Vụ cháu bé 3 tuổi bị bố đẻ đốt: khởi tố vụ án, khởi tố bị canCấp cứu bệnh nhi bỏng xăng do bố đẻ đốtCháu bé bị bố đẻ đốt đã qua cơn nguy kịchChuyển cháu Linh ra Viện Bỏng quốc gia
Bé Vũ Quốc Linh nhập viện vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa ngày 27-4 trong tình trạng bị bỏng xăng rất nặng, nguy kịch tính mạng. Sau khi điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa gần một tháng, theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện đã chuyển bé Linh ra Bệnh viện Nhi trung ương, rồi Viện Bỏng quốc gia để tiếp tục điều trị. Bé Linh trở về gia đình hồi tháng 8-2011. Thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, ngoài những chi phí bảo hiểm xã hội chi trả, bệnh viện không thu bất cứ khoản tiền nào của gia đình bé.
Cuối tháng 10-2011, nhân đợt Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phối hợp với Tổ chức Children Action (Thụy Sĩ) phẫu thuật miễn phí phục hồi vận động và điều trị di chứng, phẫu thuật thẩm mỹ vết sẹo bỏng cho các bệnh nhi, bé Linh đã được các chuyên gia phẫu thuật phục hồi vận động lần đầu. Trước lần phẫu thuật này, mắt bé Linh không nhắm được do các cơ mắt bị cứng, không kéo xuống được khi ngủ. 10 ngón tay của bé Linh bị mất nhiều đốt do cháy đen. Sau thời gian phẫu thuật, đến nay mắt bé Linh đã nhắm được khi ngủ. Đôi bàn tay của bé (còn tám đốt) đã được tách các ngón, các bác sĩ đang điều trị để bé có thể cầm nắm đồ vật.
Thời gian tới bệnh viện tiếp tục phối hợp với Tổ chức Children Action (Thụy Sĩ) để phẫu thuật phục hồi chức năng vận động miệng, bàn tay, các bộ phận quan trọng trên cơ thể bé Linh. Bên cạnh sự hỗ trợ của bệnh viện, người thân của bé Linh cũng phải tập vận động cho bé hằng ngày như: dẫn dắt bé đi lại, cho bé tập cầm nắm, vận động, xoa nhẹ các vùng da bị bỏng...
Song song quá trình phẫu thuật phục hồi chức năng vận động, bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ vết sẹo bỏng cho bé Linh, vì tại bệnh viện có đủ điều kiện ghép da tự thân hoặc lấy da của mẹ ghép cho bé. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật phục hồi chức năng vận động và phẫu thuật thẩm mỹ vết sẹo bỏng cho bé Linh cần mất nhiều năm, chi phí chưa thể nói trước.
Trong khi đó chị Lê Thị Hà - mẹ bé Linh - vui mừng cho biết: “Quá trình vận động của Linh tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, môi của bé chưa mím - mở được như bình thường, hai tay chưa thể vận động. Do gia đình nội, ngoại bé Linh đều rất khó khăn nên tôi chưa có điều kiện đưa con đi phẫu thuật ở xa. Hiện nay và trong thời gian tới, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, gia đình sẽ tiếp tục đưa bé đến bệnh viện này để phẫu thuật với mong muốn bé sớm hòa nhập cùng bạn bè đồng lứa và được đến trường”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thiết Sơn (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết gia đình có thể tiếp tục cho bé Linh đến khám tại các khoa phẫu thuật tạo hình. Ngoài Viện Bỏng quốc gia, có thể đến Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Xanh Pôn... Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức, tại bệnh viện này từng có những bệnh nhân bị bỏng điện cao thế mất nhiều bộ phận cơ thể được ghép da điều trị. Điều kiện để có thể ghép da tốt nhất là tìm được một vạt da lành và nhân cho sinh sôi lên. Nếu phần da nhân lên được nhiều, có thể ghép cho nhiều bộ phận bị sẹo xấu sau bỏng. Trường hợp da nhân được không nhiều, có thể dành ghép cho phần mặt của cháu bé. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận