Nhiều khách mua vé máy bay cho biết số tiền mua một vé máy bay khứ hồi ngang ngửa với giá một... chỉ vàng. Trong đó, nhiều chặng bay được thông báo... "hết vé phổ thông", chỉ còn vé hạng thương gia với giá cao ngất ngưởng. Do vậy, nhiều người lao động đang phải tính toán, tìm cách về quê sao cho tiết kiệm nhất.
Nhiều đường bay "hết vé phổ thông"
Với bảy ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2024, từ ngày 8-2 đến hết ngày 14-2 (nhằm 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết), chị Mỹ Huệ (30 tuổi, quê Quảng Nam) lên kế hoạch mua vé máy bay khá sớm với hi vọng có được giá mềm như mọi năm.
Thế nhưng sau khi khảo sát giá vé máy bay chặng khứ hồi TP.HCM - Chu Lai, với giá vé lên đến 6,2 triệu đồng/người, chị Huệ cho biết đang tính toán lại kế hoạch, có thể chọn đi xe đò hoặc không về quê mà ở lại ăn Tết tại TP.HCM.
Theo chị Huệ, năm nay công ty làm ăn khó khăn, thu nhập giảm mạnh nên việc chi vài triệu đồng cho vé máy bay, chưa kể tiền mua sắm Tết cho gia đình, đã quá tầm với của chị. "Mua một vé máy bay khứ hồi chặng TP.HCM - Chu Lai đã "bay ngay" một chỉ vàng. Đi cả gia đình ba vé khứ hồi, số tiền quá cao, chắc Tết này không về quê nữa", chị Huệ phân vân.
Theo ghi nhận, giá vé máy bay Tết 2024 đang ở mức rất cao. Nhiều chặng bay đi một số địa phương đã bắt đầu có dấu hiệu khan vé phổ thông, chỉ còn vé hạng thương gia với giá quá cao so với nhiều người. Cụ thể, khảo sát trên một số website bán vé cho thấy các chặng bay từ TP.HCM về miền Trung từ 27 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng là căng thẳng nhất.
Dù các hãng đã mở bán khoảng 5,5 triệu vé máy bay nhưng nhiều đường bay đã xuất hiện hiện tượng "hết vé phổ thông". Trong đó, một số chuyến của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Thanh Hóa ngày giáp Tết hết vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia 5,9 triệu đồng, chiều ngược lại ra Tết cũng hết nhiều loại vé.
Chặng TP.HCM đi Vinh ngày 28 và 29 tháng chạp có 13 chuyến bay nhưng một nửa số chuyến chỉ còn vé thương gia, hết vé phổ thông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số chặng bay sẽ nhanh chóng cạn vé sớm như chặng bay TP.HCM - Quy Nhơn, TP.HCM - Chu Lai, TP.HCM - Huế, TP.HCM - Vinh (Nghệ An), TP.HCM - Thanh Hóa...
Riêng chặng bay TP.HCM - Nội Bài (Hà Nội), dù đông khách nhất vẫn còn nhiều chỗ. Tuy nhiên, giá vé đều tăng gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Dù các hãng bay cho biết sẽ thuê thêm tàu bay, tiếp tục tung thêm vé ra thị trường dịp Tết với dải giá vé đa dạng hơn nhưng khó có vé rẻ.
Tính toán thuê ướt máy bay
Lý giải nguyên nhân các chuyến bay dịp Tết còn ít chỗ, đại diện Vietnam Airlines cho biết do nhu cầu đi lại của người dân thường tăng cao và dồn vào những ngày cận Tết với khung giờ bay đẹp.
Riêng chuyến bay về miền Trung hết sớm do nhu cầu từ TP.HCM đi Thanh Hóa, Vinh rất cao, nhiều người mua vé ngay sau khi hãng mở bán. "Giá vé phổ thông các chặng vẫn nằm trong khung giá quy định", vị này khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngành hàng không thừa nhận chuyện đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sẽ căng thẳng hơn với giá vé máy bay, bởi số lượng máy bay giảm nhiều trong khi nhu cầu đi lại của người dân trong dịp này tăng cao. Trong thực tế, ngoài Vietnam Airlines và Vietjet duy trì ổn định số lượng máy bay, các hãng khác như Vietravel Airlines, Bamboo Airways và Pacific Airlines đều thu hẹp đội tàu.
"Có hãng với đội bay từ 11 - 30 máy bay, nay chỉ khai thác 3 tàu do chủ tàu thu hồi hoặc hết thời hạn thuê... Nguồn cung máy bay giảm, trong khi nhu cầu khách đi lại vào dịp Tết tăng cao nên giá vé khó tránh khỏi căng thẳng...", vị này nói và thừa nhận sự cạnh tranh giữa các hãng giảm dần vì số lượng máy bay phục vụ cho bay nội địa dịp Tết này bị thu hẹp.
Tuy nhiên, theo đại diện Vietravel Airlines, giá vé Tết năm nay không chỉ có sự cạnh trạnh giữa các hãng hàng không, mà còn có sự cạnh tranh giữa thị trường hàng không với đường bộ và đường sắt vì người lao động thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số hãng bay xác nhận đang có kế hoạch thuê ướt (thuê máy bay lẫn tổ bay) khoảng 3 - 10 chiếc, bổ sung vào đội bay hiện có để tăng cường bay Tết.
"Dù Tết là mùa cao điểm đi lại tại Việt Nam, nhưng lại là mùa thấp điểm của nhiều quốc gia nên việc thuê thêm máy bay cũng khả thi. Việc đàm phán thuê vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, giá thuê vẫn ở mức khá cao. Chúng tôi đang đàm phán với đối tác để có thêm tàu về Việt Nam kịp phục vụ Tết trong ngắn hạn rồi trả lại. Khi chốt được tàu, chúng tôi sẽ thông tin, mở bán thêm vé", lãnh đạo một hãng bay nói.
Sân bay muốn hãng tăng cường bay đêm
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2024 sẽ không quá căng thẳng, "kẹt trên trời, dưới đất" như các năm trước.
Theo vị này, ACV đã triển khai đồng bộ các phương án "hóa giải" lượng khách, tránh tập trung đông theo từng khung giờ bằng cách giãn giờ bay, tính toán lượng khách với năng lực phục vụ của sân bay...
Cục Hàng không Việt Nam, ACV và các hãng bay sẽ tính toán tăng khung giờ bay đêm. Phía cảng khẳng định sẽ phục vụ 24/24 giờ tại các cảng địa phương khi hãng bay tăng cường bay đêm.
"Bay đêm sẽ góp phần giảm tải rất nhiều, chưa kể giá vé cũng mềm hơn, đi lại của bà con bớt đông đúc. Chúng tôi sẵn sàng phục vụ", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận