Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 được đặt mục tiêu tăng khoảng 10%. Trong ảnh: mua sắm vào những ngày cuối năm 2017 tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhưng không có nghĩa là không có những nỗi lo để từ đó tìm các giải pháp tháo gỡ phát triển mạnh hơn trong năm mới, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ cuối năm vừa qua: "Đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Chuyên gia
GS.TSKH NGUYỄN QUANG THÁI (tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN):
Khắc phục "trên nóng, dưới lạnh", cuối năm"chạy kế hoạch"
Năm 2017 tưởng chừng như có nhiều khó khăn chồng chất, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt… nhưng VN đã thu được những kết quả rất tích cực, GDP tăng vượt kế hoạch.
Thành tích tăng trưởng GDP vượt kế hoạch là đáng khích lệ, nhưng những nút thắt của nền kinh tế vẫn còn đó khi chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp...
Thực tế vẫn còn những trăn trở cho nền kinh tế VN. Kết quả đạt được chưa vững chắc, chất lượng có phần chưa tương xứng.
Ví dụ, khu vực FDI chiếm tới 72% giá trị xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 28% giá trị xuất khẩu là mức khá thấp.
Điều đáng lưu tâm là dù chiếm tới 72% giá trị xuất khẩu, 1/2 giá trị sản xuất công nghiệp nhưng tỉ trọng FDI trong GDP chưa năm nào vượt 20%, phản ánh nhiều vấn đề cần điều chỉnh trong chính sách thu hút vốn FDI có chất lượng cao hơn, cũng như chính sách đẩy mạnh khu vực nội địa…
Nhìn cụ thể hơn vào các ngành lĩnh vực kinh tế, dù hầu hết được đánh giá là phát triển tích cực, nhưng cũng có tăng trưởng hiệu quả không cao.
Chẳng hạn, trong khi ngành điện và năng lượng tăng mạnh, nhưng năng lượng điện dựa quá nhiều vào than nhập khẩu.
Các ngành dệt may, điện tử phát triển mạnh, nhưng tới đây khi công nghiệp 4.0 và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, bài toán đặt ra cho VN khi lao động tay nghề còn hạn chế, FDI có thể chuyển hướng sang nước khác…
Với mức tăng GDP năm 2017, GDP bình quân đầu người tăng thêm 170 USD so với năm 2016. Tuy nhiên, cơ cấu lao động trong nông nghiệp năng suất thấp chiếm đến 42% tổng lao động nên đã kéo năng suất lao động chung xuống thấp.
Kinh tế của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tuy quan trọng nhưng chưa vượt 10% GDP, còn kinh tế hộ cá thể năng suất thấp chiếm tới hơn 30% GDP sẽ là một rào cản cho định hướng tăng năng suất.
Do đó, cần có những định hướng căn cơ hơn. Nếu chỉ tập trung "chữa cháy" ngắn hạn thì chắc chắn khó khăn còn dài thêm... VN cần có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến các lĩnh vực có hiệu quả, năng suất và chất lượng cao hơn.
Phải tiếp tục hoàn thiện các nền tảng của tăng trưởng là đổi mới đồng bộ thể chế, xây dựng nền tảng về lao động chất lượng cao và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại...
Vấn đề là kiên trì thực hiện các chủ trương đúng và cập nhật các diễn biến mới để có chủ trương và chính sách phù hợp.
Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đầu năm đủng đỉnh, cuối năm "chạy kế hoạch" còn khá phổ biến sẽ làm khó khăn thêm nặng nề.
Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (chuyên gia Viện Chính sách và phát triển truyền thông - IPS):
Xóa bỏ triệt để giấy phép con
Số lượng giấy phép con quá khổng lồ, những quy định bất hợp lý quá nhiều khiến chi phí "bôi trơn", "xin phép", chi phí "quan hệ" quá lớn.
Ví dụ, quy định tem lịch, tem rượu - không giúp ích gì cho việc chống rượu giả, lịch giả - còn khiến doanh nghiệp tiêu tốn thêm hàng trăm tỉ đồng.
Rồi những dạng "tham nhũng chính sách" núp bóng quản lý, những chính sách cố tình đặt ra để tạo lợi thế cho một nhóm doanh nghiệp nào đó.
Điển hình như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (nghị định 19), thông tư 20 về kinh doanh nhập khẩu ôtô khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản.
Hoặc những loại giấy phép - điều kiện mà cơ quan quản lý cố tình đặt ra để thu vén lợi ích cho riêng mình, điển hình như điều kiện kinh doanh ngành in; giấy phép nối bản trong ngành xuất bản; rồi thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch...
Còn nhiều việc phải làm. Với doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ tốt nhất là xóa bỏ triệt để giấy phép con và những quy định kinh doanh bất hợp lý.
Dù nhiều bộ ngành đã vào cuộc nhưng vẫn chưa đủ, bởi có không ít bất cập vẫn chưa được sửa tận gốc, hay một dạng biến tướng mới.
Quan trọng hơn, việc cắt giảm giấy phép kinh doanh mới chỉ là một nửa công việc phải làm; cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế thị trường thông qua tiến hành cải cách một cách có hệ thống các thiết chế điều tiết thị trường và quy định hành chính mới giúp thể chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh thực sự.
Làm được điều đó, tác động tích cực đến doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tự đến, từ đó giúp nâng cao năng suất và thu nhập của người lao động.
Startup trẻ
TRẦN NGUYỄN LÊ VĂN (CEO VeXeRe.com, doanh nhân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016):
Đầu tư vào gốc rễ startup
Tôi cảm thấy Chính phủ đã có sự hỗ trợ khá tốt cho startup (khởi nghiệp), tuy nhiên vẫn còn những bất cập về mặt chính sách chưa thay đổi kịp với tốc độ phát triển công nghệ. Chính phủ nên đầu tư vào gốc rễ, phải đào tạo startup.
Có phong trào khởi nghiệp, có những vườn ươm doanh nghiệp nhưng không có những startup chất lượng thì không thể thu hút đầu tư bên ngoài. Nếu muốn có startup chất lượng phải có những chương trình đào tạo, xuất phát từ các trường ĐH. Mong rằng trong năm 2018 sẽ giải quyết từ gốc rễ bài toán startup này.
Giảng viên
TS HUỲNH THANH ĐIỀN (khoa quản trị kinh doanh ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM):
Thay đổi tư duy "làm thay" doanh nghiệp
Tôi nghĩ rằng để các chỉ số kinh tế trong năm mới này đi vào thực tiễn, có lẽ cần triệt để thay đổi tư duy. Thay vì "làm thay" cho doanh nghiệp thì nên sáng tạo cơ chế, điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp được tham gia.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lựa chọn chiến lược kinh doanh tránh đối đầu, cạnh tranh với doanh nghiệp lớn, nên tìm cách hợp tác để cung ứng phụ trợ hoặc phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ cho doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Đồ họa: Vĩ Cường
Doanh Nhân
Ông JACK NGUYỄN (tổng giám đốc Công ty TMF tư vấn đầu tư nước ngoài):
Tăng cường đầu tư vào giáo dục
Hai năm qua, chúng ta chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài sôi động vào VN. Tôi nghĩ những năm tới tình hình sẽ tiếp tục phát triển như vậy. Các lĩnh vực được chú ý là y tế, chăm sóc cá nhân, dịch vụ giáo dục, cao đẳng nghề...
Điều thuận lợi là các nhà đầu tư cảm nhận VN đang rất chào đón dòng vốn này, nhiều ưu đãi, chính sách thông thoáng dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Khoảng một năm gần đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực tuyển dụng nước ngoài có tên tuổi xuất hiện ở VN ngày càng nhiều, điều đó cho thấy cơ hội việc làm, lương bổng... tại thị trường VN đang hấp dẫn.
Họ thấy được thị trường lao động VN rất tiềm năng. Họ thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng nhanh ở VN và cần một thị trường lao động chất lượng cao.
Trong năm 2018, để duy trì sức hấp dẫn đang có, VN vẫn nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách, Chính phủ tăng cường đầu tư vào giáo dục vì chất lượng nhân sự hiện nay đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng cao hơn.
Bà ĐẶNG MINH PHƯƠNG (tổng giám đốc Công ty MP Logistics):
Hạ chi phí logistics để nâng sức cạnh tranh
Năm mới, tôi kỳ vọng Chính phủ có nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa cho ngành logistics.
Nền kinh tế của chúng ta với chi phí logistics đang chiếm đến 18% GDP, thậm chí cao hơn tỉ lệ mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống kê được, như vậy rất khó để "nói chuyện" với các doanh nghiệp trong cùng khu vực về yếu tố giá cạnh tranh, hay ưu thế cạnh tranh.
Trong khi mục tiêu của quyết định 200 ban hành từ tháng 2-2017 phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và dịch vụ logistics đã nhấn mạnh đến năm 2025 sẽ đưa VN trở thành một trung tâm logistics của khu vực, ít ra là khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng. Thời gian để làm được điều này không còn nhiều.
Nếu không có các giải pháp đồng bộ được thực thi quyết liệt từ trên xuống dưới thì năng lực cạnh tranh của ngành logistics VN sẽ chỉ mãi xếp "lẹt đẹt", như mức xếp hạng thứ 64 mà WB ghi nhận năm 2016.
Ông TRẦN VIỆT ANH (phó chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM):
Xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh
Tôi rất ấn tượng với con số xuất nhập khẩu năm 2017 trên 400 tỉ USD. Con số này phản ánh hiện thực là năm 2017, rất nhiều doanh nghiệp đổ vốn vào đầu tư, nâng cấp mua sắm máy móc thiết bị, vật tư cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, trong đó sự nỗ lực, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân không hề nhỏ.
Tôi đề xuất Chính phủ cần có những thống kê, đánh giá cũng như theo dõi sự phát triển của khối này nhằm xây dựng những kế hoạch, chương trình hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp tư nhân trở thành nòng cốt chính trong nền kinh tế nước ta.
Mặt khác, để nguồn lực xuất khẩu phát triển thật sự bền vững, nên chăng trong cơ cấu xuất khẩu của năm nay và các năm tới, Chính phủ cần khuyến nghị doanh nghiệp tập trung xuất khẩu những mặt hàng mà VN thật sự có thế mạnh, làm chủ được nguồn nguyên liệu nguồn. Thay vì chạy theo số lượng (kim ngạch), sao chúng ta không tập trung tối đa vào các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, mạnh dạn thoát dần những mặt hàng thâm dụng lao động nhiều nhưng chủ yếu chỉ làm gia công?
Việc thực hiện các chương trình phát triển cho những ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn đã được Chính phủ xác định cần được cấp tập làm nhanh, làm quyết liệt.
Năm 2018: 3 đột phá chiến lược
Ngay ngày đầu năm mới 1-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đề ra phương châm hành động "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả".
Trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao.
Đặc biệt là triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài... nhằm kiểm soát bội chi ở mức 3,7% GDP.
Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng, không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế…
Tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch..., giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng nhấn mạnh việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược, bao gồm: hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nghị quyết nêu rõ tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Triển khai thực hiện nghị quyết về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đổi mới nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giải quyết các khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn.
Đặc biệt, Chính phủ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.
Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng, không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận