Phóng to |
Diễn biến giá cà phê trong nướcẢnh: N.C.T. - Đồ họa: V.TÂN |
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản hai tháng đầu năm đạt xấp xỉ 3,6 tỉ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (gạo, cao su, cà phê...) đạt 2 tỉ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng nhiều lần so với cùng kỳ 2010
"Nhà nước nên có chính sách đầu tư trực tiếp cho người dân. Bởi khi người dân có đủ vốn để tạm trữ một phần sản phẩm do mình làm ra, họ sẽ tính toán được thời điểm tốt nhất để bán, tránh tình trạng ép giá" |
Diễn biến giá cà phê xuất khẩu từ đầu năm 2011 đến nay cũng trái ngược hẳn so với cùng thời điểm năm 2010 khi giá cà phê giảm mạnh. Dù xen kẽ giữa những phiên tăng giá là những đợt giảm giá nhẹ do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư, nhưng nhìn chung giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng kể từ đầu năm. Trong hai tháng đầu năm 2011, giá cà phê giao dịch trên thị trường London tăng 260 USD/tấn, từ 2.082 USD/tấn lên 2.342 USD/tấn (ngày 22-2). Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng cà phê xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đạt 225.000 tấn, đạt kim ngạch 438 triệu USD, tăng nhẹ (2,2%) về lượng nhưng tăng 40,4% về giá trị so với cùng kỳ 2010.
Tương tự, giá xuất khẩu cao su tiếp tục tăng mạnh (năm 2010 xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt hơn 2,3 tỉ USD). Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cao su trong hai tháng đầu năm 2010 đạt 106.000 tấn, trị giá 467 triệu USD, tăng 38,2% về lượng nhưng giá trị gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN, cho biết cao su tăng giá mạnh do mất cân đối cung cầu. Nhu cầu cao su tăng cao khi kinh tế thế giới phục hồi, nguồn cung bị thu hẹp ở các nước sản xuất do thời tiết. Ngoài ra, giá dầu mỏ liên tiếp tăng cũng tác động tới giá cao su.
Phóng to |
Diễn biến giá cao su trong nướcNguồn: Tổng cục Hải quan, VRA - Đồ họa: V.cường |
Lo thiếu vốn mua nguyên liệu
Theo các doanh nghiệp, với sản lượng hàng đầu thế giới về hồ tiêu, lúa gạo, hạt điều, cà phê, cao su..., VN đang có lợi thế khi giá các loại nông sản thế giới tăng cao. Ông Đoàn Đình Thiêm, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cà phê VN (Vinacafe), cho rằng để ngành cà phê lớn mạnh cần có chính sách ưu đãi về nguồn vốn cho các công ty. Bởi theo ông Thiêm, việc được vay vốn đúng vụ, đúng thời điểm cũng quan trọng như việc mua tạm trữ. Thực tế so với nước ngoài, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp trong nước quá yếu. Ngoài ra, lãi suất quá cao cũng là một vấn đề đối với các doanh nghiệp. “Mỗi năm Vinacafe Tây nguyên phải trả lãi tới 250 tỉ đồng, còn Vinacafe Đà Lạt trả lãi mỗi năm 70 tỉ đồng thì còn gì” - ông Thiêm nói.
Hiệp hội Điều VN cũng cho biết để mua toàn bộ sản lượng điều thô trong nước năm 2010 cần tới 9.500 tỉ đồng vốn ngắn hạn và trung hạn. Do vậy, đề nghị các ngân hàng ưu tiên 100% nguồn vốn đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu thu mua cho các doanh nghiệp khi vào vụ điều. Áp dụng các hình thức cho vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hoặc giá trị tài sản doanh nghiệp.
Tranh mua, tranh bán Theo một số doanh nghiệp lớn sản xuất, chế biến, kinh doanh điều trên địa bàn huyện Bù Gia Mập và thị xã Phước Long (Bình Phước), giá điều tăng bất thường những ngày qua do hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các thương lái, cơ sở sản xuất chế biến nhỏ với các doanh nghiệp lớn. Theo Hội điều Bình Phước, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với giá hiện nay nông dân trồng điều có lãi 55-60 triệu đồng/ha, nhưng hiện nay lượng điều trữ trong dân đã được bán hết. Ngoài ra, do thời tiết bất ổn dẫn đến năng suất thấp nên thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bỏ cây điều chuyển sang trồng cao su. |
Đắk Lắk: niềm vui chưa trọn... Giá cà phê liên tục tăng mạnh và đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 15 năm qua đã khiến người trồng cà phê ở Đắk Lắk hết sức phấn khởi. Tại thôn Tân Lập, xã Cư Đlie M’Nông, một trong những nơi có sản lượng cà phê cao nhất của huyện Cư M’Gar, vợ chồng anh Bình cho biết gia đình anh có gần 3ha cà phê, năm rồi thu được gần 9 tấn, hiện vẫn còn trong kho 5 tấn cà phê khô tích trữ. Anh Bình cho biết những năm trước giá cà phê xuống thấp ngay từ thời điểm dân vừa thu hoạch xong, nhưng sau đó lên khá cao. Do vậy, năm nay rút kinh nghiệm gia đình anh và nhiều hộ trong thôn Tân Lập không gửi hàng cho đại lý hoặc bán cà phê từ sớm mà xây kho cất giữ đợi giá lên. Trong số bảy hộ gia đình tại thôn Tân Lập mà chúng tôi hỏi, có năm hộ cho biết hiện vẫn còn giữ được cà phê trong nhà. Ông Phan Văn Lựu, một người trồng cà phê, cho biết hầu hết những hộ dân còn giữ được cà phê này đều là những hộ làm ăn khá giá, có nguồn vốn lớn. Hơn nữa, hiện các công ty và đại lý sẵn sàng cho nông dân vay phân bón, xăng dầu để đầu tư chăm sóc cà phê nên nông dân vẫn có điều kiện để giữ cà phê trong nhà. Tuy giá cà phê tại thời điểm này cao nhưng trước vụ mùa mới, nông dân vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là chuyện giá xăng dầu tăng cao ngay khi cà phê đang ra hoa lại gặp hạn hán đến sớm. Ông Y Kha, người dân thôn 3 xã Ea Tul, Cư M’Gar, Đắk Lắk, cho biết mặc dù giá cà phê đang lên rất cao nhưng giá dầu và các loại phân bón cũng đang ở mức cao nên nông dân trồng cà phê hưởng niềm vui không trọn vẹn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận