12/02/2014 08:21 GMT+7

Đường làm mãi không xong

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TT - Đó là đường Nguyễn Sỹ Sách và đường Phạm Văn Bạch ở P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM). Hai đường này đã bắt đầu làm cách đây sáu, bảy năm nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang.

Nhiều công trình giao thông chậm trễ do vướng giải tỏa

Tud5rBba.jpgPhóng to
Công trình đường Nguyễn Sỹ Sách chưa làm xong vì vướng giải tỏa - Ảnh: N.Hà

Theo thiết kế, đường Nguyễn Sỹ Sách sẽ có một đầu thông ra đường Trường Chinh gần siêu thị Co.op Mart Thắng Lợi và đầu kia thông ra đường Phạm Văn Bạch. Dự án đường Nguyễn Sỹ Sách bắt đầu từ năm 2007 nhưng nay chưa thể nối thông hai đầu đường như thiết kế ban đầu.

Đi lại khó khăn

"Hiện UBND quận Tân Bình đã đề xuất ý kiến của người dân về việc tăng giá bồi thường cho thỏa đáng đến Hội đồng thẩm định bồi thường TP và UBND TP nhưng chưa được giải quyết"

Ông Nguyễn Tấn Tài(phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Bình)

Hiện đơn vị thi công đang làm thêm một phần đường Nguyễn Sỹ Sách vừa được người dân giao mặt bằng. Tuy nhiên, phần đường này có làm xong thì người dân đang cư trú tại đây muốn đi ra đường Phạm Văn Bạch vẫn phải theo các con hẻm ngoằn ngoèo, còn muốn ra đường Trường Chinh cũng phải đi trong hẻm hoặc vòng qua đường khác. Lý do là hai đầu của đường Nguyễn Sỹ Sách hiện nay còn vướng một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, người dân ở đường Nguyễn Sỹ Sách, cho biết mỗi lần làm nhúc nhắc từng đoạn một, chưa biết đến khi nào mới thông hai đầu đường. Theo bà Cúc, đường Nguyễn Sỹ Sách rộng gần 20m đi qua khu phố rất đẹp mà cứ như đường làng, không có lối thông ra ngoài. “Mỗi lần chỉ nhà cho người quen, tôi phải chỉ họ đi vòng vèo qua nhiều đường rất bất tiện. Nhiều nhà ở ngay mặt tiền đường, xây ba lầu nhưng vì phải đi vòng qua đường Trần Thái Tông - Phạm Văn Bạch mới ra đến đường Trường Chinh nên rất khó cho thuê. Có người thuê cũng phải lấy giá thấp vì người ta ngại đi đường vòng vèo” - bà Cúc nói.

Tương tự, việc mở rộng đường Phạm Văn Bạch (đoạn đi qua P.15, Q.Tân Bình) cũng ì ạch nhiều năm nay khiến người dân ở hai bên đường rất khổ sở. Ông Nguyễn Minh Sơn, trưởng khu phố 3, P.15 cho biết dự án đã được triển khai từ năm 2005 nhưng do dân khiếu nại về tim tuyến nên chủ đầu tư điều chỉnh kéo dài mất mấy năm. Người dân phải chịu cảnh sống chung với dự án “treo”, đường xuống cấp đầy ổ gà ổ voi, đi lại khó khăn... Giữa năm 2013, UBND quận đã niêm yết công khai phương án bồi thường nhưng hiện nhiều người dân vẫn chưa đồng ý phương án giá này.

Giá bồi thường quá thấp

Ông Nguyễn Tấn Tài, phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Bình, cho biết phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm đường Nguyễn Sỹ Sách được duyệt từ năm 2007, giá bồi thường theo quyết định 106 năm 2005 về bồi thường, hỗ trợ của UBND TP. Cách làm đường theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân bị ảnh hưởng một phần nhà, đất sẽ hiến 50% giá trị bồi thường về đất, những nhà bị giải tỏa trắng sẽ được nhận 100% giá trị bồi thường về đất. Toàn bộ dự án có 141 trường hợp bị ảnh hưởng thì có 23 hộ bị giải tỏa trắng.

Hiện nay toàn dự án đường Nguyễn Sỹ Sách còn 12 hộ chưa bàn giao mặt bằng vì chưa đồng ý giá bồi thường. Cụ thể, phía đầu đường Nguyễn Sỹ Sách giáp với đường Trường Chinh còn bảy trường hợp có nhà quay ra phía mặt tiền đường Trường Chinh. Theo phương án duyệt từ năm 2007, giá bồi thường cho các hộ này là 12 triệu đồng/m² đất ở (các hộ dân bị giải tỏa một phần sẽ nhận 50% giá trị bồi thường về đất là 6 triệu đồng/m², các hộ dân giải tỏa trắng sẽ được nhận100% giá trị bồi thường về đất là 12 triệu đồng/m² và nhận thêm 2,8 triệu đồng/m² để tự lo nơi ở mới). Tương tự, giá bồi thường cho các hộ dân của dự án đường Nguyễn Sỹ Sách có mặt tiền quay ra đường Phạm Văn Bạch là 7,5 triệu đồng/m². Nếu thời điểm này, hộ dân nào đồng ý nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhận thêm tiền lãi gửi ngân hàng từ năm 2007 đến nay. Nhưng do giá bồi thường quá thấp nên các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án. Các hộ dân ở đường Trường Chinh yêu cầu được bồi thường theo giá thị trường (trên dưới 100 triệu đồng/m²). Các hộ dân có mặt tiền quay ra đường Phạm Văn Bạch yêu cầu được bồi thường nhà, đất ngang với giá bồi thường ở dự án đường Phạm Văn Bạch là 25,8 triệu đồng/m². Theo ông Tài, dự án đường Phạm Văn Bạch cũng làm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (dân hiến 50% giá trị bồi thường đất). Vừa qua, Khu quản lý giao thông đô thị số 1, chủ đầu tư dự án đường Phạm Văn Bạch, đã chuyển 18 tỉ đồng để Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Bình bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, khoảng 40% người dân không đồng ý đóng góp phần giá trị bồi thường đất và muốn nhận bồi thường 100%.

Theo ông Tài, điều này rất khó vì một phần của dự án đã thực hiện theo phương thức trên, hàng trăm hộ dân đã đồng ý hiến một phần giá trị bồi thường đất để Nhà nước làm đường. Nếu thay đổi phương án sẽ dẫn đến chuyện so bì, khiếu nại của những hộ dân đã giao mặt bằng trước đó. Thêm một khó khăn của dự án này là hiện có hơn 60% hộ dân có đất, nhà bị ảnh hưởng trong dự án nhưng không đủ điều kiện để bồi thường (theo phương án thì chỉ được hỗ trợ). Khi lấy ý kiến xây dựng phương án, nhiều hộ dân thuộc diện này cũng thắc mắc rất nhiều. Vì vậy dự kiến việc bồi thường, hỗ trợ cho nhóm này cũng sẽ gặp khó khăn. Về thời gian bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công đường Phạm Văn Bạch, ông Tài cho biết phấn đấu đến hết năm nay mới có thể bàn giao.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên