24/09/2013 06:05 GMT+7

Được "bao ăn" thì "vít số"

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Thỉnh thoảng lại ngồi nói chuyện chữ nghĩa với nhau. Ai cũng bảo từ ngữ của chúng ta phong phú quá. Tôi vừa mới ở Quảng Ngãi vô, để ý thấy có chữ này hay. Chữ gì thế? “Vít số”. Nghe lạ quá phải không? Ở Sài Gòn dường như chưa nghe thấy ai nói “vít số”.

zknMLGyR.jpgPhóng to

1 Vít số là gì? Trước hết nên tách ra từ “vít” và “số” để hiểu. Vít thì ai cũng biết rồi, là ốc vít hay bùloong dùng xoắn vặn gắn kết định vị vật này vào vật khác một cách chắc chắn. Một cái vít thường có một con ốc, và con ốc này giữ cho vít không bị tuột ra. Đại khái là vậy.

Còn “số” là gì? Số ở đây tức là số phận hay phần số, như chúng ta vẫn thường nghe nói: “Thằng đó số sướng” hay “Cô đó số khổ”. Tạm hiểu là vậy. Xong, ráp hai từ “vít” và “số” lại thì sẽ hiểu đây là từ chỉ một người nào đó có số phận ngon lành, chắc chắn hay gặp một “phi vụ” gì đó hấp dẫn, ẵm chắc trong tay. Ngoài từ “vít số”, người ta còn nói “số vít”, hoặc “chắc như vít” (chứ không nói là “chắc như đinh đóng cột” nữa, vì xem ra vít chắc hơn).

“Chắc như vít” đã thay cho “chắc như đinh” xem ra là một cách dùng từ linh hoạt, làm mới nghĩa theo nhịp sống. Mọi người nghe, ai nấy gật gù, bảo rằng thú vị.

Nhân nói chuyện từ và ngữ, chữ và nghĩa, có người nói rằng ở Sài Gòn có chữ “bao ăn” nghe hay quá. Đi ngoài đường thấy mấy chỗ bán sầu riêng, măng cụt hay bán cua, ghẹ... thường có ghi tấm bảng “Bao ăn”. Bao ăn ở đây là hàm ý bảo thơm ngon chất lượng, kiểu như “ăn không ngon không lấy tiền”.

“Bao ăn” ở đây không phải là... bao ăn miễn phí, cho dù thỉnh thoảng chúng ta cũng được ai đó... “bao chầu nhậu” hay “bao ăn buffet”. Ngoài “bao ăn” còn có “bao cân” tức là bảo đảm cân đủ, chính xác; có chỗ còn ghi “bao tươi”, tức bảo đảm tươi sống.

“Bao” - đương nhiên là còn có nhiều nghĩa như “bao quanh”, “bao thầu” và nghe khó ưa nhất là... “bao gái”. Nhưng ở đây nghĩa từ “bao” trong “bao ăn”, “bao cân”, “bao tươi”... là bảo đảm, là lấy uy tín danh dự ra mà mua bán làm ăn. Dẫu biết có chỗ đề chữ “bao” cũng là nhắm mắt làm liều để bán được hàng.

Nhưng phần đông đã trương chữ “Bao ăn” là coi bộ đàng hoàng. Mà muốn biết đàng hoàng không thì khách hàng có thể kiểm tra ngay tại chỗ. Ví dụ, chỗ nào bán sầu riêng “bao ăn” là khách có thể yêu cầu được xẻ ra tại chỗ, ăn ngay tức thì, nếu không ngon thì... trả lại. Những lúc đó người bán hàng “bao ăn” phải chấp nhận cuộc chơi.

2 “Bao ăn”, nói một cách nào đó là một sự chơi đẹp tự nguyện hay đó là cách dùng chữ theo “phong cách đường phố” thú vị.

Song, nói chuyện chữ nghĩa tới đây thì có người lái sang những chuyện thời sự và thế thái nhân tình, mà rút gọn thì có thể nói là chuyện thế sự. Một người hóm hỉnh bảo rằng nên phát huy cái chuyện “bao ăn” này trong toàn xã hội, nhưng không chỉ ở chuyện ăn uống.

Chẳng hạn, một cuốn sách dịch thì nên ghi là... “bao chuẩn” (để bảo đảm với bạn đọc là không dịch loạn), một tác phẩm văn chương thì nên ghi là... “bao hay” (để bảo đảm với bạn đọc là nó không dở), một công trình nghiên cứu thì nên ghi là... “bao đạo” (để bảo đảm với bạn đọc là không đạo văn).

Cứ như thế, một con đường nên ghi là... “bao đi” (bảo đảm đi an toàn), bệnh viện nên ghi là... “bao lành” (bảo đảm chữa lành bệnh), sân bay nên gọi là... “bao giờ” (bảo đảm là không trễ giờ)...

Nói vui vậy thôi chứ không phải cái gì cũng “bao” được. Mà cả một xã hội, nơi nào cũng trương biển “bao” thì quả là có vấn đề. Thôi thì xin quay về chuyện chữ nghĩa cho nó vui: “Nếu như bữa nào đó mình được “bao ăn” một bữa ngon thì thật là... “vít số”!”.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên