Đừng nói khi yêu: "Ngoài đời thì mời em biến"
Nhân vật gây khó chịu nhất chính là Ly (diễn viên Thùy Anh) - nữ chính. Ly được xây dựng là một cô gái trẻ có cá tính mạnh.
Vốn có năng khiếu làm bánh và gia đình có cửa hàng bánh nổi tiếng nhưng Ly chỉ thích đi làm văn phòng, dù không ổn định và đồng lương không đủ sống. Ly có anh bạn thân tên Tú (Đình Tú) chơi với nhau từ hồi mẫu giáo.
Cô cũng đang được "soái ca" Quy (Mạnh Trường) - tên gọi khác là Leo Nguyễn - đeo đuổi. Cô nàng đỏng đảnh này bày đủ thứ trò để trêu Quy.
9 tập phim phát sóng có thể thấy Ly được xây dựng khá cường điệu từ cách nói chuyện cho đến hành động. Thậm chí đôi chỗ còn bị nhận xét là lố bịch và thiếu văn hóa.
Đến tập 8 và 9, khi được anh soái ca đến cửa hàng đặt mua bánh do Ly làm, cô nàng đã bỏ thuốc xổ vào bánh khiến Quy đau bụng một phen. Lý do chỉ vì để chọc tức "soái ca".
Chi tiết này như giọt nước tràn ly khiến nhiều khán giả phản ứng: "Xem đến tập 8 thì mình không thể chấp nhận cách diễn cũng như lời thoại của nữ chính. Trẻ con không ra trẻ con, người lớn cũng chả ra người lớn. Nhí nhảnh, hồn nhiên cũng không. Hơn 20 tuổi chứ có phải đứa trẻ lên 3 đâu mà lại cho bên đối tác ăn bánh bị đau bụng chỉ vì trả thù hộ bạn".
Một khán giả khác bảo: "Có phân đoạn Ly diễn hơi lố quá như đoạn pha trà giằng co với Leo Nguyễn. Ngoài đời thì mời em biến".
Một cô gái khác cũng đang nhận nhiều điểm trừ là Trang (Lương Thanh) - nhân vật thứ chính. Trang là học trò của mẹ Tú và thích Tú từ lúc nhận ra anh. Tình cảm của Trang và Tú chỉ mới bắt đầu nhưng cô đã muốn kiểm soát, muốn thay đổi Tú.
Chính hành động này đã khiến cô kém duyên trong mắt khán giả. Thậm chí một số người cho rằng: "Trang ích kỷ và ảo tưởng. Mới có cơ hội tìm hiểu nhau thôi mà như mẹ người ta không bằng"…
Và Linh (Trình Mỹ Duyên), cô bạn thân của Trang, cũng khiến khán giả thấy bực vì được xây dựng như một cô gái chỉ toàn đi chơi, tiêu tiền (của anh trai) không kiểm soát...
Sai lầm của các nhân vật là nhận kịch bản gây "ức chế"?
Đừng nói khi yêu lấy câu chuyện trọng tâm là tình bạn khác giới. Ly và Tú thân thiết với nhau từ mẫu giáo đến nay. Hai gia đình cũng như người nhà. Vì vậy mà khi mỗi người bắt đầu có những mối quan hệ khác sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Phim có cách xây dựng kịch bản khác lạ, không đi theo mô típ quen thuộc của những bộ phim cùng đề tài. Thế nhưng, con đường đi của phim đến nay có khá nhiều sạn. Có khán giả còn bảo sai lầm của các nhân vật là… nhận kịch bản gây "ức chế".
Khán giả Vũ Hồng Hạnh viết: "Nói chung phim chủ đề tuổi trẻ yêu đương vui vẻ không âu sầu chứ phim nhiều sạn, nhiều đoạn vô lý thiếu logic hoặc tình tiết quá nhanh".
Có khán giả cho rằng họ không thể hiểu nổi kịch bản xây dựng nhân vật nữ chính là phản diện hay chính diện luôn. Chỉ có điều họ xem phim thấy ghét...
Điểm cộng Đừng nói khi yêu chính là diễn xuất của những diễn viên vai phụ huynh.
Đó là một người bố đáng yêu do nghệ sĩ Đức Khuê đảm nhận. Diễn viên Tú Oanh hay Quách Thu Phương vào vai hai người mẹ nhiều nỗi niềm, nhưng cũng trẻ trung và tâm lý... Họ như làn gió mát làm giảm đi sự ức chế của khán giả với những nhân vật trẻ.
Vì thế, vẫn có niềm tin rằng trong các tập tiếp theo các nhân vật sẽ có sự chuyển biến hợp lý trong tâm lý, hành động để có thể thuyết phục khán giả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận