03/10/2006 07:59 GMT+7

Đường chờ lún do các bộ?

NGỌC ẨN thực hiện
NGỌC ẨN thực hiện

TT - Tại miền Nam có nhiều công trình cầu đường mới xây dựng được đặt tên “đường chờ lún”, một cái tên bất bình thường. Thế nhưng các cơ quan hữu quan vẫn chưa đưa ra những giải pháp xử lý triệt để. TS Phạm Văn Long (ảnh) - giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vina Mekong - cho biết:

HM56LilA.jpgPhóng to
TT - Tại miền Nam có nhiều công trình cầu đường mới xây dựng được đặt tên “đường chờ lún”, một cái tên bất bình thường. Thế nhưng các cơ quan hữu quan vẫn chưa đưa ra những giải pháp xử lý triệt để. TS Phạm Văn Long (ảnh) - giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vina Mekong - cho biết:

- Tồn tại lớn nhất của các công trình xây dựng trên nền đất yếu ở nước ta hiện nay là không khống chế được độ lún kéo dài sau khi thi công, đặc biệt là ở đoạn tiếp giáp giữa đường đắp trên nền đất yếu và công trình bêtông (mố cầu, cống) đặt trên nền cọc (như đã xảy ra ở các công trình đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở phía Bắc, kho cảng Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Văn Thánh 2 ở TP.HCM) và nhiều công trình khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy nhiều công trình sau khi xây dựng phải đặt tên “đường chờ lún”.

Theo tôi, một trong các nguyên nhân dẫn đến tồn tại nêu trên là các tiêu chuẩn hiện hành (do Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải ban hành) về khảo sát, thiết kế và thi công công trình trên nền đất yếu chưa hoàn chỉnh.

* Cơ sở nào để nói rằng tiêu chuẩn do các bộ ban hành chưa hoàn chỉnh?

- Đã có nhiều năm nghiên cứu và thiết kế công trình trên nền đất yếu nên tôi nghiên cứu rất kỹ các tiêu chuẩn khảo sát thiết kế nền đất yếu hiện hành. Trong các tiêu chuẩn đó có nhiều điểm chưa thống nhất, chưa rõ ràng, chưa hợp lý và còn những sai sót trong thuật ngữ, tiêu chuẩn thí nghiệm, công thức tính toán và yêu cầu thiết kế.

Chẳng hạn, trong qui định về độ lún yêu cầu cần đạt được của nền đường trước khi dỡ tải là 90% của độ lún cố kết sơ cấp dự tính và không xét đến độ lún cố kết thứ cấp. Điều này sẽ dẫn đến độ lún dư sau khi thi công rất lớn, có thể lớn hơn 50cm trong những công trình có nền đất yếu dày hơn 20m như thường gặp ở TP.HCM và ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đây có thể là một trong những điểm chính dẫn đến độ lún dư quá lớn sau khi xây dựng công trình ở các đoạn đường vào cầu hiện tại...

Về khảo sát địa chất làm cơ sở cho thiết kế xử lý nền, do nền đất yếu có độ rỗng rất lớn, trong đất thường chỉ chứa khoảng 1/3 là cốt đất, còn lại là nước. Do vậy, cần phải có một qui trình khảo sát chặt chẽ và thiết bị thí nghiệm phù hợp.

Tuy nhiên, những yêu cầu này cũng chưa được qui định đầy đủ trong các tiêu chuẩn khảo sát và thí nghiệm hiện hành. Ngay cả một thí nghiệm rất cơ bản và rất cần thiết cho thiết kế nền đất yếu như thí nghiệm nén cố kết cũng chưa có đơn giá nên đã gây ra không ít khó khăn cho công tác thiết kế và thí nghiệm.

* Tại sao các đơn vị tư vấn thiết kế biết những thiếu sót này mà vẫn đưa vào hồ sơ thiết kế?

- Có thể có những đơn vị thiết kế đã biết nhưng vẫn đưa vào hồ sơ thiết kế do phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Nhưng cũng có nhiều kỹ sư thiết kế chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về nền đất yếu nên đã áp dụng một cách máy móc, kể cả những điểm sai sót hoặc không hợp lý.

* Phải chăng trong đào tạo và nghiên cứu cũng có những điểm bất ổn ?

- Thiết kế xử lý nền đất yếu đòi hỏi người kỹ sư thiết kế phải có kinh nghiệm thực tiễn và phải có kiến thức vững vàng về cơ học đất - nền móng, đặc biệt là về các tính chất của đất yếu. Theo tôi biết, hiện nay ở nước ta chưa có những nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ về nền đất yếu như ở các nước lân cận trong khu vực.

Về đào tạo, các đặc điểm của nền đất yếu và các phương pháp xử lý nền đất yếu cũng chưa được đề cập đầy đủ trong các giáo trình cơ học đất và nền móng trong các trường đại học.

Hiện nay, ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM có chuyên ngành cao học về công trình trên nền đất yếu, nhưng chủ yếu là giảng dạy về lý thuyết, còn thiết bị thí nghiệm để nghiên cứu chuyên sâu về nền đất yếu hầu như chưa có.

* Nếu tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn nêu trên thì hậu quả là gì?

- Nếu áp dụng một cách máy móc, kể cả những điểm còn sai sót trong các tiêu chuẩn vừa nêu, thì tùy theo điều kiện áp dụng mà có trường hợp dẫn đến công trình không bảo đảm an toàn, nhưng cũng có trường hợp gây lãng phí, và hiện tượng “đường chờ lún” ở các đầu cầu là khó tránh khỏi.

NGỌC ẨN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên