![]() |
Đưa thi thể nạn nhân trong vụ sập lò than Mông Dương ra khỏi đường hầm ngày 10-10-2005 - Ảnh: Đức Huy |
Tôi đi làm thợ mỏSướng - khổ “đời than”Sống trong làng mỏĐối mặt “than thổ phỉ"
Nhưng đó lại là một thực tế trong ngành than, mọi tai nạn như sập hầm lò, nổ khí mêtan (CH4), nổ bụi, bục nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Có một ngày đại tang ở Mạo Khê
Chị Ngô Thị Hoàn, 36 tuổi, chủ một sạp bán rau ở chợ Mạo Khê, thổ lộ: “Lấy chồng làm thợ hầm lò phải chấp nhận sống chung với thấp thỏm và lo âu. Mỗi khi chồng tôi đi làm về... tôi mới tin là anh còn sống!”. Đó cũng là những suy nghĩ hay đúng hơn là những nỗi lo âu luôn thường trực trong lòng những người mẹ, người vợ vùng mỏ.
Chị Hoàn nói thế nhưng chồng chị - anh Đỗ Văn Hạ - thì lại cười xòa: “Vợ tôi nói vui đấy, cứ nghĩ như bà ấy thì hàng chục nghìn người ở vùng mỏ này mỗi ngày tim loạn nhịp hết hay sao. Người ta làm được thì mình làm được chứ!”. Thật vậy, những chuyện suýt chết đối với thợ hầm lò chẳng khác nào “chuyện thường ngày ở huyện”.
Trước mặt vợ, anh Hạ tỏ ra rắn rỏi cho chị yên tâm nhưng khi còn lại mình tôi, anh mới thú thật rằng anh cũng đã mấy lần suýt chết vì than đổ bất chợt hoặc vì sự cố bục nước hầm lò. May mà những lần đó anh nhanh chân chạy kịp. Người ta nói rằng đã mang nghiệp thợ lò thì ai cũng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn đó.
![]() |
Chị Lâm Thị Oanh và hai con nhỏ. Chồng chị bị tử nạn trong vụ nổ khí mêtan tại Mạo Khê làm chết 19 thợ mỏ |
Vị thủ lĩnh ngành than cũng khẳng định: “Tai nạn tiềm ẩn trong ngành than còn cao!”. Bởi sau hơn một thế kỷ khai thác, nguồn than đang dần bị thu hẹp đã buộc con người phải đào bới sâu hơn, nghĩa là khai thác than bằng hầm lò ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, tại các hầm lò của một số công ty như Mạo Khê, Mông Dương, Dương Huy... thợ lò phải chui sâu xuống hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Bên cạnh đó, việc qui hoạch đất đai trong vùng khai thác than còn bộc lộ không ít bất cập. Qua vụ tai nạn làm ba người chết ở mỏ than Mông Dương, người ta mới ngỡ ngàng biết rằng ngay trên đỉnh mặt tầng phía tây mỏ than này, chính quyền địa phương đã cấp đất trồng rừng cho một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp này danh nghĩa trồng rừng nhưng lại có cả... khai thác than. Vì vậy, trên khai thác, dưới cũng khai thác và tai nạn xảy ra như một điều tất yếu của sự tắc trách.
Ông Nguyễn Thành Tâm, chánh thanh tra lao động - xã hội của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, nói: “Hầu như tháng nào cũng có tai nạn lao động chết người trong ngành than và hầu như mỏ nào cũng đã từng có người nằm lại trong lòng đất!”. Tính từ năm 2000 đến nay, ngành than Quảng Ninh xảy ra 111 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 162 người. Người ta đã thống kê được con số đáng sợ như thế này: cứ 1 triệu tấn than thì có 1,82 người bị chết.
Trong nhà truyền thống của Công ty than Mạo Khê hôm nay có một bát nhang to thờ cho cả...19 công nhân xấu số trong vụ nổ khí mêtan ngày 11-1-1999. Ông Nguyễn Văn Hoàng, công nhân về hưu của Công ty than Mạo Khê, kể lại sau vụ nổ, tin dữ bay đi khắp vùng mỏ, cả ngàn người từ thợ mỏ cho đến các tổng giám đốc đều tập trung về Mạo Khê, không khí tang tóc bao trùm cả vùng mỏ.
Ngày cử hành tang lễ mới khủng khiếp, gom cả hết các đội nhạc hiếu trong vùng và các địa phương lân cận cũng không đủ cho 19 đám tang. Người ta phải thu băng một đám rồi đem đến phục vụ những đám khác để đám nào cũng có tiếng trống kèn tiễn biệt. Sáng hôm sau cả thị trấn Mạo Khê rợp trắng khăn tang, một màu trắng tang tóc, bi thương.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trong ngành than: 64,51% số vụ là do vi phạm các qui định về an toàn lao động, 2,33% do thiết bị không an toàn và 0,78% do trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thiếu hoặc có trang bị nhưng không dùng. Năm 2005, ngành than Quảng Ninh có 19 vụ tai nạn làm chết 25 người, tăng 12 vụ và 14 người so với năm trước. Có 127 cá nhân bị yêu cầu xử lý kỷ luật, trong đó có 13 người là cán bộ lãnh đạo. Đặc biệt, có hai vụ phải đề nghị xem xét xử lý hình sự. |
Không chỉ có tai nạn thương tâm làm chết người, nghề than còn đem đến cho người thợ mỏ những nguy cơ khác về bệnh tật. Tại Trung tâm Y tế than khu vực Mạo Khê, nơi hầu hết bệnh nhân đều là những công nhân mắc bệnh nghề nghiệp nằm điều trị, anh Nguyễn Văn Nguyên, 49 tuổi, cho biết trước đó hai tháng anh đã được công ty cho đi Hà Nội rửa phổi vì mắc bệnh bụi phổi.
Anh là một trong số hàng trăm công nhân của Công ty than Mạo Khê mắc bệnh bụi phổi silic được cấp sổ đỏ. Anh dự định sau đợt điều trị này sẽ xin công ty cho nghỉ chế độ chứ không thì “vào lò mới làm được nửa ca đã thấy hoa mắt rồi”. Anh bảo: “Gần 20 năm làm nghề mỏ tôi cũng tiết kiệm được ít tiền, nghỉ chế độ sớm để ra ngoài xoay tiếp thôi”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Thi, giám đốc Trung tâm Y tế than khu vực Mạo Khê, hiện 100 giường bệnh của trung tâm luôn trong tình trạng quá tải mà chủ yếu là công nhân mỏ, họ thường mắc các bệnh về đường hô hấp, da liễu và đường tiêu hóa. Còn theo con số thống kê mới nhất của cơ quan y tế, toàn ngành than có gần 3.500 người mắc bệnh bụi phổi silic, vào cuối năm 2003 con số này mới chỉ có 2.046 trường hợp.
Ông Hà Văn Hồng (53 tuổi), anh hùng lao động của Công ty than Mông Dương, cho hay ông nghỉ hưu khi mới… 42 tuổi. Theo ông Hồng, tuổi thọ của nghề thợ hầm lò chỉ khoảng 15 năm là “kịch”, do thường xuyên phải làm việc trong hầm lò ẩm ướt, thiếu không khí và tư thế gò bó nên rất dễ hao tổn sức lực.
Hiện nay mỗi tháng ông được trợ cấp thêm 80.000 đồng vì bệnh bụi phổi. Thêm nữa, ông còn mắc bệnh dạ dày, viêm gan và giãn dây chằng. Ông nói: “Lúc trẻ hăng lắm, bây giờ về già mới thấy hối nhưng đã là cái nghiệp rồi, không trách ai được”.
Cả nhà ông Hồng hiện nay sống bằng nghề làm than. “Các con tôi đều theo nghề mỏ, các cháu rồi cũng sẽ mắc bệnh nghề nghiệp. Biết trước là thế rồi nhưng sống ở vùng mỏ mà không làm mỏ thì biết làm gì” - ông Hồng nói rồi thở dài.
Chúng tôi rời vùng mỏ khi thêm một đợt giá rét đang tràn về tê tái, sau lưng chúng tôi hàng chục ngàn con người vẫn âm thầm ngày đêm chui xuống hầm lò mưu sinh. Lòng tôi chợt se lại khi nhớ câu nói tự trấn an mình của một người thợ lúc cùng tôi vào ca ở mỏ than Mông Dương hôm trước: “Người ta chết cũng chỉ nằm sâu dưới hai thước đất, còn chúng tôi có khi phải vùi thây dưới hàng trăm thước đất, cũng là chết thôi mà”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận