![]() |
Nước Hồ lô vàng được bày bán khá nhiều ở TP.HCM. Theo lời quảng cáo, nhiều người hi vọng uống thứ nước này sẽ chữa được “bá bệnh” - Ảnh: L.Th.H. |
* Thưa bác sĩ, ông có thể cho biết tâm trạng, cảm giác của mình mỗi khi đọc một bài báo nói về những kiểu chữa bệnh “không giống ai” nhưng người dân vẫn tìm đến rất đông?
- Bác sĩ Nguyễn Văn Châu: Điều đầu tiên là tôi hết sức xót xa. Xót xa ở chỗ một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế, chưa được chăm sóc sức khỏe đúng nghĩa. Thứ hai, dù trình độ y khoa đã phát triển rất cao nhưng khi có những bệnh nan y mà phát hiện trễ, đến cơ sở y tế chậm thì việc điều trị vẫn còn hạn chế. Thứ ba, tôi rất bất bình khi thấy người bệnh bị những cơ sở hành nghề trái phép, những ông thầy lang... lợi dụng lòng tin, tâm lý người bệnh để trục lợi. Thứ tư, tôi cảm thấy cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành y tế.
* Vì sao họ lại tìm đến những kiểu chữa bệnh phản khoa học như vậy, thưa ông?
- Người bệnh và gia đình bệnh nhân - nhất là những người mang bệnh nan y, mãn tính - luôn mong muốn bản thân, người nhà của mình hết bệnh, luôn có tâm lý “còn nước còn tát”. Vì thế, khi nghe ai nói ở đâu, có ông thầy nào, kiểu chữa bệnh gì... có thể chữa được bệnh là họ tin ở đó và tìm đến với hi vọng: “Biết đâu may thầy, phước chủ” bệnh sẽ khỏi. Chưa kể một bộ phận người dân còn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và mê tín dị đoan nên đã tìm đến những kiểu chữa bệnh kỳ quặc như báo chí đã nhiều lần phản ánh.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Châu -Ảnh: M.Đức |
- Thật ra những ông thầy lang, những cơ sở hành nghề trái pháp luật muốn trục lợi thì họ phải nghiên cứu rất kỹ tâm lý của người bệnh. Thực tế có một bộ phận người dân chỉ vì muốn tăng cường sức khỏe chứ không phải vì bệnh nan y nhưng đã tin vào những lời quảng cáo quá lố của mấy ông thầy lang băm.
Những cơ sở hành nghề trái pháp luật, những thầy lang như thế thường dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh vào lòng tin của người bệnh; lợi dụng tình trạng, tâm lý người bệnh nan y đang bị mất phương hướng, không còn đường chạy chữa... nhằm trục lợi phi đạo đức. Từ đó họ cố tình đẩy quảng cáo, tuyên truyền cho những biện pháp chữa bệnh phản khoa học.
Thực tế này cũng cho thấy công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế cho người dân còn hạn chế.
* Không phát hiện và để xảy ra những hoạt động khám, chữa bệnh phản khoa học, trái phép tại địa phương, theo ông, trách nhiệm đó thuộc về ai?
- Đó là trách nhiệm của xã hội nói chung, trong đó có ngành y tế và các ngành có liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương. Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương cũng như một số ngành hết sức quyết liệt phát hiện, xử lý những cơ sở chữa bệnh mang tính lừa đảo. Chúng tôi đã đình chỉ, xử phạt rất nhiều cơ sở. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hoạt động trái phép.
Đặc biệt, có một số người, một số cơ sở còn đánh ngay vào tâm lý cùng đường của người bệnh bằng cách “khoác áo” khám chữa bệnh từ thiện, cứu nhân độ thế, làm phúc... sau đó thu lợi. Đây là mặt trái của hoạt động khám chữa bệnh phản khoa học, làm cho cơ quan chức năng thật sự khó xử lý vì những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng này.
* Có biện pháp gì chấn chỉnh thực trạng này không, thưa ông?
- Các ngành, đặc biệt là ngành y tế và chính quyền địa phương, phải kiên quyết hơn trong việc phát hiện, xử lý những cơ sở khám chữa bệnh phản khoa học. Quy định xử lý cũng phải được thể chế hóa một cách cụ thể hơn, mức xử phạt phải nặng hơn, mang tính răn đe hơn... mới có thể hạn chế được thực trạng này. Nếu không họ sẽ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác và tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe dù đã làm rất nhiều nhưng chưa đạt được như mong muốn, cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
* Ông có thể cho người bệnh và gia đình bệnh nhân vài lời khuyên?
- Trên đời này không có loại thuốc nào có thể chữa bá bệnh. Người dân cần thường xuyên tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, kịp thời thì khả năng điều trị khả quan - kể cả bệnh nan y. Khi cần điều trị, nên đến những cơ sở có uy tín và được Nhà nước công nhận, cấp phép. Không nên nghe theo tin đồn. Nhiều khi bệnh mình chưa nặng, đang điều trị có hiệu quả tốt mà lại nghe tin đồn bỏ đi điều trị ở những cơ sở phản khoa học sẽ làm bệnh tình nặng hơn.
Người trong cuộc nói gì? Vì quảng cáo hấp dẫn Tôi bị đau nhức khớp và rất mệt mỏi với chuyện phải uống thuốc mỗi ngày. Nghe bạn bè giới thiệu trong TP mới có một loại máy Emtech có tác dụng “nạp pin cho người”, giúp cơ thể lưu thông máu huyết, giảm đau nhức khớp và trị nhiều bệnh khác... Để đạt được những điều này cách làm khá đơn giản, chỉ cần đến gian hàng ngồi máy 30 phút mỗi ngày. Chưa kể 15 lần ngồi máy ban đầu còn được công ty miễn phí. Nghe những lời quảng cáo hấp dẫn đó nên tôi đã đến ngồi thử. Bà T.T.K.P. (Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) Giá như các bác sĩ đừng hà tiện lời nói Tôi từng tìm đến nhiều bệnh viện trong TP để chữa bệnh đau khớp. Thế nhưng các bác sĩ chỉ kê toa và rất hà tiện lời nói. Không một bác sĩ nào hỏi trước đó tôi uống thuốc gì, điều trị ở đâu. Họ chỉ lạnh nhạt dùng các dụng cụ y khoa khám bệnh hoặc bắt mạch, sau đó kê toa là xong. Tôi luôn phải cầm những toa thuốc này với rất nhiều băn khoăn, thắc mắc mà không biết hỏi ai. Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ nhưng tôi không biết phải điều trị bao lâu, bệnh của tôi có chữa khỏi hẳn được không hay phải uống thuốc lâu dài, phải lưu ý những gì trong quá trình điều trị...(?). Qua nhiều lần phải điều trị trong tâm trạng như vậy, dần dần tôi thấy nản lòng. Cho đến một ngày, một người bạn giới thiệu với tôi về một loại thực phẩm chức năng chữa được nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau khớp. Lúc đó tôi như một người đã bị bịt mắt, không còn khả năng suy xét nên đã bỏ ngay 70 USD ra mua một lọ thực phẩm chức năng này. Sau khi dùng một thời gian tôi mới biết mình bị lừa. Tôi cứ ngẫm nghĩ mình có hiểu biết mà còn bị lừa vậy, không biết những người khác thì sao? Giá như mỗi lần tôi đến bệnh viện chữa bệnh mà được các bác sĩ tư vấn cặn kẽ về bệnh tình của tôi, chắc tôi đã không tìm đến những loại thực phẩm mang tính lừa đảo như vậy. Bà Lê Thúy Hiền (đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM) Thùy Dương ghi |
___________________
Cần chia sẻ thông tin với người bệnh
Việc tin và tìm đến những người, những sản phẩm được quảng bá chữa bách bệnh là hiện tượng khá phổ biến không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước khác - kể cả những nước có nền khoa học phát triển và trình độ dân trí cao như Mỹ.
Khi bệnh AIDS xuất hiện, hằng năm trung bình người dân tiêu tốn đến 2 tỉ USD cho những hoạt động điều trị “lang băm”. Ngay cả khi dịch SARS bùng phát năm 2003, ở Mỹ và trên thế giới cũng rộ lên nhiều phương thuốc được giới thiệu là công hiệu đối với bệnh SARS và nhiều bệnh nan y khác.
Nguyên do của tình trạng này phần lớn là tâm lý khi người dân vừa quá mệt mỏi vì bệnh vừa thất vọng khi y học chính thống bảo với họ rằng bệnh của họ không chữa được hoặc phải dùng thuốc suốt đời. Bởi vậy sự quảng cáo về những loại thuốc “gia truyền” được giới thiệu là chữa được bách bệnh và cách dùng lại rất đơn giản đã là một lối thoát cho sự ức chế tâm lý của người bệnh. Người bệnh với tâm lý “có kiêng có lành”, “thà tin hơn không tin”, “còn nước còn tát” sẽ dễ nghe theo, nhất là khi chịu áp lực bởi những lời đồn đại, thậm chí cả một lực lượng “cò” hùng hậu sẵn sàng chỉ vẽ.
Hạn chế tình trạng này không dễ, vì nó gắn liền với nỗi sợ bệnh và mong muốn được chữa lành trong vô thức của người bệnh. Trong khi đó lực lượng cán bộ truyền thông sức khỏe của các cấp vừa mỏng lại vừa phải đảm đương quá nhiều công việc nên chưa đủ sức tuyên truyền để thay đổi suy nghĩ và hành vi của người dân, nhất là đối với người đang lâm bệnh. Ngành y tế tất yếu sẽ có những hoạt động để hạn chế tình trạng “lang băm chữa bá bệnh” như tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt, cung cấp các thông tin khoa học về tác hại của những sản phẩm hoặc phương thức điều trị phản khoa học.
Tuy nhiên, cũng rất cần sự góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là của báo chí. Khi mà ai cũng bảo nhau phải thận trọng, bình tĩnh, chia sẻ những thông tin đúng đắn do cơ quan y tế cung cấp và tẩy chay những sản phẩm hoặc phương thức điều trị lang băm thì chắc chắn nó sẽ không còn đất sống.
Thạc sĩ - bác sĩ TRƯƠNG TRỌNG HOÀNG (phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận