22/08/2018 10:42 GMT+7

Đừng lặng im trước tội phạm

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TTO - Không trình báo công an hoặc không thông tin cho nhiều người biết cũng giống như... dung dưỡng cho tội phạm vì chúng không bị trừng trị. Cái xấu ngày càng sinh sôi nảy nở nếu kẻ xấu quá dễ kiếm tiền từ hành vi phạm pháp.

Đừng lặng im trước tội phạm - Ảnh 1.

Công an lấy lời khai của tên cướp điện thoại, dựa trên trình báo sau đó sẽ trả lại tài sản cho nạn nhân - Ảnh: T.T.D.

Chiều chủ nhật rồi, một đồng nghiệp của tôi trên đường từ An Giang về TP.HCM cùng gia đình.

Khi qua khỏi cầu Mỹ Thuận được hơn ba cây số, sau khi ghé chỗ bán trái cây chạy ra được một đoạn thì xe bị một thanh niên đi trên xe gắn máy màu đỏ, mang biển số Tiền Giang chặn trước đầu xe, bắt phải đền... 30 triệu đồng vì "lui xe ra cán chết mấy con gà quý".

Trên xe toàn phụ nữ và người già, nên dù chẳng cán phải con gà nào nhưng mọi người cũng phải đưa 1 triệu đồng cho tên này cho qua chuyện nhưng hắn không chịu, đến khi lái xe nói để kêu công an tới giải quyết thì người này mới chịu bỏ đi.

Có một thực tế tồn tại lâu nay là đại đa số người dân đều chọn cách không trình báo gì với công an khi mình là nạn nhân của tội phạm. 

Mấy năm trước, tôi từng phản ảnh với Tuổi Trẻ về vụ "xin đểu" lúc khuya vắng trên cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Qua đó, công an địa phương đã điều tra bắt giữ được nhóm này. 

Bạn tôi, cách đây hai tháng, vừa bước xuống xe buýt trước Đại học Luật (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã bị hai thanh niên đi xe phân khối lớn giật phăng chiếc điện thoại di động trên tay rồi biến mất khi quẹo vào con hẻm bên phải gần đó. 

Bạn chép miệng tự an ủi: "Thôi, của đi thay người".

Một đồng nghiệp nam đi làm về tối trên đường Lê Văn Việt (Q.9, TP.HCM) đã bị mấy thanh niên bặm trợn chặn xe "xin đểu". Một đồng nghiệp nữ trên đường đi làm về ở Khu công nghiệp Sóng Thần đã bị giật phăng sợi dây chuyền đang đeo. 

Một bạn trẻ trên đường đi học về tối bị giật chiếc balô đựng laptop khi gần tới ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức). Một người quen bị ép xe giật dây chuyền dẫn đến té ngã gãy tay. 

Tất cả đều chọn cách không trình báo với cơ quan công an địa phương vì có chung lý do: ngại mất thời gian, phiền phức mà chưa chắc đã lấy lại được tài sản bị mất.

Tôi đã có lần bị giật đồ, tôi quyết liệt đuổi theo, đến đoạn giao lộ, tên này quýnh quáng té xuống đường rồi bỏ chạy. Tôi nhận lại đồ bị cướp, định đi tiếp nhưng được công an địa phương xuất hiện mời về trụ sở làm thủ tục khai báo. 

Tờ khai giống như một bản tường trình, phải khai rõ nhân thân và viết chi tiết vụ việc. Thủ tục khai báo mất gần ba giờ đồng hồ, vì còn đợi đối chiếu với lời khai một người dân làm chứng khác.

Nhưng nếu không trình báo hoặc không đưa sự việc của mình cho nhiều người biết cũng là một cách... dung dưỡng cho tội phạm vì chúng không bị trừng trị. Và cái xấu ngày càng sinh sôi nảy nở nếu thấy quá dễ kiếm tiền từ hành động phạm pháp của mình. 

Thiết nghĩ cơ quan công an, báo chí cần mở một trang trên mạng xã hội (như nhóm hiệp sĩ Bình Dương do anh Nguyễn Thanh Hải đang thực hiện) cho mọi người dễ dàng thông báo khi mình bị cướp giật, "xin đểu"... có ghi địa bàn cụ thể nơi bị mất tài sản để cơ quan chức năng giải quyết.

Quan trọng nữa là khi gặp tội phạm, cần bình tĩnh ghi nhớ hết biển số, đặc điểm xe hoặc nhân dạng của chúng... mới góp phần khiến tội phạm không còn đất sống. 

Và qua đó, cơ quan chức năng có thể đánh giá công an địa phương nào chưa quyết liệt đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn mình phụ trách nếu lượng thông tin trình báo nơi đó ngày càng gia tăng.

Vì sao họ không báo công an?

Đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nhận được nhiều thông tin bạn đọc báo về chuyện bị cướp giật nhưng họ không nghĩ đến/không dám báo công an, vì sao vậy?

Do quá hoảng sợ

Tôi đi ôtô từ TP.HCM ra Nha Trang, lúc 3h sáng ngang qua địa phận Ninh Thuận (cách Nha Trang 83km) tôi bị chặn xe cướp 15 triệu đồng.

Do hoảng sợ quá, tôi chạy một mạch ra Nha Trang, chưa kịp báo công an địa phương. Giờ muốn báo công an cũng ngại vì mình không có chứng cứ gì về vụ việc, tiền thì đã mất. Chỉ mong báo chí phản ánh để mọi người cảnh giác. (Bạn đọc 0164...)

Không rõ cơ quan công an xử lý chưa?

Tôi có tham gia bắt ba tên cướp điện thoại của người dân, giao cho công an phường ở Q.12, TP.HCM nhưng một tháng sau vẫn chưa nghe nói công an phường làm gì cả. (Bạn đọc 0937...)

Coi như mình xui

Tôi ở Tiền Giang, xem trên mạng thấy có gia đình ở Q.6, TP.HCM muốn bán xe SH. Chiều 5-7, tôi tới địa chỉ rao bán xe, xem xe xong đôi bên ngồi lại uống nước bàn bạc giá cả.

Có chút bất đồng, chủ nhà rút chìa khóa xe của tôi, khóa cửa nhốt và đánh tôi vì cho rằng tôi lừa đảo.

Thoát được ra ngoài, tôi đã tới trình báo công an phường nhưng có vẻ như các anh không nhiệt tình lắm vì chuyện cũng qua rồi. Sau đó, nghe nói chủ nhà đó là người nghiện ma túy mới đi cai nghiện về. Coi như mình xui, tôi muốn thông tin để mọi người cảnh giác. (Bạn đọc 0966...)

TH.TIÊN

Tội phạm trộm cướp ở Sài Gòn vẫn còn phức tạp Tội phạm trộm cướp ở Sài Gòn vẫn còn phức tạp

TTO - Trong 6 tháng đầu năm 2018, tội phạm hình sự trên địa bàn TP.HCM giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tỉ lệ án do trộm cắp, cướp giật vẫn chiếm tỉ lệ cao.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên