Phóng to |
0g đêm 23 tháng chạp âm lịch. Âm Linh Tự - nơi thờ tự những bậc tiền nhân anh dũng hi sinh khi tự nguyện gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa dong thuyền vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc và bảo vệ chủ quyền từ hàng trăm năm trước - đã chật kín người. Cư dân đảo Lý Sơn tụ họp về đây để lo mọi vật tế lễ, chuẩn bị dựng cây nêu truyền thống ngày tết.
4g sáng 23 tháng chạp, cây nêu chính thức được dựng lên tại vị trí trước sân chính của Âm Linh Tự. Trên thân mỗi cây nêu có biểu tượng con chim công mà theo lý giải của các bậc cao niên ở Lý Sơn như cụ Trần Ngọc Thọ, người xã An Vĩnh, theo tín ngưỡng dân gian miền biển của vùng là để đuổi yêu, trừ ma.
“Nghinh xuân - mộc điểu - thượng kỳ”. Theo cách giải thích ngắn gọi của người dân đất đảo thì mừng xuân thì dựng cây nêu và cây cờ. Song song với cây nêu thì còn một cây cờ, một lá cờ Tổ quốc và một lá cờ đại. Ông Trần Mười kể: “Từ xưa đến nay, tết cổ truyền phải dựng cây nêu này để cầu năm mới mọi người được bình an, sức khỏe và làm ăn tài lộc”. “Tết nào cũng làm nghi thức này. Không biết tục dựng nêu ngày tết này có từ bao giờ nhưng chỉ biết đã tồn tại trên đất đảo từ rất lâu. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác nên mãi mãi không mất đi”, cụ Võ Văn Hoàng nói. |
Từ 20 tháng chạp âm lịch trở đi, trên đảo Lý Sơn diễn ra tục dựng cây nêu. Nơi dựng nêu sớm nhất là ở lăng Lăng Tân, xã An Vĩnh - nơi thờ tự ngài đại tướng Nam Hải (theo cách gọi của ngư dân miền biển). Ở lăng Lăng Tân, cây nêu được dựng vào ngày 20 tháng chạp âm lịch vì đây là ngày kỵ của của “ông Nam Hải”. Sau đó, đến 0g sáng 24 tháng chạp, tất cả 24 tòa dinh miếu trên toàn đất đảo Lý Sơn mới bắt đầu đồng loạt dựng nêu.
Theo phân cấp, những dinh miếu nào lớn được dựng trước, phân cách thứ bậc hẳn hoi. Cây nêu dựng ở các dòng tộc trên đảo thường phải đến 29 tháng chạp âm lịch (nếu là tháng thiếu) và 30 tháng chạp âm lịch mới dựng.
Khi những cây nêu được dựng lên, trong các dinh miếu, đình làng thường xuyên diễn ra các lễ cúng theo phong tục của người Lý Sơn. Những người có uy tín nhất của làng đứng ra làm chủ lễ trong lễ tế.
Đây là dịp để con cháu, dòng tộc tiền hiền, hậu hiền trên đảo tưởng nhớ bậc cha ông đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi trong hành trình dong thuyền vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc và bảo vệ chủ quyền từ hàng trăm năm về trước nhân ngày tết cổ truyền dân tộc.
Lễ cúng còn cầu nguyện cho một năm mới quốc thái dân an, nông đắc tài, ngư đắc lợi. Sau lễ cúng, người trong làng ngồi quanh các tòa dinh miếu cùng nhau bàn tính chuyện làm ăn sang năm mới. Việc hàn huyên ở đây thường kéo dài đến tận khi hạ cây nêu. Thường vào thời gian từ mùng 7 tết đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.
Nét đẹp văn hóa ngày tết với những tập tục rất riêng của người dân đất đảo Lý Sơn vẫn cứ trường tồn như vậy vào mỗi độ tết đến xuân về.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận