27/08/2021 08:46 GMT+7

Đường dây nóng tổ dân phố

HOÀNG AN (TP.HCM) - LINH TRANG (Đà Nẵng)
HOÀNG AN (TP.HCM) - LINH TRANG (Đà Nẵng)

TTO - "Alô, nhà con hết gạo rồi, con muốn nhận gói quà an sinh, phải làm sao ạ", "Chú Út tổ trưởng ơi, con cần mua ít đồ ăn cho em bé". Kênh liên lạc tổ trưởng dân phố luôn bận rộn trong ngày "Ai ở đâu, ở yên đó" này.

Đường dây nóng tổ dân phố - Ảnh 1.

Cô chủ trọ Nguyễn Thị Liễu (P.Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) thăm hỏi người dân xóm trọ để miễn tiền phòng, hỗ trợ tiền điện nước tháng 8, 9 - Ảnh: HOÀNG AN

Gọi là "hotline tổ dân phố" và người trực máy ngày và đêm là những tổ trưởng, tổ phó luôn lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ các yêu cầu.

Lời mời kết bạn từ cô tổ trưởng

Tại phường 15, Q.Phú Nhuận, chị Nguyễn Đào nói từ 6h sáng 23-8, chú tổ trưởng đến nhà phát giấy đăng ký mua hàng thiết yếu. 

Chú Trần Văn Em được người dân tổ 11, ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh gọi gần gũi là chú Út tổ trưởng, sẵn sàng đi chợ giúp dân qua điện thoại. Tổ có khoảng 200 hộ dân, hộ nghèo, cận nghèo, chú đều đứng ra tự vận động, xin phường giúp đỡ.

Bạn tôi kể: sáng 23-8 bạn thức dậy với niềm vui bất ngờ. Mở máy đã thấy lời mời kết bạn Zalo của cô tổ trưởng dân phố. Bạn tạm trú ở TP Thủ Đức, đi làm suốt, chưa từng có dịp nói chuyện với cô. Hôm trước, do có đăng ký tiêm vắc xin ở phường, cô lưu số và đưa vào nhóm Zalo của tổ. 

Từ đó, tôi nhận được thông báo về việc đi chợ những ngày tới, những số điện thoại cần biết, thông tin về xét nghiệm, tình hình ca nhiễm mới trong tổ. Bà con cùng vào hỏi han thắc mắc được cô giải thích, chòm xóm thành gần gũi hơn, người ở trọ như tôi thấy thật ấm lòng vì được chăm lo đến vậy.

Bây giờ ở yên trong nhà có khó khăn gì là ới tổ trưởng ngay, phải tìm cách liên lạc với họ, nên số điện thoại của ai có thể lưu trong danh bạ máy chứ riêng số tổ trưởng thì phải thuộc lòng. Khu phố tôi là nơi sinh sống của hàng trăm chị em công nhân ở khu công nghệ cao. 

Những ngày "liệu cơm gắp mắm" này, chúng tôi may mắn có cô chủ trọ, ông tổ trưởng rành rẽ việc an dân, có quà từ nhà hảo tâm, các cô chú gửi đến phòng trọ, hộ có bà bầu, con nhỏ được cho thêm sữa.

Cách xóm trọ tôi khoảng 5 phút đi đường, có dãy trọ hai tháng nay cô chủ miễn giảm tiền phòng, còn cho thiếu tiền điện nước để người ở lại thấy yên tâm mà chống dịch.

Cô Nguyễn Thị Liễu là chủ trọ, cũng là bí thư khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, kể với tôi: "Bà con đa số là người lao động, không thuộc đối tượng nhận tiền trợ cấp, tui cố giải thích để giải tỏa tâm tư cho họ và tìm những nguồn hỗ trợ khác từ nhà hảo tâm. 

Rồi khu phố kích hoạt điểm an sinh, người dân gặp khó cứ gọi lên tổ trưởng hoặc liên lạc qua đường dây nóng 1022 sẽ được xác minh và nhận quà". Rất nhiều cô chú tổ trưởng, chủ trọ khác vẫn đang tìm cách san sẻ, đồng hành cùng người dân khó khăn. Những kết nối mới kịp thời giúp bà con an tâm hơn trong những ngày này.

Và xóm trọ an tâm vơi đi lo lắng, những khu nhà trong vùng phong tỏa an yên hơn nhờ sự tận tụy chăm lo của các cô chú tổ trưởng dân phố, những chủ nhà trọ hảo tâm. Chính họ đã nối một vòng tay tương trợ cộng đồng trong những ngày quá nhiều lo lắng này.

Đường dây nóng tổ dân phố - Ảnh 2.

Bác tổ trưởng Lê Năm ra chợ mua đồ cho bà con trong những ngày cách ly - Ảnh: L.TRANG

Và chúng tôi đã an tâm "ở yên"

Những ngày ở trong nhà vì dịch, hình ảnh tổ trưởng tổ dân phố đứng ra lo liệu mọi việc cho bà con khu phố khiến nhiều người dân tại TP Đà Nẵng rưng rưng xúc động. Những vị "công chức" đặc biệt thường ngày vốn chẳng mấy bà con để ý, nay lại thành chỗ dựa để người dân trao gửi.

Một buổi sáng, chúng tôi đang ngái ngủ đã nghe tiếng chuông dồn dập ngoài cửa. "Nhà số 6 đâu ra nhận "tiêu chuẩn" đi nào!". Tôi mở cổng đã thấy ông tổ trưởng quần áo chỉn chu lấy túi rau từ chiếc giỏ nhựa đặt sau xe để trước cửa nhà. 

Chiếc xe máy chuyển bánh qua cửa nhà bên cạnh. Những túi rau củ được đặt trước từng nhà, khi ông tổ trưởng quay về nhà mình đã hơn 9h sáng. Nhìn dáng ông gầy gò, bà con trong khu phố ai cũng thương.

Cả khu phố gần 300 gia đình vắng lặng cả tuần qua, bà con thấy vẫn là ông tổ trưởng nai nịt gọn gàng, lúc giữa trưa nắng đi mua thuốc cho bà con, khi đứng ngoài chốt để trực kiểm soát người ra vào. Trên nhóm Zalo, những đơn hàng đi chợ của bà con được liệt kê tới tấp, tổ trưởng vẫn kiên nhẫn lắng nghe, tiếp nhận và đi chợ để có thể mua được nhiều nhất cho bà con an lòng.

Thành phố gồng mình trong dịch, dân không được ra đường nên cầu nối duy nhất bà con chỉ biết nhờ vả qua tổ trưởng tổ dân phố. Bình thường một ngày một người đi chợ cho cả nhà đã đủ mệt, nay một mình tổ trưởng lo cho cả trăm người. 

Tôi lên mạng và thấy người dân Đà Nẵng có rất nhiều bài viết bày tỏ sự cảm mến, xúc động và biết ơn các vị tổ trưởng. Họ là những người của bà con, lo liệu công việc thiết yếu những lúc dịch diễn biến căng thẳng.

Đã hơn một tuần "ở yên" của người Đà Nẵng, tổ trưởng của chúng tôi vẫn tới từng nhà mỗi sáng. Nhiều người trong xóm gửi lời cảm ơn. Một người quen của tổ trưởng nói rằng ông mới ngã bệnh dậy, vậy mà dịch đến ông vẫn nén đau để lo cho bà con. 

Những suất quà khi về tới nơi ông ngồi tỉ mẩn cắt lát, chia đều ra rồi thông báo cho từng nhà tới nhận. Có người muốn nhường lại cho người khác, ông tự tay gói ghém rồi chở trên xe máy đặt trước cổng từng ngôi nhà.

Chưa thể kết thúc giãn cách trong nay mai, nhưng sự tận tụy và hết lòng vì bà con của ông tổ trưởng giúp chúng tôi an tâm đợi ngày thành phố mở cửa trở lại. Xin cảm ơn ông, ông Lê Năm - tổ trưởng tổ 29, Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu của chúng tôi.

Tổ trưởng ơi... Tổ trưởng ơi...

TTO - Những ngày trong vùng cách ly cứng, tổ trưởng dân phố là một người đầy 'sống động và bao cấp' khi đứng ra lo chợ búa, cơm nước, ốm đau... cho nhiều người, kể cả phải nghe than phiền, trách mắng.

HOÀNG AN (TP.HCM) - LINH TRANG (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên