27/07/2006 13:57 GMT+7

Dùng thiết bị dò sóng chống gian lận thi cử bằng ĐTDĐ

Quách Tuấn Ngọc (Người lao động)
Quách Tuấn Ngọc (Người lao động)

Ý tưởng này khả thi và hiệu quả nhất vì giá thành hợp lý. Bộ GD-ĐT đang xem xét để áp dụng trong mùa thi tới. Bài viết của TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT, cũng là tác giả ý tưởng.

Báo động gian lận thi cử bằng ĐTDĐChống gian lận thi cử qua điện thoại di động

Trong các kỳ thi những năm gần đây đã nở rộ gian lận thi cử bằng công nghệ cao, chủ yếu dùng ĐTDĐ. Công tác coi thi và trinh sát của công an được siết chặt tại các hội đồng thi nên đã phát hiện nhiều trường hợp. Đặc biệt công an đã lần ra dấu vết của các đường dây có tổ chức chặt chẽ để “gà” bài qua ĐTDĐ với giá thuê đến vài chục triệu đồng. Trong những năm tới, khả năng sử dụng các thiết bị MP3 trông giống như cây bút, có đầy đủ tai nghe có thể sẽ được các đường dây này áp dụng.

Trước tình hình đó, một mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT tăng cường chỉ đạo công tác coi thi, tập huấn giám thị, một mặt đôn đốc tìm kiếm biện pháp phòng chống khác. Trung tâm tin học đã đề xuất thực hiện một số giải pháp.

Chúng ta ai cũng biết rằng tất cả các cuộc gọi đi, gọi đến đều được các tổng đài quản lý trên máy tính. Vì vậy Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ như VNPT, VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN, FPT, Cityphone... để bàn biện pháp thực hiện. Các đơn vị này đều hứa sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ cụ thể cùng với các đơn vị an ninh trong năm sau vì còn phải chuẩn bị làm phần mềm.

Nguyên lý có thể thấy ngay là tại thời điểm tổ chức thi, máy tính có thể sàng lọc các cuộc gọi đi và đến mang tính bất thường như kéo dài quá lâu, kéo dài cả buổi. Từ đó sàng lọc ra các cuộc nghi vấn để điều tra tiếp. Nếu làm tốt thì có thể xử lý tức thời, căn tọa độ cuộc gọi.

Biện pháp thứ hai là dùng máy phá sóng. Trên thực tế, tại điểm làm đề thi đã lắp máy phá sóng. Trong phạm vi khoảng 100 m, các máy ĐTDĐ sẽ bị tê liệt. Biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các vùng xung quanh và khá tốn kém.

Biện pháp thứ ba là dùng thiết bị dò sóng trong phòng thi. Số lượng phòng thi mỗi đợt có thể lên đến gần 20.000. Về nguyên tắc, có nhiều linh kiện điện tử phát hiện năng lượng sóng điện từ của ĐTDĐ trong phạm vi từ 0,5 m đến 1 m. Độ nhạy như vậy là đủ. Nhạy quá sẽ khó phát hiện máy điện thoại trong phạm vi bán kính rộng. Đây có lẽ là biện pháp khả thi và hiệu quả nhất vì giá thành phù hợp, có thể cấp phát đến từng phòng thi, phát hiện và bắt giữ ngay đối tượng trong bán kính 1 m trở lại. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị đặt mua hàng thử nghiệm, bổ sung báo động bằng âm thanh.

Biện pháp thứ tư là dùng thiết bị dò kim loại, áp dụng như cổng check-in ở sân bay. Trong trường hợp này, mọi thiết bị đều bị phát hiện ngay từ ngoài cổng. Phương án này có nhược điểm là cồng kềnh khi triển khai.

Quách Tuấn Ngọc (Người lao động)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên