04/12/2012 11:50 GMT+7

Đừng thờ ơ khi gặp cướp

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Đó là ý kiến của hai hiệp sĩ bắt cướp Nguyễn Tăng Tiên (Bình Dương) và Nguyễn Văn Minh Tiến (TP.HCM) khi đề cập chuyện khuyến khích người dân cùng đoàn kết, chung tay góp sức chống cướp trong tình hình hiện nay.

Hai anh muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện bắt cướp cũng như phòng chống cướp trên đường phố.

JASB3hgg.jpgPhóng to
Nhiều người rất chủ quan. Ra đường mang laptop mà cứ móc bên hông xe hoặc đeo toòng teng, đem của khoe như vậy chỉ làm mồi cho cướp - Anh Nguyễn Tăng Tiên

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, hai hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên và Nguyễn Văn Minh Tiến nói các anh muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện bắt cướp cũng như phòng chống cướp trên đường phố.

Không để cướp làm càn

* Hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên (35 tuổi, quê Quảng Ngãi, hiện sống bằng nghề làm bánh mì tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) tham gia bắt khoảng 150 vụ cướp, nhận được nhiều bằng khen, tuyên dương của các cấp. Năm 2011, hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên là nhân vật trong chương trình Người đương thời của VTV.

* Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến (38 tuổi, sống tại quận 12, TP.HCM) đã bắt gần 1.000 vụ cướp. Hiện hiệp sĩ Tiến là nhóm trưởng nhóm hiệp sĩ đường phố TP.HCM với gần 100 thành viên, trong đó có 17 thành viên hoạt động thường xuyên.

Theo hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên, cướp làm càn là do người dân còn có thái độ thờ ơ, bỏ mặc nạn nhân khi có vụ cướp xảy ra. Anh Tiên nói:

- Không phải do cướp không sợ mình mà do người dân mình sợ nó. Tôi đã thấy nhiều vụ cướp, người đi đường đông lắm mà ai cũng bỏ đi. Nắm bắt được tâm lý đó, tụi cướp càng làm càn. Theo tôi, nếu không đủ sức đấu lại nó thì ai cũng có thể tri hô lên. Khi có người tri hô, bọn cướp sẽ hoảng sợ.

* Nhưng cướp đi đông, có “hàng nóng” trong người...

- Bắt cướp có rất nhiều cách, nếu là thanh niên có sức khỏe thì xông vào, không làm được điều này thì bình tĩnh ghi nhận nhân dạng, nhớ số xe, sau đó báo công an.

* Anh nói tụi cướp sợ người ta, nhưng có vụ bắt cướp xong là bị trả thù mà cụ thể là anh bị Tuấn “chó” và đàn em đến nhà chém.

- Cái đó là xui thôi, ít khi xảy ra lắm. Tôi bắt cướp rất nhiều lần, chuyện trả thù rất hiếm, hù dọa thì nhiều.

* Kinh nghiệm bắt cướp của anh là gì?

- Bắt cướp phải dũng cảm nhưng không được háo thắng. Nếu có tri hô thì làm ngay ở hiện trường để người khác vây lại giúp đỡ. Còn nó chạy rồi cứ để nó chạy, âm thầm bám theo, sau đó bất ngờ ra tay. Mọi người nên nhớ, muốn bắt cướp phải có sức khỏe, cần nhất là có võ, không nên bắt cướp khi không đủ các điều kiện này.

* Theo anh, vì sao hồi trước cướp không nhiều như bây giờ?

- Tôi thấy mười thằng cướp hết tám, chín thằng nghiện, giờ tụi nó không chơi xì ke nữa mà chơi hàng đá. Xì ke thì phê vài tiếng là hết, còn hàng đá có khi mấy ngày mới hết, nên nó liều lắm. Nhiều lần tôi bắt được cướp thấy tụi nó đang phê thuốc.

* Anh cũng có một người em từng đi cướp và cũng bị nghiện?

- Tôi đã đưa em tôi đi cai nghiện không biết bao nhiêu lần nhưng không hết nghiện nổi. Mẹ tôi ở quê không hiểu ma túy là cái gì, không biết đó là con đường chết, cứ nghĩ tôi là người anh mà sao cứ bắt em mình vô trại, vô con đường bần cùng. Giờ tôi coi như đã bất lực, đành chặc lưỡi, coi như mất thằng em.

Tôi muốn Nhà nước phải làm chặt lại vụ cai nghiện này, chứ đứa nào cũng như em tôi thì làm sao hết con nghiện, làm sao mà cướp không lộng hành? Cái thằng đã nghiện rồi thì bằng mọi giá phải đi ăn cướp, ăn trộm, mỗi ngày cả triệu tiền thuốc thì lấy đâu ra.

3enXnGNK.jpgPhóng to
Mọi người cứ đoàn kết chống cướp chứ không nên sợ, chủ động bình tĩnh thì sẽ chống được cướp. Ai cũng làm được vậy thì cướp sẽ giảm rất nhiều - Anh Nguyễn Văn Minh Tiến

Phải có phương pháp

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến cho rằng muốn truy đuổi cướp thì phải có kinh nghiệm, có kỹ năng. Anh Tiến nói:

- Khi bị cướp hoặc thấy người khác bị cướp, ai có sức khỏe và có cơ hội thì đuổi theo đạp tên cướp té xuống, nhưng tuyệt đối không được nhào vô ôm. Đồng thời tri hô để công an và người dân xung quanh nhào vô yểm trợ. Hãy cố gắng nhớ biển số xe của tên cướp, dù đeo bảng số giả nhưng bọn cướp vẫn thường giữ biển số cũ để đi cướp tiếp. Nhiều tên cướp đã bị bắt từ chính thông tin về biển số giả này.

Muốn đuổi cướp phải biết chạy xe cực tốt. Tôi đã chứng kiến cảnh một người dân đuổi cướp nhưng không bắt được cướp mà lại đụng người đi đường bị thương. Nhiều người đuổi cướp cứ đuổi sát rạt mà bất kể an toàn. Tụi cướp không phải là lũ tay mơ, nhiều khi bị truy đuổi, nó đang chạy rất nhanh bỗng nhiên hạ tốc độ, chờ người đuổi đến gần rồi lách qua đường khác và tăng tốc xe chạy mất. Lúc đó người đuổi cứ mải mê bám theo, không kịp giảm ga nên rất dễ va chạm với những người khác đang đi đường.

* Anh có thể giúp mọi người nhận dạng đặc điểm của bọn cướp?

- Khi đi đường cần chú ý coi có ai kè sát mình trên một đoạn dài, nếu khả nghi nên thử quẹo cua, qua đến hai cua mà đối tượng khả nghi đó vẫn quẹo theo thì khả năng lớn đó là cướp. Lúc đó cần tìm chỗ an toàn dừng lại ngay. Đừng suy nghĩ là cướp phải đi xe hầm hố, mặc đồ bụi bặm, đầu tóc bờm xờm. Có nhiều tên cướp đi xe rất xịn, thậm chí cả SH, mặc đồ rất đẹp và có cả nam lẫn nữ.

* Đối với người dân, nên tham gia bắt cướp như thế nào để hiệu quả và an toàn?

- Tôi nghĩ muốn làm nghĩa hiệp phải có phương pháp, đặc biệt là biết võ và dũng cảm. Cách đây ít lâu tôi truy đuổi hai tên cướp ở ngã tư Phú Nhuận, đạp cướp văng khỏi xe và đuổi bộ gần 2km, rồi phải dùng côn nhị khúc tóm được tên cướp. Trên đường truy đuổi, nhiều người dân lao vào ứng cứu nhưng tôi vẫn yêu cầu mọi người tránh ra. Tên cướp này cầm mã tấu dài, người bình thường lao vào tay không là dính đòn. Cuối cùng, tôi thấy cần lưu ý là khi mình đang truy đuổi mà nếu thấy cướp quay lại tấn công thì nên chạy. Chạy không phải là sợ, chạy để giữ gìn tính mạng và kéo tên cướp về hướng có đông người dân, khiến tên cướp hoảng sợ mà không dám tiếp tục có hành vi liều lĩnh.

* Để tránh khỏi bị cướp, anh có lời khuyên gì?

- Đa số vụ cướp xảy ra là do người đi đường sơ hở, không đề phòng. Tài sản hay bị cướp nhất là dây chuyền, balô đựng laptop, điện thoại, bóp. Ai nghe điện thoại ngoài đường đều có ý thức đề phòng bị cướp, nhưng khi bị câu chuyện cuốn đi thì quên mất và rốt cuộc bị cướp ra tay. Đối với balô, khi đi xe tốt nhất là đeo ngược lên phía trước, cướp không thể cắt balô và cũng không giật được. Tuyệt đối không mang giỏ nhỏ, đeo bên hông. Nhiều chị em công sở buổi trưa đi ăn cơm thường mang theo bóp và điện thoại cầm tay, mang đồ kiểu này chỉ có làm mồi cho cướp, không chỉ mất của mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Kiên quyết đấu tranh chống nạn trộm cướp

Liên quan đến cướp giật táo tợn xảy ra trên địa bàn TP.HCM thời gian qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản gửi giám đốc Công an TP, chủ tịch UBND các quận, huyện yêu cầu kiên quyết đấu tranh với tội phạm và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của TP.

Theo đó, UBND TP yêu cầu giám đốc Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, rà soát địa bàn, quản lý chặt chẽ và có biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm. Công an TP cần phối hợp với các địa phương giáp ranh mở đợt cao điểm truy quét, trấn áp các băng nhóm trộm cắp, cướp giật tài sản.

Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện phối hợp với các ngành chức năng xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để giải quyết dứt điểm, không để tội phạm gia tăng, băng nhóm trộm cắp, cướp giật lộng hành.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên