Về Đakgley (Kon Tum) mới biết Xô Man - một ngôi làng nằm dưới những tán rừng xà nu bạt ngàn - vẫn còn cất giữ vô số kỷ vật và huyền thoại về cụ Mết.
Phóng to |
Những mái nhà ở Xô Man vẫn tựa lưng vào rừng xà nu - Ảnh: Viễn Sự |
Theo ông Đinh Như Rươn (A Rươn), con trai cả của cụ Mết, từ thị trấn Đakgley chúng tôi tìm về Xô Man trên con đường đèo khúc khuỷu dài hơn 30km. Nghe có người tìm về Xô Man, dòng cảm xúc trong nhà văn Nguyên Ngọc lại dâng tràn. Chốc chốc ông lại gọi điện cho A Rươn dặn dò: “Phải dẫn nhà báo vào được thung lũng Mường Hoong, ôm cho được những gốc xà nu (thông ba lá) hai ba vòng tay rồi mới nghe lũ làng kể chuyện về cụ Mết, về làng Xô Man ngày nào”.
Dòng máu anh hùng
Anh hùng A Mết A Mết có tên thường gọi là A Mét hay Đinh Môn, sinh năm 1913. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, năm 1955 cùng với anh Núp, A Mết từng được xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng rồi việc phong tặng danh hiệu cho A Mết đã phải ngưng lại khi có ý kiến ông là “già làng”, mà “già làng” hồi ấy được coi là đồng nghĩa với “tầng lớp trên”, là giai cấp bóc lột... A Mết mất năm 2000. 12 năm sau ngày ông mất, ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. |
Những người con làng Xô Man ngày nào, bây giờ có tên hành chính là làng Xốp Nghét và Xốp Dùi thuộc xã Xốp, huyện Đakgley, vẫn quây quần trong những mái nhà bao bọc bởi con suối Nước Dùi, dưới những triền núi mờ sương cao vút xà nu. A Rươn nói người Giẻ Triêng ngày trước vốn du canh du cư nên dời làng liên tục. Trong ngôi nhà sàn trên triền núi cao nhất làng, già A Cố năm nay đã gần 90 tuổi, là người bạn chiến đấu với cụ Mết cuối cùng còn sống. Già A Cố nói ông rất chịu cái ông Nguyên Ngọc vì đã tả rất đúng về Xô Man khi nói “làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc”, bởi Xô Man nằm giữa các đồn Đăk Glei, Tô Năng Mô Bành và Kon Riêng. Đất cũ của Xô Man giờ đã lẩn khuất đâu đó trên triền núi Ngọc Linh, không ai tìm được. Nhưng ký ức, kỷ vật và cả những huyền thoại về Xô Man, về cụ Mết thì con cháu vẫn mang theo.
Già A Cố kể người Giẻ Triêng là một trong những tộc người ngoan cường nhất Tây Nguyên, giờ con cháu vẫn còn thói quen cất nhà trên triền núi dựng, như khi xưa cha ông vẫn chọn để tránh thú dữ và giặc giã.
Với cụ Mết, năm 1943 đã chỉ huy 100 thanh niên khỏe mạnh lên núi cao lập làng chiến đấu. Lịch sử Đảng bộ Kon Tum vẫn còn ghi tháng 4-1949 khi nghe tin A Mết rào làng kháng chiến, Pháp đưa quân bố ráp. Nhưng vừa đến đầu làng đã dính bẫy chông, mười lính Pháp chết, bốn lính bị thương phải tháo chạy.
Cùng năm này, A Mết được ông Trần Kiên (khi ấy là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập thuộc Bộ tư lệnh Quân khu V) kết nạp vào Đảng và giao làm huyện đội trưởng Đakgley. Trong những năm 1953-1954, thực dân Pháp đã hơn 20 lần đưa quân bố ráp Xốp Nghét, Xốp Dùi và các làng lân cận, nhưng A Mết cùng các đảng viên người Giẻ Triêng đã chỉ huy dân làng đánh trả ngoan cường. Khiếp sợ trước sự dũng mãnh và mưu trí của A Mết, quân Pháp đã tìm cách mua chuộc ông bằng cấp hàm thiếu tướng nếu ông ra hàng. Nhưng A Mết chỉ đáp trả bằng những trận đánh chống càn chí mạng.
Đời binh nghiệp của A Mết tưởng ngưng lại năm 1954 khi ông được Đảng và Bác Hồ đưa ra Bắc, dẫn theo vợ và con trai A Rươn. Nhưng nỗi nhớ Xô Man, nhớ cánh rừng xà nu và dòng máu của một chiến binh Giẻ Triêng đã thôi thúc ông trở về. Tạm gửi lại đứa con trai và mộ phần người vợ ở miền Bắc, A Mết trở lại Đakgley năm 1959 và được giao làm bí thư huyện ủy H30 (tức Đakgley), trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ cho đến ngày đất nước thống nhất.
Phóng to |
Từ trái qua: A Rươn, A Rơn, vợ A Phin và A Phin - những người con cụ Mết - bên những vũ khí, vật dụng cụ Mết từng sử dụng đang được họ giữ gìn - Ảnh: Viễn Sự |
Giữ lại cho đời sau
Chuyện cụ Mết đánh Pháp, đánh Mỹ đã lâu lắm, chỉ còn những người già nhất ở Đakgley nhớ. Nhưng một cụ Mết rắn rỏi, đời thường, hòa mình với buôn làng những năm sau giải phóng thì rất nhiều người vẫn nhắc đến.
Nhà thơ Văn Công Hùng - tổng biên tập tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Gia Lai, người từng dẫn nhà văn Nguyên Ngọc băng rừng đi tìm lại làng Xô Man hơn 30 năm trước - kể: “Nghề của cụ Mết những năm sau giải phóng là xách xắc-cốt đi uống rượu khắp các buôn làng”. Nhận xét tếu táo ấy được A Rươn nói không có gì là thất lễ. A Rươn kể từ sau ngày giải phóng cho đến năm 1980, cụ Mết làm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đakgley. Không biết chữ nên cụ chỉ vẽ được chữ Mết nguệch ngoạc hoặc lăn tay vào các giấy tờ thật quan trọng. Thời gian còn lại cụ Mết cứ băng rừng đi từ thị trấn về khắp các buôn làng ở Đakgley kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ ngày xưa và căn dặn đồng bào làm ăn, xây dựng nếp sống mới. Và dù đã trở thành một huyền thoại, một con người của lịch sử, khí chất hào hoa rất riêng của một chiến binh Giẻ Triêng vẫn vẹn nguyên trong cụ Mết. Năm 1985 ở tuổi 72, cụ Mết vẫn còn được một phụ nữ Giẻ Triêng yêu mến, bắt làm chồng và sinh cho cụ người con trai út A Rơn.
Ngoài con trai cả A Rươn nguyên là phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakgley đã về hưu và sống tại thị trấn, ở làng vẫn còn bốn người con của cụ Mết là các anh A Phin, A Rơn, A Mét và chị Y Léo sinh sống, với một bầy cháu chắt. Dù vẫn còn lam lũ nhưng những người con cụ Mết luôn tự hào và cất giữ những kỷ vật của cha như những vật báu cho đời sau. Ở nhà anh A Phin vẫn còn giữ một cây xà gạc, một chiếc rựa, một cây rìu và một cái cà lek (gùi đan bằng mây), đó là những dụng cụ ngày xưa cụ Mết từng dùng để đi rừng. Nhưng quý giá nhất là cây kiếm cán bọc đồng, có vỏ bọc bằng da rắn và da của nhiều loài thú rừng, do chính cụ Mết mài nên đang được A Rươn cất giữ. Đây chính là cây kiếm cụ Mết từng trực tiếp dùng làm vũ khí chống càn những năm đầu rào làng chống Pháp.
Những ngày này, ở làng cũ A Rươn vừa xây xong ngôi nhà mới cho người em A Phin, năm trước nữa đã xây xong nhà cho cậu út A Rơn. Trong những nhà mới ấy, A Rươn nói sẽ dành một góc nhà đẹp nhất để trưng bày những kỷ vật quý báu mà cha mình để lại. “Đó là những gốc xà nu to nhất, quý giá nhất ở cánh rừng Xô Man này mà bọn con cháu lớn lên phải ráng giữ lấy” - A Rươn nói về sự ấp ủ của mình một cách tự hào.
Chuyện một đời, viết trong một đêm
Phóng to |
Rừng xà nu ra đời năm 1965 khi nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều cây bút khác được giao thực hiện tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng miền Trung Trung bộ. Số tạp chí thứ hai Nguyên Ngọc được yêu cầu viết một truyện ngắn nhưng ngồi suốt ba đêm liền mà ngòi bút vẫn tắc tị, cho đến khi bắt được mạch văn về những cánh rừng xà nu, với câu khởi đầu “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc” thì mạch văn cứ thế theo ký ức tuôn chảy. “Tất cả, tôi không phải bịa thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Với tôi, nó hoàn toàn có thật. Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn, như lịch sử bao trùm. Nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thế hệ sau” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Cái đêm trong rừng khu V viết nên Rừng xà nu, nhà văn Nguyên Ngọc kể đó là đêm dài như cả một đời: “Và Rừng xà nu là truyện của một đời được kể trong một đêm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận