Những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ liên tục nhận được các lời cầu cứu từ gia đình và một số người Việt đang ở Campuchia.
Những người này cho biết họ tin lời một số người môi giới qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao", nhưng thực chất là đi lừa đảo. Nếu ai làm không được sẽ bị bán qua công ty khác, còn muốn quay về Việt Nam thì gia đình phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để chuộc.
"Việc nhẹ" là lừa người khác
V. (29 tuổi, quê An Giang) cho biết chị và bạn trai là T. (31 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị lừa đưa sang Campuchia từ chiều 28-5 với lời hứa làm việc trên máy tính, với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Sau khi tập trung tại quận 12, TP.HCM, V. và T. được một ôtô 7 chỗ tới đón, trên xe còn có 3 người xin việc khác, rồi chở xuống Long An và vượt biên qua Campuchia.
Công việc của V. được giao là hằng ngày lên mạng, có thể dùng điện thoại hoặc máy tính của công ty để tìm những người Việt khác rồi dụ dỗ lừa tiền, nếu dụ được thì tiền sẽ chuyển qua số tài khoản của người quản lý tên Yến (ngoài 30 tuổi).
Tuy nhiên sau 2 ngày, V. không lừa được ai nên quản lý yêu cầu gia đình gửi hơn 60 triệu qua chuộc hoặc là đưa qua công ty khác. "Em làm được 2 hôm rồi nghỉ, ở nhà nằm chơi không. Họ tới đòi đưa em đi khu khác nhưng em nói gia đình em chịu chuộc em rồi, chờ gia đình gửi tiền qua nên em mới không bị đưa đi.
Họ nói chỉ cần chuyển đủ tiền qua là sẽ có xe đưa em qua tới cửa khẩu rồi về", chị V. kể. Anh L. (anh trai của chị V.) cho hay gia đình khó khăn, 60 triệu là số tiền quá lớn với họ, giờ chưa biết phải làm sao, gia đình đang rất rối.
Cô gái 16 tuổi ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) được gia đình báo mất tích khi đi TP.HCM xin việc, nhưng sau đó báo tin là bị đưa qua Campuchia, đã được đưa về nhà ngày 19-6 - Ảnh: M.H.
Em T. (17 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) được người bạn học chung cấp III tên H. đã qua Campuchia trước đó 2 ngày nhắn về rủ qua làm việc chung với mức lương 700 USD/tháng. Ngày 18-5, T. vào tới bến xe Miền Đông, TP.HCM thì có người đi ôtô 4 chỗ tới đón về tập trung tại căn nhà ở quận 12 rồi sau đó đưa T. cùng 3 người khác đến Tây Ninh, đi đường ruộng qua Campuchia.
Công việc của T. và H. là dụ người khác đánh bạc trên mạng với chỉ tiêu mỗi người 1 ngày phải kiếm về cho ông chủ ít nhất 5 triệu đồng, nếu không sẽ bị đánh đập.
T. cho biết em từng chứng kiến 5 người nhảy từ trên lầu xuống để tìm cách bỏ trốn, 1 người chết tại chỗ, 4 người kia bị bắt lại, bị đánh đập và giam trong một căn phòng. Sau đó 1 người được gia đình chuộc về, còn 3 người kia bị đưa ra đảo.
"Sau 2 tuần em không muốn làm nữa, nên hỏi chị phiên dịch cũng là vợ ông chủ ở đây có cách nào đưa em về hay không, chị này nói em liên lạc cho gia đình chuyển 107 triệu qua đây rồi sẽ có xe đưa em qua cửa khẩu, còn H. cũng tốn hết 104 triệu mới có thể về lại Việt Nam", T. kể lại.
Ông H. (ba của T.) cho biết sau khi con nhắn về cầu cứu, gia đình đã trình báo Công an TP Nha Trang. Chiều 30-5, ông đã chuyển 107 triệu đồng vào số tài khoản nhận tiền chuộc tên Lê Thị Gấm tại chi nhánh một ngân hàng ở Ba Tri (Bến Tre). Một lúc sau có người gọi lại xác nhận đã nhận được tiền và hôm sau T. được gia đình đón về từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (bìa trái) hỗ trợ gia đình đón một cô gái bị lừa sang Campuchia về từ cửa khẩu Mộc Bài - Ảnh cắt từ clip
Tuyệt đối không đi "tiểu ngạch"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết thời gian gần đây cục nhận nhiều phản ảnh về việc nhiều lao động bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài lừa sang Campuchia với hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao".
Thủ đoạn phổ biến là những kẻ lừa đảo sẽ đăng tải, chia sẻ hình ảnh người làm việc ở nước ngoài, thiết kế giao diện trang web giống trang web của doanh nghiệp uy tín, mở văn phòng, tổ chức sự kiện tại khách sạn lớn...
Do đó, ông lưu ý người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian. Thực tế, không phải người dân nào cũng nắm rõ cụ thể chi phí vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động... nên thường tìm người quen, môi giới hướng dẫn.
Người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước: http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
Đối với trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại, tố cáo đến đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513) hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
"Người lao động, các cơ quan địa phương, cơ quan truyền thông khi có thông tin từ người dân, người lao động về tình trạng các tổ chức, cá nhân quảng cáo, đưa tin người lao động đi làm việc ở Campuchia với cam kết "việc nhẹ, lương cao" cần cung cấp, thông báo cho cục.
Từ đó chúng tôi đề nghị các cơ quan công an, chính quyền địa phương cơ sở xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, trường hợp cơ quan chức năng xác định đúng là lừa đảo người lao động sẽ xử lý hình sự, còn nếu chỉ dừng lại ở đưa tin, quảng bá sai sự thật thì chính quyền địa phương có thể xử lý hành chính theo quy định.
Về lâu dài, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục đăng tải thông tin cảnh báo, khuyến nghị chung đối người lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ không riêng gì thị trường Campuchia. Người lao động đi xuất khẩu lao động không theo đường "chính ngạch" xác định bị lừa đảo hoặc thu tiền trái quy định thì có thể thông tin đến đường dây nóng của cục để cơ quan chức năng kiểm tra, điều tra.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể để phòng ngừa sự lạm dụng, lừa đảo trong hoạt động tuyển dụng, kể cả các hành vi sẽ dẫn tới lao động cưỡng bức hoặc buôn bán người.
Về lâu dài, người lao động cần được miễn phí tìm việc và các chi phí khác liên quan đến việc tuyển dụng; thông tin về địa điểm, yêu cầu và nhiệm vụ trong công việc phải rõ ràng...
Cũng theo ILO, hợp đồng bằng văn bản cần được chuẩn bị bằng ngôn ngữ mà người lao động hiểu được và phải được gửi cho người lao động trước khi họ xuất cảnh. Cơ quan chức năng cần có các biện pháp ngăn ngừa việc thay đổi nội dung hợp đồng và đảm bảo hợp đồng được thực hiện theo nội dung đã cam kết.
Nạn nhân trở về cần được quan tâm kịp thời
TS tâm lý Lê Minh Thuận - trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM - cho biết nhiều bạn trẻ bị lừa bán ra nước ngoài sau khi được cứu trở về có những tổn thương từ thể xác lẫn tinh thần.
Nếu không được quan tâm, giúp đỡ từ gia đình và xã hội, đặc biệt là những trẻ nữ sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng, suy nghĩ tiêu cực, có hành vi chống đối xã hội và thậm chí có hành vi tiêu cực.
Nếu được chăm sóc, an ủi những tổn thương của trẻ có thể biến mất theo thời gian, nhưng ngược lại nếu không trấn an được tâm lý, trẻ có thể ám ảnh suốt đời, làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ngay khi trở về, gia đình có vai trò rất quan trọng, cha mẹ phải chấp nhận và hãy trấn an tâm lý của trẻ, phải thường xuyên bên cạnh an ủi, chia sẻ.
Nhiều trẻ khi gánh phải tổn thương nhưng vì ngại không thể chia sẻ với cha mẹ, sợ cha mẹ đau khổ, sợ bất hiếu, lúc này phụ huynh hãy đưa con cái mình đến các chuyên gia tâm lý tại địa phương hay những nơi cao hơn để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Ngoài ra vai trò của xã hội cũng rất quan trọng, khi các em trở về, chính quyền, đoàn thể địa phương phải hỗ trợ các em cả về vật chất lẫn tinh thần, đối với những trẻ lớn có thể hỗ trợ, tìm cho các em được công việc mới nhanh nhất để trẻ nhanh hòa nhập với cộng đồng, quên đi nỗi đau.
THU HIẾN
Cô gái được cứu về sau gần 20 năm bị lừa bán sang Campuchia
Chị Duyên (phải) vẫn chưa tỉnh hồn sau nhiều năm trong “động quỷ”, còn dì ruột chị Duyên không ngờ đã gặp lại chị - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dù đã về nhà được 4 ngày (từ hôm 18-6) nhưng chị Duyên vẫn chưa tỉnh hồn, vẫn ám ảnh những nỗi kinh hoàng khi ở trong "nhà thổ" tại Campuchia.
Ngày 22-6, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm đến nhà của chị Trần Thị Trang Duyên (33 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang) trong lúc hàng xóm vẫn còn đang vui mừng khi hay tin chị trở về từ bên kia biên giới.
Bà Trần Thị Tuyết Anh, dì ruột Duyên, cho biết từ nhỏ Duyên đã sống với bà ngoại do cha mẹ ly hôn. Nhà nghèo, mới học lớp 6 chị đã phải đi nhặt ve chai kiếm tiền giúp bà. Lúc này Duyên đã gặp bạn bè rủ đi Campuchia nên cô gái mới lớn đã lén gia đình ra đi.
Duyên kể khi tới Campuchia chị đã bị bán sang tay cho một đường dây cà phê ôm. Ban ngày chị bị giam lỏng trong căn phòng kín, đêm xuống ép mặc đồ hở hang để tiếp khách. Nhiều lần chị đã tìm cách tháo chạy nhưng lần nào cũng bị bắt lại đánh đến ngất xỉu. Mỗi ngày từ 10h đến khuya, chị phải mua vui liên tục cho hàng trăm người lạ.
Những ngày "đèn đỏ", người kiệt sức vẫn không được phép nghỉ ngơi. "Mỗi lần không tiếp khách là họ đánh bằng báng súng lên đầu nên tôi thấy đau đầu và nhớ hoài. Dù làm suốt ngày nhưng họ không trả tiền mà chỉ cho tôi 2 buổi cơm thôi. Tôi bị họ bắt buộc phải tiếp khách và đưa đi chỗ này đến chỗ khác" - chị Duyên kể.
Có lần chị thoát được ra ngoài, gặp một người Việt Nam và ngỏ ý muốn quay về nước nhưng bị người này bán cho một quán bia ôm khác. Khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp, chị may mắn thoát được ra ngoài và sống ở một căn chòi bên bờ sông trước khi được cứu về nước.
Trung tá Nguyễn Bửu Thuận - trưởng Công an phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên - xác nhận chị Duyên vừa được nhóm YouTuber cứu từ Campuchia về Việt Nam. Đơn vị đã phối hợp với địa phương và các ngành cấp lại căn cước công dân cho chị Duyên. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm cho gia đình chị Duyên.
"Theo tường trình của chị Duyên, chị bị lừa bán sang Campuchia vào năm 2004. Chị cũng không biết người lừa bán là ai mà chỉ biết tên Mi (khoảng 17 tuổi, không rõ địa chỉ) nên rất khó xác định.
Gia đình chị Duyên là khu vực nhà hộ nghèo, khó khăn nên chúng tôi đã đề nghị địa phương tìm nguồn vốn nào giúp họ có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Do chị Duyên không nhớ rõ tên và địa chỉ người bán nên chúng tôi đã báo cáo Công an TP Long Xuyên tiếp tục hỗ trợ điều tra vụ việc này" - trung tá Thuận nói.
Phối hợp với các tỉnh biên giới ngăn nạn mua bán người
"Hiện nay tình trạng lừa đảo bán sang Campuchia chủ yếu là đánh vào tâm lý người lao động ham tìm "việc nhẹ, lương cao" nên nhiều người đã sập bẫy.
Do đó đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác đối với nhóm người tuyển dụng lao động sang Campuchia và mạnh dạn tố giác tội phạm" - trung tá Nguyễn Bửu Thuận nói.
Ông Châu Văn Ly - giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh An Giang - cho biết hằng năm sở đều ký kết phối hợp liên tịch với các lực lượng công an, quân sự, biên phòng và Hội phụ nữ tỉnh, cũng như phối hợp với các tỉnh bên kia biên giới để tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em.
"Nếu bên nước bạn phát hiện người nào là nạn nhân của buôn bán phụ nữ, trẻ em thì họ sẽ giải cứu, sau đó giao người lại cho tỉnh An Giang ở đường cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Mấy năm nay An Giang chỉ tiếp nhận nạn nhân từ các tỉnh đưa về qua đường cửa khẩu, chứ An Giang chỉ có 1 nạn nhân vào năm 2021. Đa số những lao động nữ bị lừa bán sang Campuchia rồi được giải cứu là ở các tỉnh bạn", ông nói.
BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận