Bí thư Nguyễn Phú Cường tại buổi đối thoại - Ảnh: H.M.
Chợ có 40 năm, sao không có trong quy hoạch?
Tại cuộc đối thoại, nhiều tiểu thương đặt câu hỏi như vậy với người đứng đầu tỉnh ủy Đồng Nai.
Tiểu thương Vũ Thị Thanh, nói: "Thưa bí thư, chợ Sặt đã hình thành 40 năm qua. Tiểu thương vẫn đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước nhưng sao trong bản đồ quy hoạch không có chợ? Chợ xuống cấp giờ tiểu thương muốn tự bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp cũng không được".
Theo bà Thanh, chợ vẫn buôn bán tốt nhưng vì chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho chợ nên tiểu thương không được sửa chữa.
Bí thư Nguyễn Phú Cường kết luận về việc cho làm cho Sặt và đưa chợ vào bản đồ quy hoạch - Video: HÀ MI
Còn tiểu thương Ngô Thị Lợi, tâm sự: "11 năm- tức khoảng 4.000 ngày- chị em tiểu thương mới được đối thoại. Chính ngôi chợ này là nguồn sống của biết bao gia đình.
Tiểu thương cũng chấp hành đúng quy định pháp luật. 300 người đàn bà ở ngôi chợ này đã đồng lòng cho con ăn học, dạy dỗ được rất nhiều người con tử tế cho xã hội. Vậy mà nguyện vọng lớn nhất của bà con mong chính quyền cấp quyền sử dụng đất cho chợ để được sửa chữa suốt bao nhiêu năm lại chưa được.
Thời gian của nhân dân quý báu lắm nên mong bí thư quyết ngay việc này trong buổi đối thoại".
Nhiều tiểu thương nói người đứng đầu tỉnh đứng ra đối thoại thẳng thắn, tiểu thương thấy được gần gũi hơn và được trình bày những bức xúc kéo dài nhiều năm.
Tiểu thương Phạm Thị Lãng nói chính quyền cũng từng đòi di dời chợ khiến tiểu thương rất tâm tư, bức xúc.
Tiểu thương đề đạt nguyện vọng được sửa chữa, nâng cấp chợ tại buổi đối thoại - Ảnh: H.M.
Mong bí thư quyết nhanh trong hôm nay vì tôi tin cái gì chính quyền làm đúng, làm việc nhân nghĩa, nhân tình với nhân dân thì sẽ được lòng dân thôi
Tiểu thương Phạm Thị Lãng đề nghị trong tiếng vỗ tay đồng lòng của hàng trăm tiểu thương
Nguyện vọng chính đáng
Được yêu cầu trả lời những tâm tư của tiểu thương, UBND TP. Biên Hòa và các sở ngành đều giải thích với người đứng đầu tỉnh ủy rằng nguyện vọng của bà con tiểu thương là chính đáng. Do đó, các ngành sẽ đưa chợ Sặt vào quy hoạch, nâng cấp theo nguyện vọng.
Ông Trần Văn Vĩnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải thích: "UBND tỉnh hoàn toàn ủng hộ việc đưa chợ vào quy hoạch, nâng cấp. Tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các ngành làm việc để cùng với bà con tiểu thương sửa chữa, xây dựng chợ sao cho phù hợp với quy định".
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng lưu ý do chợ nằm trên quốc lộ 1 nên trong quá trình kinh doanh, buôn bán bà con cần chú ý các quy định về an toàn giao thông và đảm bảo phòng chống cháy nổ…
Bà con tiểu thương chợ Sặt vui mừng khi được cho làm chợ và đồng ca hát ủng hộ quyết định của tỉnh Đồng Nai - Video: HÀ MI
Kết luận cuộc đối thoại, ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho hay khi còn làm việc ở TP. Biên Hòa, từng có ý kiến lấy chợ truyền thống là chợ Sặt làm trụ sở UBND phường nhưng ông đã đứng ra ngăn cản việc này.
"Tôi xin tiếp thu ý kiến của bà con và giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành rà soát xây dựng, sửa chữa, cải tạo chợ Sặt tại vị trí cũ theo đúng các quy định pháp luật. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ có cả chợ Sặt trên bản đồ" - ông Cường nói trong tiếng vỗ tay reo mừng của hàng trăm tiểu thương.
Ông Cường nói ông nhất trí việc tiểu thương tự bỏ kinh phí làm. Vì vậy, bà con cử đại diện cho từng ngành hàng vào ban quản lý, các sở ngành hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.
"Lấy thêm diện tích đất của hợp tác xã để đảm bảo diện tích nâng cấp, làm lại chợ mới. Trong quá trình làm, chính quyền bố trí chợ tạm trong thời gian sửa chữa, cải tạo để tiểu thương ổn định việc kinh doanh" - ông Cường yêu cầu.
Khi chuyện chợ Sặt kéo dài dài 11 năm được người đứng đầu tỉnh Đồng Nai giải quyết hợp lòng dân, cả trăm tiểu thương đã vỗ tay và hát để reo mừng về một cái kết có hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận