Thời gian gần đây, nhiều ý kiến bàn về chương trình giáo dục phổ thông mới. Là giáo viên hơn 15 năm dạy môn giáo dục công dân bậc THCS, tôi xin có vài điều chia sẻ từ thực tế giảng dạy của mình.
Tiết dạy được trường đánh giá tốt
Môn giáo dục công dân lớp 9 có bài 8 về năng động sáng tạo. Tôi đã lên tiết thao giảng cấp trường bài này và có ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn dự giờ.
Trên tinh thần theo sự đổi mới "lấy học sinh làm trung tâm", tôi thiết kế bài giảng khá công phu và phân công học sinh làm việc nhóm với sự chuẩn bị chu đáo của cả thầy và trò.
Các nhóm chuẩn bị trước những câu chuyện đặc sắc có hình ảnh minh họa, video clip về sự "năng động sáng tạo" trong các lĩnh vực khác nhau.
Nhóm 1: Câu chuyện về "Mắt kính thần" của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải giúp người khiếm thị giảm bớt sự nguy hiểm khi lưu thông trên đường phố.
Nhóm 2: Cây hai trong một, phần gốc là củ khoai tây, phần ngọn là trái cà chua của kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã. Nhóm 3: Nghệ thuật sáng tạo tranh thêu hai mặt XQ. Nhóm 4: Nghệ thuật sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Đại diện các nhóm trình bày trôi chảy, học sinh bên dưới chăm chú lắng nghe và sau đó góp ý. Thầy giáo nhận xét, chốt lại nội dung bài học từ khái niệm, ý nghĩa, sự năng động sáng tạo...
Tiếng vỗ tay của học sinh giòn giã vang lên mỗi khi các nhóm thuyết trình xong. Thi thoảng tôi nhìn thấy cái gật đầu, mỉm cười của thầy cô dự giờ.
Sau tiết dự giờ, ban giám hiệu, giáo viên của tổ cùng họp nhận xét góp ý. Tôi được đánh giá tiết dạy tốt với ưu điểm thầy trò có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ, học sinh làm việc nhóm tốt, phát huy tính tích cực của các em.
Sự mệt mỏi vất vả trong tôi dường như vơi dần khi nhận được sự nhận xét đánh giá đó.
Ngạc nhiên với chia sẻ của học sinh
Tuy nhiên chiều hôm đó, khi ra về thì một học sinh nam của lớp chạy đến gặp tôi và nói: "Dạ thưa thầy, em không thích lắm bài giảng của thầy chiều hôm nay" - "Sao vậy em?" - "Dạ, vì các bạn lên thuyết trình kể chuyện nghe không thấm như thầy giảng".
Trước lời nói của học sinh, tôi khựng lại. Cảm giác đột ngột chới với trái ngược cảm xúc vui vẻ với sự đánh giá tốt về tiết dạy vừa rồi.
Sau đó, tôi tìm gặp một vài học sinh của lớp dự giờ để hỏi. Ngạc nhiên là sự chia sẻ của các em đều giống như bạn học sinh nam rằng "tụi em thích nghe thầy giảng hơn".
Tôi nhận thêm bất ngờ kế tiếp khi học sinh trực tiếp lên thuyết trình tâm sự: "Khi nhóm em được giao tìm tư liệu thuyết trình là đã biết trước câu chuyện đó rồi, đâu còn sự hấp dẫn như khi được nghe thầy kể". Thầy và trò nhìn nhau...
Trong tôi lúc này có sự suy nghĩ lấy học sinh làm trung tâm có phải là giao các em làm việc nhiều hay không? Tiết dạy được đánh giá tốt có thật sự là hiệu quả đối với học sinh chưa? Hay là mình hiểu chưa đúng, cần phải thay đổi lại?
Không có phương pháp nào là vạn năng, lấy học sinh làm trung tâm là giáo viên cần phải làm những gì tốt nhất, hiệu quả nhất cho chính những học sinh "trung tâm" của mình.
Thay đổi từ góp ý của trò
Tôi đã thay đổi từ sự góp ý của học sinh. Với đặc thù môn học giáo dục công dân, đặc điểm riêng của từng bài và sở trường của bản thân: thầy giảng trò nghe, kể chuyện có hình ảnh thực tế minh họa sát với nội dung bài học, kết hợp âm thanh ánh sáng nhạc nền, đan xen là những câu hỏi gợi mở nếu học sinh trả lời đúng sẽ được điểm cộng.
Câu hỏi khó thì thảo luận cặp đôi cặp ba, sau ba phút có câu trả lời liền "sai thì thôi đúng 10 điểm". Kết thúc tiết học, học sinh hỏi: Sao nhanh hết giờ quá thầy ơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận