sáng sớm, trung tá Chiến Sĩ thuộc Quân đội nhân dân VN một lần nữa hôn đứa con gái nhỏ của mình thật lâu trước khi rời khỏi hầm trú ẩn. Chiến Sĩ thừa nhận với vợ mình rằng lần ra đi này ông sợ sẽ không trở về. Vì thế, từ bây giờ trở đi, đứa con nhỏ của ông sẽ mang một cái tên để nó có thể luôn nhớ tới cha mình: Việt Đức. Chiến Sĩ tên thật là Erwin Borchers, sinh năm 1906 ở Strasburg, là con trai của một sĩ quan Phổ và con gái một chủ trang trại trồng nho vùng Elsaess. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cho ông cái tên Chiến Sĩ khi trao cho ông một huân chương ghi nhận công lao của ông đối với phong trào giải phóng VN.

Những người lính lê dương trong hàng ngũ Việt Minh thuộc khá nhiều dân tộc, trong đó có Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư, Hi Lạp, Áo... nhưng nhiều nhất là người Đức. Trong số này, Walter Ullrich lấy tên là Hồ Chí Long, Georges Wachter là kỹ sư được đưa vào quân giới trở thành Hồ Chí Thọ, Shroeder lấy tên là Lê Đức Nhân làm ở Đài Tiếng nói VN, Frey trở thành Nguyễn Dân phụ trách huấn luyện quân sự.

Trên những kilômet đường đầu tiên tiến về miền Tây Bắc cùng với các lực lượng Việt Minh, chiếc ôtô vận tải chở Erwin Borchers cũng đã đụng mìn và hoàn toàn cháy rụi. Hiếm có khi nào Erwin Borchers lại cận kề cái chết đến như vậy. Tuy ông được gọi là Chiến Sĩ, nhưng vũ khí của ông trước hết lại là máy chữ và những tờ báo được in ra.

Dáng người nhỏ bé, thoạt nhìn có vẻ thô cứng, nhưng Erwin Borchers lại có một trí óc sắc sảo và một tầm hiểu biết "bách khoa toàn thư". Một nhà trí thức, một tín đồ Tin lành mộ đạo và một người xã hội dân chủ chân chính, tin vào chủ nghĩa của mình, đã từng học văn học và ngôn ngữ Đức, văn học và ngôn ngữ Romania ở Đức và Pháp. Trong hàng ngũ Việt Minh, ông phụ trách công tác tuyên truyền và đặc biệt quan tâm tới quan điểm đúng đắn của các tù binh nói chung và các hàng binh Đức nói riêng.

Từ trường đại học đến chiến trường Đông Nam Á

Là người lúc nào cũng "đam mê chính trị", hàng sinh viên người Elsaess đồng thời là nhà xã hội dân chủ Erwin Borchers đã gia nhập một nhóm chống đối ở Frankfurt, sau khi Hitler lên nắm quyền. Borchers đã in và rải truyền đơn cho nhóm này. Chỉ thiếu chút nữa anh đã sa vào tay bọn mật thám Đức quốc xã. Sau đó anh trốn sang Pháp và muốn phục vụ trong quân đội Pháp để chiến đấu chống Hitler. Tuy nhiên, nguyện vọng này của Borchers không được chấp nhận vì mẹ anh "đã phản bội nước Pháp" khi kết hôn với một người đàn ông Đức.

sR2CS5j7.jpgPhóng to
Những người bạn kháng chiến Đức với các đồng chí lãnh đạo VN ở Việt Bắc. Từ trái sang: Dương Bạch Mai, Frey (Nguyễn Dân), Trường Chinh, Lê Văn Lương, Wachter (Hồ Chí Thọ), Schroder (Lê Đức Nhân) - Ảnh của tạp chí Xưa Và Nay
Thay vì điều đó, khi chiến tranh bắt đầu, người ta tống anh vào một trại giam giống như những thanh niên Đức và Áo khác (lúc đầu chiến tranh chưa lan sang Pháp). Người ta coi Erwin Borchers là một điệp viên tiềm tàng. Người Pháp đã làm cho Borchers và các tù nhân khác hiểu rõ rằng việc gia nhập đội quân lính đánh thuê là con đường duy nhất để không phải ngồi sau hàng rào dây thép gai cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Ngày 16-9-1939, Erwin Borchers trở thành lính đánh thuê. Tại Algeria, anh gặp nơi Rudolf Schroeder - sinh viên khoa xã hội học trốn sang Pháp năm 1933 do bị tố giác sau khi trao cho giáo sư người Do Thái của mình một bó hoa.

Sau đó, Borchers và Schroeder lên đường sang Đông Dương. Ở Việt Trì, họ kết bạn với đảng viên cộng sản người Do Thái Ernst Frey, một người đến từ thủ đô Vienne của Áo và cũng đã chạy trốn sang Pháp vì sự truy bức của bọn quốc xã.

Cả ba người bạn đều ghê sợ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của nhiều sĩ quan cấp trên, và nhìn chung họ ghê sợ cả phong cách chính trị - quân sự của đội quân đánh thuê. Họ thành lập một nhóm cộng sản và bí mật liên lạc với Việt Minh. Khi biết rõ việc Pháp có kế hoạch tái thực dân hóa VN, ba người đã quyết định chạy sang hàng ngũ bên kia.

Theo Thời đại, vào năm 1954 đã có khoảng 10.000 lính đánh thuê Đức tham chiến ở Đông Dương, phần lớn là những binh lính quân đội Đức trước kia, không việc làm, không trình độ. Tính đến năm 1953, đã có 5.000 lính Đức thiệt mạng. Hàng trăm người Đức trẻ tuổi đã chạy sang hàng ngũ bên kia một số tự nguyện (một phần cũng do sự tuyên truyền của Erwin Borchers); một số vì muốn tránh số phận nghiệt ngã của tù binh chiến tranh.
Ernst Frey, người từng được đào tạo mọi mặt trong chiến thuật chiến tranh, đã được thăng tới cấp trung tá và trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của tướng Giáp. Trong suốt nhiều năm, ông là người duy nhất luôn được liên lạc với "đại tướng". Hai nhà trí thức Borchers và Schroeder nhận những nhiệm vụ hàng đầu trong việc tuyên truyền, chẳng hạn họ đã cho ra đời bản tiếng Pháp từ tờ báo đầu tiên của Việt Minh.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của "những người VN mới" - như người ta thường gọi các hàng binh - đã giảm mạnh khi những người Trung Quốc đến VN. Rốt cuộc, Frey và Schroeder đã nhụt chí và rời VN, đi về hướng châu Âu. Erwin Borchers ở lại, lấy vợ và trở thành cha - hình như là của bảy đứa trẻ. Ông đã tích cực tham gia khi lực lượng Việt Minh phát triển từ một nhóm nhỏ du kích quân thành một quân đội hùng mạnh, có khả năng chiến đấu và dần dần đẩy quân Pháp ra khỏi những vị trí cuối cùng ở miền Bắc VN. Cuối tháng 2-1954, Erwin Borchers cũng đến lòng chảo Điện Biên Phủ cùng đội tuyên truyền của ông. Giữa hai đợt tấn công, họ dùng loa phóng thanh kêu gọi các lính đánh thuê cũng như các đơn vị lính Bắc Phi hạ vũ khí...

Ngày 7-5-1954, căn hầm chỉ huy cuối cùng của quân Pháp đầu hàng.

Đối với Erwin Borchers, việc dẫn trên 10.000 tù binh về phía Việt Minh là nhiệm vụ quân sự cuối cùng. Ông nhận một vị trí trong Bộ Tuyên truyền và sau này làm việc cho Hãng thông tấn ADN của CHDC Đức cũ tại Hà Nội. Năm 1965, Erwin Borchers cùng gia đình chuyển sang Đông Berlin.

(Theo tạp chí Xưa Và Nay)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên