Anh Valentino Deng, 37 tuổi, mong giáo dục sẽ trở thành vũ khí giúp người dân Nam Sudan chống lại đói nghèo và bạo lực - Ảnh: New York Times |
Là một trong những thanh niên thuộc thế hệ “những đứa trẻ bị đánh cắp” vì chiến tranh và loạn lạc ở Nam Sudan, anh Valentino Deng đã có một hành trình ra đi rồi trở lại góp phần xây dựng quê nhà.
Anh Valentino là một đứa trẻ sống tại vùng Marial Bai của Nam Sudan trong những tháng ngày khủng khiếp nhất của cuộc nội chiến. Năm lên 7, một toán binh lính Sudan đã tràn vào làng khiến anh cùng mọi người phải bỏ nhà tháo chạy.
Hành trình chạy loạn tới các trại tập trung ở Ethiopia rồi Kenya ngày ấy có đủ tai ương. Từ bom mìn gài bẫy tới lũ cá sấu hau háu chực chờ. Chính mắt Valentino đã chứng kiến một số bạn bè bị sư tử tấn công hoặc chết thảm dưới làn mưa đạn.
Nghĩ lại quá khứ, Valentino cho rằng anh đã gặp may hơn người khác. Vượt qua tên bay đạn lạc, thoát khỏi nanh vuốt thú dữ, cuối cùng anh cũng đến được các trại tị nạn an toàn.
13 năm sống trong các trại tị nạn, anh học viết học đọc bằng cách dùng ngón tay vạch chữ trên cát. Điều mà Valentino không ngờ là sau này anh đã trở thành một trong những đứa trẻ huyền thoại thuộc thế hệ “bị đánh cắp” ngày ấy.
Khi tới Mỹ, lúc nộp đơn xin đăng ký tình trạng tị nạn, Valentino đã tự nguyện cầu với Chúa rằng nếu được chấp nhận cho lưu trú để vượt qua giai đoạn khắc nghiệt của cuộc đời, một ngày sớm nhất anh sẽ trở lại quê nhà để trả lại ơn phước được sống lúc này.
Rốt cuộc năm 2001 Valentino được nhà cầm quyền chấp nhận cho phép nhập cư ở bang Atlanta. Tại Mỹ, anh được học hành, được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây và có được công việc, cuộc sống dần ổn định.
Từ những trải nghiệm đau đớn và thấm thía, khi nghĩ về cuộc sống của đồng bào mình, Valentino hiểu chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi tất cả hệ lụy cuộc nội chiến 20 năm ở Sudan, mới cải thiện đáng kể và lâu dài cuộc sống người dân nước anh.
Trong lời bạt cuốn sách What is the what (Cái gì là cái gì) của tác giả Dave Eggers viết về cuộc đời Valentino, “nhân vật chính” cho biết anh đã mong muốn đem câu chuyện đời mình đến với tất cả những người quan tâm thông qua cuốn sách.
Như đã thỏa thuận, anh và tác giả Dave Eggers thống nhất dành toàn bộ số tiền bản quyền của cuốn sách để xây dựng một trường học nội trú tại Nam Sudan. Ngôi trường, theo Valentino, sẽ là “vũ khí” mạnh mẽ nhất giúp người dân chống lại đói nghèo, lạc hậu và... những khẩu AK-47.
Năm 2006, cuốn What is the what ra đời và đúng như kế hoạch, một ngôi trường trung học nội trú xây bằng tiền bản quyền cuốn sách cùng với hàng trăm ngàn USD do độc giả báo New York Times ủng hộ đã được khánh thành.
Tới nay, nó là một trong những trường trung học tốt nhất tại Nam Sudan. Mỗi năm có cả ngàn học sinh trên toàn quốc phải tham gia kỳ thi đầu vào với tỉ lệ chọi khắc nghiệt để giành được một trong 150 suất học.
Năm ngoái anh Valentino được bổ nhiệm giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục bang Northern Bahr el Ghazal của Nam Sudan. Cũng như rất nhiều người con khác của Nam Sudan, sau khi ly hương đến Mỹ hoặc các quốc gia khác, Valentino đã trở về và xây dựng lại quê hương mình, khởi đầu từ việc chấn hưng giáo dục.
Loạn lạc ở Nam Sudan vẫn chưa chấm dứt. Trong khi những kẻ hiếu chiến đang “phá” thì Valentino và những người đồng chí hướng với anh vẫn lặng lẽ và kiên cường “xây”.
Bởi họ nhìn thấy tia hi vọng mới từ chính những gương mặt sẽ là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận