Nó cũng bộc lộ những khiếm khuyết mà nếu đóng cửa bảo nhau thì không thấy hết. Chúng ta cũng chưa bao giờ làm nhiều về luật pháp như vừa rồi và đã hình thành phát triển đồng bộ, quản lý sự vận hành các loại thị trường cơ bản (thị trường hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, bất động sản, lao động, khoa học), hệ thống thuế cũng hiện đại và hoàn chỉnh hơn. Chúng ta cũng học thêm được nhiều về điều hành vĩ mô mặc dù có khó khăn vì cùng lúc gặp hai câu chuyện: chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian tới, hi vọng chúng ta làm tốt hơn để tranh thủ cơ hội và đối phó thách thức, nhưng với điều kiện là gắn với tình huống hậu khủng hoảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Phải giải quyết nhiều mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Phải giữ vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước thật vững.
Quan hệ giữa bảo vệ sản xuất trong nước và mở cửa: cần kiên quyết không trở lại chủ nghĩa bảo hộ vì giờ đây xuất nhập khẩu của VN đã chiếm tới 160-170% GDP, nhưng không có nghĩa là không bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng ta phải sử dụng các công cụ của WTO và tiếp tục đàm phán hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.
Để khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế, phải cơ cấu lại. Về sản xuất, hiện chúng ta chạy theo tốc độ và số lượng, quá ít hiệu quả và bền vững. Trong khi các nước tiên tiến hơn thúc đẩy công nghiệp theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường thì ở VN là ngược lại, còn dịch vụ thì bao lâu nay vẫn chiếm tỉ trọng 38% GDP, không có thay đổi. Quan hệ giữa thị trường trong nước - ngoài nước, cần suy nghĩ lại tỉ lệ xuất nhập khẩu so với GDP là bao nhiêu thì thỏa đáng.
So sánh tỉ lệ xuất nhập khẩu/đầu người của VN với các nước xung quanh là rất thấp, nhưng không được quên là tỉ lệ xuất nhập khẩu/thu nhập bình quân đầu người tới hơn một nửa, như vậy là quá cao. Kể cả Trung Quốc, công xưởng của thế giới, thì xuất nhập khẩu chỉ chiếm 58% GDP mà thôi, trong khi riêng nhập khẩu của VN năm 2007 đã chiếm 90% GDP. Cơ cấu xuất khẩu cũng cực kỳ lạc hậu, khi nông sản chiếm hơn 20%, dầu và than khoảng 17%, hàng chế tạo gia công 30%...
Trong xuất khẩu có cơ cấu thị trường cần nhìn lại. Chúng ta xuất siêu chủ yếu sang các nước công nghiệp phát triển và nhập siêu chủ yếu từ các nước đang phát triển, tức là không đưa được máy móc hiện đại về mà là nhập thiết bị không phải đầu nguồn thì hậu quả sẽ để lại nhiều năm chứ không phải một năm.
Riêng về nông nghiệp, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức trong khuôn khổ WTO. Theo đúng luật, ta có thể dành 10% nguồn thu từ nông nghiệp để trợ cấp theo quy định nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu. Chúng ta mới bắt đầu đào tạo nông dân, còn nghiên cứu, bảo vệ môi trường... thì chưa chú trọng nhiều. Hơn 70% người dân VN làm nông nghiệp, không bảo vệ lực lượng này thì bảo vệ ai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận