28/08/2015 09:18 GMT+7

E dè đi khám tiền kết hôn

DIỆU NGUYỄN, DIEUNGUYEN@TUOITRE.COM.VN
DIỆU NGUYỄN, DIEUNGUYEN@TUOITRE.COM.VN

TT - Anh H. khi khám tiền hôn nhân phát hiện mình không có khả năng làm cha. Kết quả này khiến anh rất bất ngờ vì từ xưa đến nay anh rất tự hào về vóc dáng cao to của mình.

Minh họa Lap
Minh họa Lap

Nhiều người ngại khám tiền hôn nhân bởi có tâm thế sẽ đón nhận kết quả mắc phải một vấn đề nào đó. Đối với những cặp đôi thấy được sự cần thiết của việc khám sức khỏe, họ thường đến trong tâm thế vui vẻ và đi “có đôi có cặp”.

Một số khác âm thầm kiểm tra “phần của mình”, sau đó về báo cáo kết quả cho nửa còn lại. Cũng có một số anh chàng khám vì nhà vợ yêu cầu “xuất trình giấy chứng nhận đạt chuẩn làm chồng” trước khi kết hôn.

1.001 lý do không khám

Còn năm tháng nữa đến ngày hai gia đình đã chọn sẵn cho lễ cưới. Tuy nhiên, mẹ chồng tương lai hối thúc Th. cùng người yêu đi khám tiền hôn nhân. Hiểu tâm lý tiến bộ hiếm có của người lớn, lo cho con cháu, nhưng cả Th. và người yêu vẫn thấy không yên, sợ một trong hai bị trục trặc gì thì biết ăn nói thế nào với mẹ!

Sau nhiều lần bàn bạc, cả hai quyết định vẫn có giấy kết quả đem về cho mẹ, nhưng nếu điều xấu nhất xảy ra thì hai đứa sẽ “ém” mà đến với nhau trước rồi tính tiếp.

Và có những trường hợp đau lòng do quan hệ trước hôn nhân, từng phá thai... nên các bạn nữ rất sợ bị bắt phải khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Chị X. tâm sự mình từng quan hệ trước hôn nhân và đã một lần phá thai. Đến với người thứ hai, chị cũng rất “giữ gìn” nhưng chưa bao giờ dám nói sự thật về mối tình trước đó. Khi lên kế hoạch cưới, cả hai đi khám sức khỏe là một trong những điều chồng liệt kê.

“Nhìn thấy điều đó mình bỗng dợn sống lưng, không biết phải từ chối như thế nào. Nếu mọi chuyện vỡ lở, liệu anh sẽ còn muốn cưới nữa hay không?” - chị nói trong nước mắt.

Có người yêu đã ba năm nhưng chưa một lần anh Th. “gần gũi” quá giới hạn vì muốn đến ngày cưới được trọn vẹn. Nhưng những lần đi chơi với bạn bè, hết tăng 2 rồi tăng 3, vài lần anh có “quan hệ” với gái mại dâm. Trong những lần không chuẩn bị sẵn bao cao su đó, anh mắc bệnh sùi mào gà. Đang trong thời gian điều trị nên khi người yêu giục đi khám tiền hôn nhân khiến anh lo sợ.

Tỉnh táo hay mù mờ đưa chân?

Khác với lo ngại ban đầu của anh H., người vợ tương lai hết lòng động viên anh điều trị. Ngày hôn lễ vẫn được tiến hành và sau ngày cưới chỉ một năm, vợ chồng anh đã có con.

“Nhờ khám tiền hôn nhân mà tôi biết được vấn đề sức khỏe sinh sản của mình, nếu không thì có thể vợ chồng chưa sớm có được niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ. Điều đáng quý hơn, qua sự việc này tôi hiểu tình yêu vô bờ của người vợ tương lai. Nhờ vậy tôi càng trân trọng niềm hạnh phúc mà mình đang có” - anh H. chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, cho biết khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện sớm, phòng ngừa một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh di truyền, bệnh mãn tính. Tuy nhiên, một thực tế là việc khám tiền hôn nhân vẫn còn xa lạ đối với nhiều bạn trẻ.

Một suy nghĩ chung của các bạn là ngại ngần khi mở lời với “đối tác” đề nghị đi khám vì họ cho rằng đây là vấn đề tế nhị, hoặc biểu hiện của sự không tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, nhiều cặp đôi không lên kế hoạch trước, nên khi gần đến ngày cưới thì tập trung cho hôn lễ mà bỏ qua việc khám sức khỏe.

Bác sĩ Phước kể: “Trong quá trình thăm khám, tôi từng giải đáp những vấn đề tưởng chừng “chuyện nhỏ” nhưng không phải người nào cũng biết hoặc quan tâm.

Ví dụ: giữ vệ sinh vùng sinh dục như thế nào (có người không biết tuột bao quy đầu để rửa bên trong, dùng nước rửa phụ khoa không đúng), có bất thường nào ở cơ quan sinh dục không (có người không biết hẹp bao quy đầu, tinh hoàn ẩn), khi còn là thanh niên thủ dâm thì có gây hại gì về sau?”.

Cũng có nhiều bạn trẻ không đi khám tiền hôn nhân vì cho rằng đã quan hệ rồi thì “chẳng còn gì để mất”, nhưng theo bác sĩ Phước điều này hoàn toàn sai. Bởi khám tiền hôn nhân không chỉ giúp phòng ngừa mà còn giúp phát hiện và điều trị kịp thời một số bệnh thường gặp. Ngoài ra, đây là cơ hội trao đổi với chuyên gia về các vấn đề thiết thân trong chuyện vợ chồng mà trước đây cặp đôi chưa từng trải qua hoặc không quan tâm.

Như trường hợp anh K. nghĩ rằng đã đính hôn sáu tháng nên cả hai tiến tới quan hệ với nhau trước kế hoạch khám tiền hôn nhân định sẵn. Tuy nhiên, cả hai đều thấy đau trong những lần gần gũi đầu tiên.

Anh cho rằng chị không sẵn sàng “đón nhận” anh, nhưng chị khẳng định đã hoàn toàn thoải mái tâm lý nên cả hai rất băn khoăn. Khi khám tiền hôn nhân phát hiện anh bị cong dương vật. Sau phẫu thuật chỉnh thẳng, anh chị không còn khó chịu những lúc gần gũi.

Bác sĩ Phước chia sẻ sức khỏe bao gồm cả về thể chất và tinh thần. Để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc, các cặp đôi cần chuẩn bị tốt để sẵn sàng bước vào đời sống vợ chồng khỏe mạnh. Hơn nữa, khám tiền hôn nhân không chỉ giúp các bạn trẻ kiểm tra tình trạng sức khỏe mà còn giải tỏa những băn khoăn thầm kín.

Khám tiền hôn nhân giúp xây dựng một kế hoạch chăm sóc sức khỏe lâu dài cho những người chủ tương lai của gia đình, bác sĩ sẽ tư vấn các bước tiếp theo như chủng ngừa viêm gan siêu vi B, sởi, quai bị, rubella, HPV...

Khám gì? Mất bao lâu?

Trong khám sức khỏe tiền hôn nhân, những cặp đôi có thể khám chuyên khoa sâu về nam khoa, phụ khoa... hoặc đến khám và tư vấn tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thông thường chỉ cần mất khoảng một buổi để khám và làm các xét nghiệm (sinh hóa máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, X-quang ngực, đo điện tim, siêu âm bụng, các xét nghiệm miễn dịch cần thiết (viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, giang mai, HIV...), nội tiết tố sinh dục, tinh dịch đồ ở nam, siêu âm vú ở nữ...).

DIỆU NGUYỄN, DIEUNGUYEN@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên