Với lời bình trên, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có lẽ là một trong những độc giả đầu tiên đương thời với nhà văn Thạch Lam thừa nhận tài năng của tác giả hàng đầu ấy của văn xuôi VN. Thế nhưng không hiểu vì sao lại có lồng trong đó một phủ nhận: trừ truyện Dưới bóng hoàng lan không có gì đặc sắc?
Dưới bóng hoàng lan là truyện ngắn không có cốt truyện. Nó không kể một câu chuyện. Nó sâu xa gợi nghĩ. Thời gian đọng lại, không gian tĩnh, nhưng hé lộ kín đáo bi kịch đời người mà độc giả phải đọc kỹ mới cảm được.
“Thanh lách cách cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào”, câu ấy, mở đầu DBHL đã đáng kể là một trong những câu mở truyện ngắn bậc thầy. Ngắn và gọn, đơn giản, thật thế, mà kỳ thực khó lòng viết ra nổi. Một câu như không, song chắc chắn nhà văn đã phải rất kỳ công. Bởi khó hàng đầu của một truyện ngắn là câu mở đầu. Người đọc có đọc sang câu thứ hai và đọc đến câu chót của truyện hay không là do câu đầu truyện quyết định.
Với dạng truyện không cốt truyện thì câu mở truyện lại càng trọng hơn, càng đòi hỏi công phu và thực tài của nhà văn hơn. Trong câu mở của DBHL, từng từ một được lựa không chỉ theo nghĩa mà còn bằng vào âm để thành nên cả nhịp điệu cả tiếng động cho câu. Câu mở như thế đưa người đọc vào ngay cái thần của truyện là nỗi nao nao mơ hồ, bâng khuâng và âm thầm.
Truyện ngắn kiệm lời, chỉ gợi ý, khiến người đọc phải tự ngẫm ra.
Thanh nghẹn họng; mãi chàng mới cất được tiếng gọi khẽ: Bà ơi. Một nỗi đau buồn thoáng nhanh trong câu ấy, tác giả không lộ rõ ra, Thanh là chàng trai mồ côi cha mẹ … một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Có phải đời sống thị thành đã nhiều lúc khiến Thanh quên bẳng người bà tóc bạc phơ đang sống những ngày cuối cùng trong đời mỏi mắt trông chờ anh? Đáp lại tiếng gọi Bà ơi, một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn. Thanh định thần nhìn: con mèo của bà chàng… Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mèo: “Bà mày đâu?”
Chốn Thanh về mọi thứ đều già cỗi và không đổi. Thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, một hình ảnh tươi mát hiện lên. Cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng.
Cuộc đời các nhân vật của DBHL dường như hoàn toàn êm ả trôi xuôi. Tuy nhiên vẫn có cái gì đó bất an mà truyện buộc ta phải nghĩ tới. Những tình huống hiền lành này sẽ kéo dài được bao lâu? Liệu Thanh có thể cứ đều đều hàng năm trở về nơi bình yên và thong thả này? Rồi đây Thanh và cô Nga láng giềng sẽ gắn bó lâu dài hay chỉ là gặp lại nhau vậy thôi rồi ngày mai chàng lại ra đi?
Đã phải là tình yêu chưa khi cô Nga nói khe khẽ Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá. Văn Thạch Lam đặc biệt hay ở những lời thân thương vô cùng giản dị như thế của con người. Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Và trong đêm khuya khi sắp chia tay: Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình, Nga cũng đứng lên yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay khẽ nói: Thôi, em về.
Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải. Chàng đến trường kỷ ngồi ở bên đèn.
Câu cuối này ngấm vào lòng người bởi nỗi buồn vô hạn và không lời của nó. Người đọc đương thời với Thạch Lam có thể chỉ cảm thấy thương và buồn cho mối tình chưa kịp ngỏ lờ, mối tình quá đỗi mong manh, mơ hồ, thoang thoảng như hương hoàng lan trong bóng vườn xưa. Buồn và lãng mạn, văn hay, thật vậy, nhưng chỉ thế thôi, chẳng có chuyện gì, nên người ta dễ cho rằng DBHL không có gì đặc sắc.
Tuy nhiên một nhà văn lớn như Thạch Lam không bao giờ lại cất công viết một cái gì vô thưởng vô phạt. Chắc chắn ông viết DBHL bởi ông cảm thấy một cái gì đó, một cái gì đó không thấy được và không hiểu được nhưng rõ ràng là đang ập tới, đã cận kề những tháng ngày dường như là cực kỳ tĩnh lặng của buổi đương thời cuộc đời ông. Vì vậy nỗi buồn của DBHL thực ra là nỗi đau thương, một nỗi đau thương âm thầm, một niềm tiên cảm về cuộc đời tác giả và cả hoàn cảnh của đất nước nữa những năm tháng sau đó.
Thật sự là nỗi đau buồn, dù rằng không thể nhận thấy.
Tới cổng, Thanh còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Bác Nhân nhanh nhảu cầm đỡ va ly cho chàng. Thanh dặn khẽ: Bảo tôi có lời chào cô Nga nhé.
Mối tình không ngỏ lời, không tiễn đưa, không gặp được nhau lần cuối. Tất cả đều trở thành những mảnh trời xanh tan tác.
Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với mảnh trời xanh tan tác
Không lẽ đây không phải là lời dự báo, không phải là điềm báo trước?
Đi sâu vào sở trường của mình là miêu tả những tâm trạng đời người đơn lẻ, nhưng nhờ vậy mà ngòi bút Thạch Lam vô hình trung đã thể hiện được một phần tâm trạng của cả một thời.
Bóng hoàng lan đây là bóng mát cuối cùng của thời quá khứ. Một chốn bình yên và thong thả cho người bộ hành trẻ tuổi trên dọc đường đời. Nhưng là một chốn bình yên không bao giờ còn có lại, chí ít là với riêng cuộc đời nhà văn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận